Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Đổi mới phương pháp dạy và học môn tư tưởng Hồ Chí Minh theo chương trình đào tạo học chế tín chỉ

Tác giả: ThS. Trần Thị Thúy - Đăng ngày: .

Đổi mới phương pháp dạy và học theo tín chỉ là một đòi hỏi của thực tế khách quan và không ngoài mục đích nâng cao chất lượng đào tạo. Trong thời gian qua, việc thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ tại trường Đại học Hà Tĩnh nhằm mục đích xây dựng một hệ thống giáo dục dựa trên mục tiêu học tập của sinh viên thông qua việc xây dựng một chương trình đào tạo linh hoạt có thể chuyển đổi và so sánh được, và kết quả đào tạo có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Là một bộ môn bắt buộc trong chương trình đào tạo đại học, cao đẳng, Tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một chuyên ngành khoa học. Việc học tập, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa  Mác - Lênin là một yêu cầu trong việc hình thành con người xã hội chủ nghĩa; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để đảm nhận và hoàn thành nhiệm vụ mà nhân dân và nhà nước giao phó. Đồng thời việc học tập môn học này góp phần khẳng định nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng theo tinh thần của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng. Để thực hiện có tốt mục tiêu đào tạo trên trong đào tạo theo học chế tín chỉ, việc đổi mới phương pháp dạy và học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh càng đặt ra bức thiết để đáp ứng chuẩn đầu ra cho người học, nhất là sinh viên chuyên ngành giáo dục chính trị - đối tượng cần được trang bị những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về lý luận chính trị và phương pháp luận cách mạng khoa học, lập trường, tư tưởng đúng đắn, đạo đức cách mạng trong sáng đáp ứng thực tiễn giảng dạy và công tác sau này.

Phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ được Trường Đại học thực hiện trong 4 năm qua đối với tất cả các ngành học, trong đó có ngành giáo dục chính trị cho thấy những ưu điểm và đặt ra những thách thức sau:

Về ưu điểm: giúp sinh viên hình dung và định lượng ra tất cả các yêu cầu đối với bản thân trong từng giai đoạn cũng như trong suốt quá trình học tập của mình trong nhà trường; tạo điều kiện cho sinh viên chủ động lên kế hoạch và thực hiện việc học tập dựa vào năng lực và điều kiện của mình, làm chủ thời gian và công việc; tăng cường tính mềm dẻo và linh hoạt của chương trình, giúp sinh viên không bị mất đi những mảng kiến thức và kỹ năng đã tích lũy nếu như việc học của họ bị gián đoạn; giúp sinh viên có thể chuyển đổi từ khoá học này sang khoá học khác trong cùng một hệ thống hay khác hệ thống

Tuy nhiên, việc áp dụng học chế tín chỉ cũng đặt ra những yêu cầu đối với cả giảng viên và sinh viên. Để thực hiện các tiết lên lớp, giảng viên phải:  viết đề cương bài giảng; thiết kế các hoạt động học tập, bài tập và bài kiểm tra; chấm bài và cho điểm sinh viên; cập nhật tư liệu nghiên cứu cho môn học; cập nhật những kiến thức mới trong lĩnh vực chuyên ngành của mình… Do vậy việc thực hiện học chế tín chỉ đòi hỏi giảng viên phải mất từ 2 đến 3 giờ để chuẩn bị cho một giờ lên lớp cũng như sinh viên phải tự học từ 2 đến 3 giờ cho mỗi giờ học trên lớp. Chính vì vậy, việc học tập môn tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi người học phải có phương pháp học tập và nghiên cứu, đặc biệt, trong đào tạo theo tín chỉ, sinh viên phải phát huy cao nhất phương pháp tự học, trau dồi phương pháp nghiên cứu khoa học. Để nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập môn học tư tưởng Hồ Chí Minh trong đào tạo các chuyên ngành hiện nay, nhất là chuyên ngành giáo dục chính trị, giảng viên và sinh viên cần phối kết hợp các biện pháp cụ thể sau:

1. Giảng viên cần gợi ý một hệ thống các câu hỏi, bài tập cho trước giúp sinh viên trực tiếp tìm hiểu các bài viết, bài nói của Hồ Chí Minh gắn với bài học mới.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, sinh viên cần tuân thủ việc nghiên cứu giáo trình và soạn bài trước khi đến lớp. Đối với những vấn đề thảo luận mà giảng viên yêu cầu, sinh viên cần soạn dưới dạng một đề cương. Đây là một phương pháp học tập nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Trong quá trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, sinh viên sẽ có cách cảm nhận tinh tế và độc lập mà không bị áp đặt bởi giảng viên hay giáo trình. Qua đó, sinh viên sẽ có được vốn kiến thức phong phú về tư tưởng Người, đồng thời rèn luyện được kỹ năng phân tích và nắm bắt tư tưởng.

