Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam

Tác giả: ThS. Trần Nguyên Hào - Đăng ngày: .

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ cách mạng lỗi lạc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại mà còn là một nhà báo cách mạng vĩ đại. Người khước từ mọi danh hiệu mà mọi người tôn vinh và chỉ khiêm tốn nhận mình là một người có nhiều duyên nợ với báo chí nhưng sự nghiệp báo chí mà Người để lại hết sức đồ sộ và có giá trị to lớn về cả lý luận và thực tiễn với khoảng 2.000 bài báo các loại được viết bằng nhiều thứ tiếng, 150 bút danh viết nên những tác phẩm báo chí xuất sắc, đề cập đến toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng và của đời sống xã hội.


Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, là người sáng lập và linh hồn của nhiều tờ báo vô sản đầu tiên trong lịch sử báo chí ở nước ta và trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, tư tưởng và phong cách báo chí của Người đã và đang định hướng cho sự phát triển của nền báo chí và sự nghiệp của người làm báo nước ta.
Nội dung tư tưởng về báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hệ thống gồm những quan điểm toàn diện và sâu sắc về nhiều lĩnh vực. Trong đó, những quan điểm của Người về tư cách của người làm báo trong xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam có giá trị sâu sắc cả về mặt lý luận và thực, cần phải được tiếp tục nghiên cứu và vận dụng vào xây dựng và nền báo chí Việt Nam nói chung và xây dựng đội ngũ nhà báo đủ tài đức, tâm huyết trong giai đoạn hiện nay.
Trước cách mạng tháng Tám, ngòi bút của Hồ Chí Minh đã tung hoành trên mặt trận báo chí phạm vi quốc tế, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, lên án chủ nghĩa thực dân, chỉ đạo phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa nói chung và phong trào cách mạng trong nước nói riêng đi đến thắng lợi. Chính Người đã sáng lập và linh hồn của nhiều tờ báo vô sản đầu tiên trong lịch sử báo chí nước ta và trên thế giới, trước hết là tờ Báo Người cùng khổ ở Pháp, Báo Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh, Việt Nam độc lập ở Trung Quốc và Việt Nam. Từ kinh nghiệm thực tiễn làm báo phong phú của mình, và từ việc nhân thức sâu sắc về vị trí, vai trò hết sức quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng, sau cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại những chỉ dẫn hết sức có giá trị đối với đội ngũ người làm báo. Trong điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi 1969, Người khẳng định: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén - bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới” .
Từ việc xác định vị trí, vai trò to lớn đó của báo chí, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ chức năng nhiệm vụ của nền báo chí cách mạng nước ta. Trong thư gửi lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng (tháng 5-1949) Hồ Chủ tịch viết: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung” . Đó chính là sự phát triển cụ thể hơn quan điểm của Lênin về 3 chức năng của báo chí là: Tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể. Nói cách khác, theo Người, nhiệm vụ của báo chí chính là tác động vào nhận thức xã hội nhằm thay đổi nhận thức theo hướng tích cực để đưa quần chúng vào hoạt động thực tiễn cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ của báo chí cách mạng trên cơ sở hiểu rõ vai trò vô cùng to lớn của báo chí cách mạng trong đời sống xã hội. Trong bài xã luận báo Việt Nam Độc lập năm 1941, Người viết: Tây cốt làm cho ta ngu hèn. Báo Việt Nam Độc lập “cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do” .
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng phải góp phần đắc lực trong việc phục vụ sự nghiệp cách mạng với những nhiệm vụ cụ thể như đấu tranh chính trị, tư tưởng, tuyên truyền giác ngộ về lý tưởng cách mạng, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho nhân dân…Báo chí phải phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân. Vì vậy, báo chí cách mạng phải có những tính chất nhất định mà cơ bản là tính chính trị, tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính Đảng, tính nhân dân (hay tính quần chúng), tính chân thật và tính khoa học.
Nói chuyện tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam tháng 4-1959, Bác Hồ chỉ rõ: “Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà là để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu” .
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính chiến đấu của báo chí cách mạng thể hiện một cách đầy đủ nhất, cô đọng nhất, sâu sắc nhất, giản dị nhất và cũng dễ hiểu nhất trong bốn nội dung sau: Một là, báo chí là một mặt trận; Hai là, cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; Ba là, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của người làm báo; Bốn là, bài báo là tờ hịch cách mạng.
Một nội dung quan trọng nữa trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng đó là quan điểm của Người về cách làm báo và viết báo.
Nhất quán trong quan điểm sáng tác, sáng tạo văn học nghệ thuật và báo chí nói chung, về cách làm báo, viết báo, Người luôn đặt ra những câu hỏi cụ thể: Viết để làm gì, viết cho ai xem, viết cái gì và viết như thế nào? Đây thực chất là Người bàn đến những vấn để cốt lõi nhất của phương pháp sáng tạo tác phẩm của nhà báo.
Hồ Chí Minh dạy các nhà báo về cách viết rất cụ thể, tỉ mỉ, thiết thực. Người còn hướng dẫn chu đáo “viết rồi phải thế nào”? - Tức là kiểm tra sau khi viết. Người căn dặn: “viết rồi thì phải đọc đi đọc lại. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại”.
Viết cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn. Đó là lời dạy của Bác Hồ với nhà báo, nhà văn khi viết về người tốt việc tốt, các gương chiến sĩ anh dũng, tại buổi lễ bế mạc Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần III, tháng 5-1962.
Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng ngôn ngữ tối ưu nhằm bảo đảm tính hiệu quả của thông tin. Người luôn đòi hỏi phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và bảo vệ, phát triển tiếng nói của dân tộc. Văn phong báo chí của Người rất phong phú về hình thức, đa dạng về thể loại, biến hóa về kết cấu, phong cách, giai điệu…, mỗi bài mỗi vẻ, không lặp lại. Từ lối viết uyên bác, hàn lâm để nói với các chính khách phương Tây, lối viết hàm súc, ẩn dụ ý tại ngôn ngoại để nói với các bậc đại Nho, đến lối viết mộc mạc, bình dị cho người ít chữ…, tất cả đều chân thực, giản dị, tự nhiên, hấp dẫn mà không hào nhoáng, mộc mạc mà không tầm thường.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là tài sản tinh thần to lớn và quan trọng của ngành báo chí Việt Nam, là cơ sở phương pháp luận cho hoạt động báo chí nước ta trong suốt tiến trình cách mạng. Việc học tập, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng trong điều kiện hiện nay là một nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho sự phát triển vững vàng, tích cực của nền báo chí Việt Nam trong thời kỳ mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 441
2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 625
3 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 625
4 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập , 9, Nxb CTQG, H, 2000, tr.414