Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Mô hình công ty cổ phần theo pháp luật Trung Quốc

Tác giả: ThS. Trần Thị Tú Anh - Đăng ngày: .

Công ty cổ phần là mô hình công ty đối vốn điển hình với những ưu điểm nổi bật như khả năng huy động vốn đại chúng rộng rãi, mở rộng quy mô kinh doanh; cũng như khả năng hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư… Trên thế giới hiện nay, mô hình công ty này rất phổ biến; và tại Trung Quốc, công ty cổ phần cũng là mô hình công ty rất phát triển, được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.


Quy định của pháp luật doanh nghiệp Trung Quốc về công ty cổ phần
Công ty cổ phần là loại hình công ty mà vốn công ty được phân chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần, người sở hữu cổ phần gọi là cổ đông, chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần mà họ sở hữu.
Về thành viên công ty, Luật Công ty Trung Quốc 2005 có quy định về giới hạn cổ đông sáng lập của công ty cổ phần là từ 2 đến 200 người ( Điều 79).
Về chế độ trách nhiệm, các cổ đông chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn mà mình đã góp vào công ty. Trong quá trình hoạt động, công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán ra công chúng để huy động vốn.
Về vốn điều lệ, pháp luật Trung Quốc quy định mức vốn đăng ký tối thiểu để thành lập công ty cổ phần là 5.000.000 Nhân dân tệ và trong đó, cổ đông sáng lập phải nắm giữ ít nhất 35% vốn điều lệ.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, công ty cổ phần chỉ được thanh toán cổ tức cho các cổ đông khi công ty kinh doanh có lãi và đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cũng như các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Về mô hình tổ chức quản lý, Luật Công ty 2005 của Trung Quốc quy định Đại hội cổ đông là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Công ty cổ phần, có quyền xem xét và quyết định những vấn đề chủ chốt và quan trọng nhất của Công ty. Cơ quan này chỉ hoạt động thông qua các cuộc họp và ra quyết định trên cơ sở biểu quyết của các cổ đông.
Điều 101 Luật Công ty Trung Quốc 2005 cũng khuyến nghị Đại hội đồng cổ đông nên tiến hành họp hai tháng một lần trong một số trường hợp ảnh hưởng quan trọng tới hoạt động kinh doanh của Công ty. Như vậy, pháp luật không giới hạn số lần họp đại hồi đồng mà để cho các cổ đông tự do định đoạt, đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp trong kinh doanh.
Cơ quan quản lý thứ hai trong công ty cổ phần là Hội đồng quản trị. Theo quy định điều 109 Luật công ty Trung Quốc thì thành viên Hội đồng quản trị do Đại hội đồng bầu ra và số lượng thành viên là từ 5 đến 19 người. Hội đồng quản trị có quyền và nhiệm vụ cụ thể theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ Công ty.
Giám đốc (Tổng giám đốc) là người điều hành hoạt động hàng ngày của công ty và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao.
Trong công ty cổ phần có thể có Ban kiểm soát. Theo quy định tại điều 118 Luật Công ty 2005, “Công ty cổ phần có thể thành lập một ban kiểm soát và ban kiểm soát có ít nhất 3 thành viên”. Ban kiểm soát thực hiện việc kiểm tra các công việc tài chính của Công ty; giám sát các hoạt động của những người có nghĩa vụ quản lý doanh nghiệp.
Qua những phân tích khái quát trên đây, có thể thấy, pháp luật doanh nghiệp của Trung Quốc và luật Doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng khi quy định về công ty cổ phần. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những quy định về mô hình công ty này giữa hai hệ thống pháp luật lại tồn tại sự khác biệt căn bản. Thực tiễn hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc lựa chọn áp dụng mô hình công ty cổ phần khi đầu tư vào Việt Nam. Do đó, việc tìm hiểu các quy định liên quan đến các loại hình doanh nghiệp theo pháp luật Trung Quốc trong đó có công ty cổ phần là hết sức cần thiết nhằm giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật của nhau để hạn chế những rủi ro trong kinh doanh.
Tài liệu tham khảo
Luật Công ty Trung Quốc 2005