2. Giảng viên cần tạo không gian mở và môi trường học tập sôi nổi cho sinh viên chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động học tập trên lớp.

Đầu mỗi buổi học trên lớp, giảng viên cần dành một khoảng thời gian cho sinh viên trình bày kết quả tự học ở nhà theo các dạng bài tập: thảo luận; trả lời tình huống hoặc câu hỏi suy luận; tập tóm tắt nội dung cốt lõi nhất một văn bản hoặc một bộ phim để thuyết trình trước lớp; bình luận, hùng biện đoạn phim, chuỗi hình ảnh về Hồ Chí Minh qua các thời kỳ hoạt động; bài tập liên hệ thực tế; bài tập trình bày chính kiến riêng của mình về một vấn đề mở… Để thực hiện phương pháp này thành công đòi hỏi phải có sự chỉ dẫn của giảng viên. Giảng viên tác động vào quá trình tự thể hiện này của sinh viên bằng nhiều cách: Hướng dẫn phương pháp tiếp nhận văn bản Hồ Chí Minh, khẳng định những ý kiến đúng, biểu dương những ý kiến sáng tạo, sắc sảo, gợi ý cách đọc hiểu, đọc sâu… , cung cấp thêm những hoàn cảnh, sự kiện lịch sử để hiểu đúng luận điểm của Hồ Chí Minh và thấy được giá trị to lớn của luận điểm đó.

3. Giảng viên cần tạo điều kiện cho sinh viên có thể tham gia trò chơi đóng vai hoặc các trò chơi trí tuệ theo sự hướng dẫn của mình.

Với trò chơi đóng vai, sinh viên được đặt vào thế hoàn toàn chủ động để bộc lộ trình độ nhận thức, kỹ năng và tình cảm xã hội - chính trị của họ. Sinh viên có thể đóng vai tuyên truyền viên tư tưởng Hồ Chí Minh, đóng vai người kể chuyện hoặc ngâm thơ về Bác… nhằm rèn luyện cho sinh viên kỹ năng kể chuyện tình cảm và sức cảm thụ sâu sắc về tư tưởng Hồ Chí Minh. Một số trò chơi trí tuệ như đoán ô chữ về Hồ Chí Minh hoặc đưa ra một số câu hỏi trắc nghiệm… Việc đưa các trò chơi này vào bài giảng không chỉ làm không khí giờ học sôi nổi và hấp dẫn mà còn có hiệu quả tâm lý sư phạm rất quan trọng: sinh viên tự biểu hiện, tự đánh giá; khuyến khích sự hợp tác cộng đồng trong học tập, tạo nên tinh thần thi đua trong học tập; tăng tình cảm yêu thích môn học tư tưởng Hồ Chí Minh… Qua đó, đánh giá được kết quả rèn luyện của sinh viên một cách chính xác.

4. Sinh viên tích cực tự học ở nhà.

Đây là phương thức học tập đòi hỏi tính tự giác và tích cực học tập của sinh viên. Trước khi đến lớp, sinh viên phải đọc giáo trình, nghiên cứu tài liệu để xác định mục tiêu của bài học đó, tóm tắt được nội dung cơ bản, biết đặt ra các câu hỏi và rút ra ý nghĩa và giá trị của các tư tưởng, luận điểm của Người. Sinh viên có thể tự học và nghiên cứu qua các kênh thông tin khác nhau: xem đĩa CD-Room Hồ Chí Minh toàn tập, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, xem băng hình tư liệu về Bác, xem các thông tin chính thống trên Internet, đài phát thanh, truyền hình, thăm các di tích lịch sử, các địa danh ghi dấu ấn về quê hương, cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, thăm bảo tàng cách mạng, bảo tàng Hồ Chí Minh..

