Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Một số vấn đề về giảng dạy học phần Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho sinh viên Lào ở Khoa LLCT

Tác giả: ThS. Lê Thị Thái - Đăng ngày: .

Trường Đại học Hà Tĩnh hiện nay có số lượng sinh viên Lào đang theo học đông nhất cả nước. Tại khoa Lý luận chính trị, hai ngành Giáo dục chính trị và Chính trị học có 179 sinh viên đang theo học, trong đó có 172 sinh viên Lào, chiếm 96,1% tổng số sinh viên của hai ngành.


1. Đặt vấn đề

Trong chương trình đào tạo ngành Giáo dục chính trị và Chính trị học của Trường Đại học Hà Tĩnh, học phần Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam được xây dựng nằm trọng khối kiến thức giáo dục đại cương với mục tiêu:

Về kiến thức: Trang bị cho ngư­ời học những kiến thức cơ bản về Lịch sử Đảng CSVN. Giúp người học nhận rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố cơ bản, đầu tiên quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Về kỹ năng: Vận dụng lý luận vào thực tiễn để nhận thức đúng đắn Đường lối của Đảng, đánh giá các sự kiện lịch sử một cách khách quan, khoa học; Phân tích, xử lý các sử liệu liên quan đến môn học Lịch sử Đảng; Vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Về thái độ: Giúp người học có thái độ đúng đắn, tích cực trong học tập, nghiên cứu, có ý thức tu dưỡng, rèn luyện về lý t­ưởng, đạo đức cách mang, niềm tự hào về Đảng, về dân tộc Việt Nam, niềm tin vững chắc vào con đường đi lên CNXH mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, nhân dân Việt Nam đã lựa chọn.

Với mục tiêu học phần như trên, làm sao để sinh viên Lào có hứng thú học tập và đạt kết quả cao đang là mối quan tâm lớn đối với giảng viên giảng dạy học phần Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tại Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Hà Tĩnh.

2. Các vấn đề cần được quan tâm khi giảng dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho sinh viên Lào

2.1. Xác định đúng đắn đối tượng và nội dung của học phần Lịch sử Đảng

Đối tượng của Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là nghiên cứu về quá trình xuất hiện và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam – chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam; nghiên cứu về quá trình hoạt động lý luận chính trị, tư tưởng và tổ chức phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng của Đảng; về quy luật vận động, phát triển của các biến cố và quá trình tổ chức, hoạt động và lãnh đạo của Đảng trong các thời kỳ và các giai đoạn cách mạng ở Việt Nam.

Có xác định được cụ thể và đúng đắn đối tượng của học phần Lịch sử Đảng như vậy mới tránh được sự trùng lặp, chồng chéo lên nhau trong khi nghiên cứu và giảng dạy. Bởi vì, trong chương trình đào tạo của hai ngành Giáo dục chính trị và Chính trị học tại trường Đại học Hà Tĩnh, trong khối kiến thức khoa học xã hội có học phần Đại cương lịch sử Việt Nam. Lịch sử Việt Nam từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là lịch sử đấu tranh cách mạng không ngừng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng để giành lại độc lập, tự do, khôi phục và đất nước thống nhất theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Do đó, giữa lịch sử Việt Nam - thời kỳ cận - hiện đại và Lịch sử Đảng tất nhiên có mối quan hệ gắn bó hữu cơ, không thể tách rời nhau. Nhưng không vì thế mà đồng nhất hai môn khoa học này với nhau, chúng có sự khác nhau về nhiệm vụ và đối tượng nghiên cứu. Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại có nghiệm vụ nghiên cứu một cách toàn diện các biến cố lịch sử về phương diện kinh tế - xã hội, chính trị, tư tưởng, văn hóa của xã hội Việt Nam trong quá trình chuyển biến cách mạng từ một xã hội thực dân qua các thời kỳ giai đoạn lịch sử để tiến lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn lịch sử Đảng là một bộ phận của lịch sử dân tộc nên có phạm vi nghiên cứu hẹp hơn.

