Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng giai cấp công nhân

Tác giả: ThS. Phạm Thị Thanh Huyền - Đăng ngày: .

Những thành tựu to lớn vàcó ý nghĩa lịch sử gần 30 năm của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đang đứng trước vận hội mới to lớn hơn bao giờ hết đó chính là do đường lối sáng tạo của đảng và lòng yêu nước xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Nhân tố trực tiếp là sự phát triển nhanh chóng và không ngừng đi lên của nền kinh tế, trong đó nền công nghiệp mà giai cấp công nhân là lực lượng chủ đạo, giữ vai trò quyết định nhất.

Giai cấp công nhân Việt Nam là lực lượng nòng cốt, chủ yếu và tiên phong của dân tộc, có vinh dự và trách nhiệm nặng nề là nhân lên vận hội mới của dân tộc bằng đẩy nhanh hơn nữa nhịp độ phát triển nền công nghiệp và dịch vụ với năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, nhằm đáp ứng, thoả mãn yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, quá trình toàn cầu hóa, giap cấp công nhân phải đứng vững, phải đi lên trong hội nhập kinh tế và cạnh tranh quyết liệt của thị trường thế giới làm cơ sở cho tự chủ về kinh tế.

Bàn về giai cấp công nhân có nhiều tên gọi khác nhau như giai cấp vô sản, giai cấp công nhân hiện đại… Ttrong tác phẩm “Những nguyên lí của chủ nghĩa cộng sản” Ph.Ăngghen định nghĩa: Giai cấp vô sản là một giai cấp xã hội hoàn toàn chỉ kiến sống bằng việc bán lao động của mình, chứ không phải sống bằng lợi nhuận của bất cứ tư bản nào, đó là một giai cấp mà hạnh phúc và đau khổ, sống và chết toàn bộ sự sống còn của họ đều phụ thuộc vào số cầu về lao động, tức là vào tình hình chuyển biến tốt hay xấu của công việc làm ăn, vào những biến động của cuộc cạnh tranh không gì ngăn cản nổi.

Cho dù giai cấp công nhân có nhiều tên gọi khác nhau như thế nào đi nữa thì theo C.Mác và Ph.Ăngghen vẫn chỉ mang hai thuộc tính cơ bản: 1) Về phương thức lao động, phương thức sản xuất, đó là những người lao động trực tiếp hay gián tiếp vận hành các công cụ sản xuất có tính công nghiệp ngày càng hiện đại và xã hội hoá cao. 2) Về vị trí trong quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, đó là những người lao động không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động cho nhà tư bản và bị nhà tư bản bóc lột về giá trị thặng dư. Đối diện với nhà tư bản, công nhân là những người lao động tự do, những người bán sức lao động của mình để kiếm sống.

Những quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về hai tiêu chí cơ bản của giai cấp công nhân cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, vẫn là cơ sở phương pháp luận để chúng ta nghiên cứu giai cấp công nhân hiện đại, đặc biệt là để làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong thời đại ngày nay. Từ quan điểm của chủ nghĩa Mác – Leenin về giai cấp công nhân đảng ta đã đưa ra quan điểm về xây dựng giai cấp công nhân phù hợp với điều kiện ở nước ta.

Đảng ta xác định: Giai cấp công nhân Việt Nam thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thông qua Đảng tiền phong của mình thực hiện sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là hạt nhân của liên minh công - nông - trí thức và khối đại đoàn kết các dân tộc ở nước ta và chỉ có giai cấp công nhân mới có thể là giai cấp tiên phong, giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Qua mỗi kỳ Đại hội, Đảng ta đều rất quan tâm đến vấn đề xây dựng giai cấp công nhân, luôn cho rằng: “Xây dựng giai cấp công nhân là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của toàn bộ hệ thống chính trị”.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên xác định 6 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, đồng thời xác định 7 phương hướng cần thực hiện trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó, có phương hướng “phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại gắn liền với phát triển một nền nông nghiệp toàn diện là nhiệm vụ trung tâm nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống nhân dân”([1]).

Cương lĩnh năm 1991 của Đảng có đề cập đến việc: “Phát triển giai cấp công nhân về số lượng và chất lượng để xứng đáng là giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội... Đặc biệt coi trọng việc xây dựng một đội ngũ công nhân lành nghề, những nhà kinh doanh có tài, những nhà quản lý giỏi và các nhà khoa học, kỹ thuật có trình độ cao”([2]).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã xác định: “Mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”([3]).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam có những bước tiến mới trong nhận thức, lý luận về giai cấp công nhân trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đại hội lần thứ IX của Đảng xác định: “Trong thời kỳ quá độ, có nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế, giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng cơ cấu, tính chất, vị trí của các giai cấp trong xã hội ta đã thay đổi nhiều cùng với những biến đổi to lớn về kinh tế, xã hội. Mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội là quan hệ hợp tác và đấu tranh trong nội bộ nhân dân, đoàn kết và hợp tác lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lợi ích giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích toàn dân tộc”([4]).

Để giai cấp công nhân Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình, văn kiện Đại hội X của Đảng đã tiếp tục chỉ rõ: “Đối với giai cấp công nhân, phát triển về số lượng, chất lượng và tổ chức; nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn và nghề nghiệp, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công  nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”([5]).

Và gần đây nhất, tại Đại hội đại biều toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Đảng ta xác định: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.”([6]).

Quan niệm nêu trên thể hiện sự kiên định của Đảng ta với quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh thần của Cương lĩnh năm 1991 và Nghị quyết các Đại hội Đảng về giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Có thể khái quát những quan điểm nhất quán về giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới nói chung, trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng là:

Lợi ích của giai cấp công nhân gắn bó mật thiết với lợi ích toàn dân tộc, vì mục tiêu chung của cách mạng Việt Nam; giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giai cấp giữ vai trò nòng cốt trong liên minh công - nông - trí thức (cơ sở, nền tảng của động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam).

Những quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng và tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế gắn với vị trí, vai trò, nhiệm vụ to lớn của giai cấp công nhân chính là cơ sở lý luận để chúng ta tiếp tục làm rõ vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay và thập niên tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội - 1995, tập 2;

2. Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học - NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội-2006;

3. PGS, TSKH Nguyễn Viết Vượng, Giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XXI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2010;

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996;

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001;

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006;

7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011;


([1])  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2007, t51, tr.135.

([2])Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2007, t51, tr.141.

([3]) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996, tr80.

([4]) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, tr85.

([5]) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, tr118.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2011, tr.240-241.