5. Giảng viên cần kết hợp với Trường, Khoa, Phòng nghiên cứu khoa học để tổ chức cho sinh viên có thể tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học hoặc viết báo, viết bài đăng webside của Trường về tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, sinh viên có thể trực tiếp thực hiện việc làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi sinh viên có thể tự trồng và chăm sóc một cây xanh trong khuôn viên nhà trường; thu gom giấy vụn không chỉ bảo vệ môi trường mà còn góp phần giúp đỡ trẻ em nghèo, khuyết tật; nói không với tiêu cực trong thi cử…

6. Một điều đáng quan tâm nữa là đổi mới phương pháp dạyphải đi đôi với việc đổi mới cách thức đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

Trước đây cánh thức đánh giá kết quả học tập của sinh viên chỉ chú trọng vào kết quả kỳ thi cuối khóa và việc đánh giá chỉ chú trọng đến kiến thức chứ chưa chú trọng đến việc phát huy tư duy, khả năng sáng tạo, khả năng làm việc nhóm.. Trong bối cảnh mới, với việc đổi mới phương pháp dạy học, việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên cần thiết phải đổi mới theo hướng nhà trường và giảng viên có thể sử dụng các loại kiểm tra khác nhau trong đánh giá như kiểm tra ngắn, kiểm tra đột xuất, bài tập làm ở nhà, tiểu luận, kiểm tra giữa học kỳ... Kết quả học tập của sinh viên không chỉ được đánh giá bằng các bài kiểm tra và bài thi cuối môn học mà còn bằng cách đánh giá qua: a) các hoạt động trên lớp (số buổi có mặt, thái độ theo dõi bài giảng, thảo luận), b) tự học ở nhà (qua nội dung phát biểu thảo luận trên lớp, thời gian và chất lượng hoàn thành bài tập ở nhà do giảng viên giao), c) đi thực tế, và d) bài thi kết thúc môn học. Việc đánh giá liên tục các hoạt động học tập làm giảm sức ép thi cử cuối học kỳ, giảm tình trạng nhồi nhét kiến thức để lo đối phó thi và như vậy cho phép sinh viên hiểu và yêu thích môn học, nâng cao khả năng tự học theo kiểu nghiên cứu.

7. Kết hợp hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên và phương pháp học tập của sinh viên.

Để hướng dẫn các hoạt động học tập của sinh viên đạt hiệu quả cao nhất thiết cần có sự hướng dẫn và chỉ đạo tích cực, hiệu quả của giảng viên. Có thể nói, phương pháp thuyết trình từ trước đến nay vẫn được lựa chọn là phương pháp tối ưu đối với các bộ môn khoa học xã hội nhằm nhanh chóng truyền đạt nội dung, dễ dàng biểu đạt tình cảm, linh hoạt trong mọi ngữ cảnh, mọi đối tượng người học. Tuy nhiên, phương pháp này dễ gây ra nhàm chán, thầy nói - trò ghi, thầy thường phải độc thoại, trò nghe một chiều nên có những hạn chế trong tiếp thu, khó nhớ, mau quên. Chính vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học môn tư tưởng Hồ Chí Minh là một yêu cầu bức thiết nhằm tạo ra sự năng động, tích cực, chủ động, sáng tạo cho người học, để học có thể dễ dàng, nhanh chóng tiếp thu nội dung, tạo nên sự hào hứng, phấn khởi trong học tập. Việc đổi mới dạy học trong các trường đại học nói chung và đối với bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng đóng vai trò rất quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, giúp người học chuyển từ cách học bị động sang cách học chủ động. Điều này không chỉ đơn giản là sử dụng các công cụ trợ giúp giảng dạy như máy tính, máy chiếu mà còn phải thay đổi một cách có kế thừa tư duy trong giảng dạy và tạo ra một môi trường dạy học tích cực và thân thiện.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học môn học tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề rất quan trọng và cần thiết. Qua đó, tư tưởng của Người mới có thể đi sâu vào tình cảm, tư tưởng của sinh viên và điều quan trọng là biến thành thái độ, hành động đúng đắn trong học tập, lao động và rèn luyện. Vì vậy, cần thiết có sự quan tâm, cải tiến, đổi mới nội dung chương trình, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên… đặc biệt là chú ý đến việc đổi mới phương pháp dạy và học môn học tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự thay đổi và đầu tư một cách đồng bộ ấy có ý nghĩa quyết định trong quá trình đạt tới mục tiêu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc giảng dạy, nghiên cứu và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm làm cho tư tưởng của Người thực sự trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và dân tộc ta./.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. NXB Chính trị quốc gia, H, 1991.

2. Mạnh Quang Thắng (chủ biên). Một số chuyên đề về môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh. NXB Chính trị quốc gia, H, 1996.

3. Song Thành (chủ biên). Hướng dẫn học tập môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. NXB Chính trị quốc gia, H, 2008.

4. Tạp chí lí luận-khoa học giáo dục, bộ giáo dục và đào tạo. Tạp chí Giáo dục.