2.2. Đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng sinh viên Lào

* Đổi mới phương pháp giảng dạy thuyết trình

Trong dạy học, thuyết trình là phương pháp giảng viên dùng lời nói để trình bày, mô tả, giải thích các nội dung bài giảng cho người học nhận thức đúng đắn vấn đề. Đối với phương pháp giảng dạy thuyết trình, ngôn ngữ là phương tiện chủ yếu của giảng viên, là yếu tố cực kỳ quan trọng để thực hiện và nâng cao chất lượng bài giảng. Tuy nhiên, đối với sinh viên Lào còn hạn chế về tiếng Việt, đã ảnh hưởng ít nhiều đến tiện độ và chất lượng học tập của các em. Nhiều sinh viên Lào học chưa theo kịp chương trình nên kết quả chưa cao do gặp trở ngại về tiếng Việt. Vì vậy, giảng viên cần phải đổi mới phương pháp thuyết trình khi giảng dạy học phần Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho sinh viên Lào.

Để phương pháp thuyết trình đạt được hiệu quả đối với sinh viên Lào, trước hết giảng viên cần phải nắm vững yêu cầu về ngôn ngữ, văn phong bài giảng, về sử dụng tư liệu thực tế và sử dụng kênh phi ngôn ngữ như cử chỉ, điệu bộ để trình bày bài giảng. Giảng viên phải có ngôn ngữ phong phú để trình bày chính xác những khái niệm, sự vật hiện tượng và những sự kiện lịch sử, những quan điểm đường lối và chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Giảng viên sử dụng ngôn ngữ khi giảng dạy cho sinh viên Lào phải là ngôn ngữ chuẩn mực, phải được mọi người thừa nhận, phải có sự thống nhất giữa nội dung thông tin, những tư liệu sự kiện, những quan điểm, tư tưởng, đường lối chính sách của Đảng đã được khẳng định và sự diễn đạt bằng những phương tiện ngôn ngữ các nội dung đó. Đồng thời, ngôn ngữ phải có tính thẩm mỹ, đó là vẻ đẹp và sự hấp dẫn của lời nói, làm tăng sự thích thú cho người học trên cơ sở sử dụng những ngôn từ có chọn lọc được sử dụng đúng đắn, chính xác, phù hợp, văn hóa mà không hoa mỹ một cách cầu kỳ, quá mức cần thiết, không phù hợp với đối tượng là sinh viên Lào.

Đối với sinh viên Lào có trở ngại về tiếng Việt thì giảng viên nên tận dụng ưu thế của phương pháp thuyết trình là sử dụng kênh phi ngôn ngữ, đó là cử chỉ, điệu bộ, nét mặt. Nếu biết sử dụng tốt, kênh phi ngôn ngữ không chỉ là sự bổ sung mà còn nhân lên hiệu quả của bài giảng. Yêu cầu của kênh phi ngôn ngữ là phải tự nhiên, hợp lý, gắn với nội dung, hợp với từng loại đối tượng, bối cảnh bài giảng.

* Kết hợp phương pháp đàm thoại với phương pháp thảo luận nhóm

Đàm thoại là phương pháp giảng viên tổ chức cho sinh viên học tập thông qua hệ thống câu hỏi và trả lời. Đàm thoại có ưu thế là tạo cơ hội cho sinh viên tham gia cùng khám phá tri thức với người dạy, khắc phục được tình trạng thụ động, tác động một chiều trong dạy học. Muốn phát huy ưu thế của phương pháp đàm thoại trong giảng dạy học phần Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho sinh viên Lào cần phối hợp với phương pháp khác, đặc biệt là phương pháp thảo luận nhóm.

Giảng viên có thể chia sinh viên thành nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 5 đến 7 sinh viên. Đối với các lớp có sinh viên Việt Nam, giảng viên phân xen kẽ sinh viên Việt với sinh viên Lào để các em hỗ trợ nhau trong quá trình thảo luận và trình bày kết quả. Giảng viên nêu câu hỏi cho từng nhóm, các nhóm thảo luận trong thời gian quy định, sau đó đại diện nhóm trình bày ý kiến của mình, ưu tiên các em sinh viên Lào trình bày để các em có cơ hội trau dồi tiếng Việt cũng như cách diễn đạt vấn đề. Sau khi đại diện nhóm trình bày xong, các nhóm khác bổ sung, tranh luận, cuối cùng giảng viên kết luận từng vấn đề theo yêu cầu đặt ra.

Kết hợp phương pháp đàm thoại với phương pháp thảo luận nhóm sẽ phát huy được vai trò của cả cá nhân và tập thể. Đây cũng là điều kiện tốt để sinh viên Lào trau dồi cách diễn đạt bằng tiếng Việt, thể hiện tốt tính năng động, sáng tạo trong nhận thức của mình về những vấn đề của nội dung bài học, cũng như liên hệ được với thực tiễn, liên hệ được với Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Tuy nhiên, để đạt được kết quả như trên đòi hỏi sự tâm huyết, tính sáng tạo của mỗi giảng viên và sự nỗi lực vươn lên với tinh thần ham học hỏi của sinh viên trong từng bài giảng của học phần Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

2.3. Sử dụng phương tiện dạy học hiện đại

Đối với sinh viên Lào, để đạt được mục tiêu của học phần Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam thì vấn đề sử dụng phương tiện dạy học hiện đại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Phương tiện dạy học hiện đại cần thiết để sử dụng trong giảng dạy học phần Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam bao gồm máy chiếu Projector, máy vi tính, hệ thống loa có thể truyền tải âm thanh với âm lượng vừa đủ cho không gian lớp học, thiết bị kết nói mạng internet.

Sinh viên Lào có hạn chế nhất định về ngôn ngữ tiếng Việt nên trong quá trình giảng dạy giảng viên có thật sự cố gắng thì sinh viên cũng khó tiếp nhận được hết tri thức mà giảng viên muốn truyền tải, đặc biệt những kiến thức của Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam lại khó ghi nhớ. Chính vì vậy, giảng viên cần sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại để hỗ trợ quá trình học của sinh viên Lào trở nên dễ dàng và sinh động hơn.

Với hệ thống phương tiện dạy học hiện đại giảng viên có thể cho sinh tiếp cận các hình ảnh, video về các thời kỳ lịch sử mà Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng. Sinh viên vừa nghe vừa xem hình ảnh thì quá trình ghi nhớ, tiếp nhận tri thức sẽ đạt kết quả cao hơn.

3. Kết luận

Khoa Lý luận chính trị, trường Đại học Hà Tĩnh đã đào tạo rất nhiều lưu học sinh Lào, sau khi trở về nước đã có sự trưởng thành, hiện đang làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như ở các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, đóng góp một phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nước Lào. Để đạt được kết quả đó, toàn thể giảng viên khoa Lý luận chính trị đã không ngừng nổ lực để truyền đạt tri thức cho các em qua từng nội dung học phần trong chương trình đào tạo, trong đó có học phần Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Giảng dạy học phần Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam cho sinh viên Lào đòi hỏi giảng viên không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn, xác định đúng đắn đối tượng và nội dung học phần mà còn phải biết sử dụng, đổi mới những phương pháp giảng dạy phù hợp với đội tượng tiếp nhận tri thức.

Tài liệu tham khảo

[1]. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Lịch sử Đảng – Viện Lịch sử Đảng (2008), Về phương pháp nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Lý luận chính trị, Hà Nội.

[2]. Vũ Thế Thực, Vận dụng lý luận dạy học vào quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy Lịch sử Đảng ở Trường Sĩ quan quân đội hiện nay, Tạp chí Giáo dục & Xã hội, số đặc biệt, tháng 3 – 2017.