Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Nội dung quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng

Tác giả: Dương Thị Cẩm Hằng - Đăng ngày: .

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, các quan hệ tiêu dùng được thiết lập ngày càng nhiều với những phương thức ngày càng đa dạng và phong phú, điển hình là các phương thức giao dịch thương mại điện tử thì những thông tin cá nhân của người tiêu dùng (NTD) ngày càng trở nên quan trọng đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh. Những chủ thể kinh doanh có được càng nhiều thông tin về NTD thì sẽ càng có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các chủ thể khác và từ đó, mở rộng cơ hội để quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, tiến tới giao kết hợp đồng với NTD. Chính bởi những lợi ích nói trên, nhiều chủ thể đã ngang nhiên mua bán, sử dụng thậm chí chiếm đoạt các thông tin cá nhân của NTD nhằm trục lợi một cách bất chính. Hành vi này không chỉ gây tổn thất về tài sản mà còn có khả năng xâm hại đến đời sống tinh thần của NTD.

Xuất phát từ thực tiễn đó, pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD của Việt Nam đã chính thức thừa nhận quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD trong nhiều văn bản QPPL khác nhau. Có thể hiểu quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD là quyền của NTD khi tham gia vào quan hệ với chủ thể kinh doanh được bảo đảm giữ an toàn, bí mật các thông tin cá nhân mà mình đã cung cấp cho chủ thể kinh doanh đó, không bị sử dụng hay tiết lộ thông tin cho bất kỳ một bên thứ ba nào khác khi chưa được NTD đồng ý (trừ trường hợp ngoại lệ do pháp luật quy định)”.

Pháp luật về quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD là hệ thống các QPPL điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể trong quá trình thu thập, sử dụng, bảo mật, chuyển giao thông tin cá nhân của người tiêu dùng cũng như trong quá trình quản lý nhà nước và giải quyết tranh chấp liên quan đến việc bảo đảm bí mật thông tin cá nhân cho NTD. Về cơ bản, pháp luật về quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD có những nội dung chính sau đây:

Một là, quy định về trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh đối với việc bảo vệ quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD. Trong quan hệ tiêu dùng, pháp luật yêu cầu các chủ thể kinh doanh phải thực hiện các nghĩa vụ cụ thể liên quan đến việc thu thập, sử dụng và chuyển giao thông tin cá nhân của NTD. Theo đó, các cá nhân, tổ chức kinh doanh khi tiến hành thu thập thông tin của NTD phải thông báo công khai về mục đích thu thập thông tin, không sử dụng thông tin NTD trái với mục đích đã thông báo khi chưa được sự đồng ý của NTD. Bên cạnh đó, các chủ thể kinh doanh phải thực  hiện các biện pháp cần thiết để bảo mật thông tin mà NTD đã cung cấp cho mình; không tiết lộ hay chuyển giao thông tin cá nhân của NTD cho chủ thể khác…

Hai là, quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức xã hội đối với việc bảo vệ quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD. Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm chủ yếu trong việc xây dựng và ban hành các chính sách, chiến lược, chương trình cụ thể về bảo vệ quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD; trực tiếp quản lý việc thực thi quyền năng quan trọng này của NTD. Ngoài ra, pháp luật cũng đưa ra những quy định về trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong việc tư vấn, giúp đỡ, đại diện cho NTD cũng như trong việc độc lập thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi cho NTD, hỗ trợ hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ba là, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, xâm hại đến quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD.

Về cơ bản, những hành vi xâm hại đến NTD bị pháp luật nghiêm cấm hiện nay bao gồm: thu thập, sử dụng trái phép thông tin cá nhân của NTD; phát tán thông tin của NTD; kinh doanh trái pháp luật các thông tin cá nhân của NTD; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác bất hợp pháp thông tin cá nhân của NTD đang được lưu trữ, bảo mật...

Bốn là, quy định về các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ liên quan đến việc bảo vệ bí mật các thông tin cá nhân của NTD.

Đối với các tranh chấp đối với chủ thể kinh doanh liên quan đến việc bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, để bảo vệ quyền lợi của mình, NTD có thể lựa chọn các phương thức thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án. Bên cạnh đó, NTD cũng được pháp luật thừa nhận quyền khởi kiện tập thể để nhằm đảm bảo cho NTD được bảo vệ quyền lợi một cách đầy đủ và thuận lợi hơn.

Năm là, quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi xâm hại đến quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

Để đảm bảo các hành vi xâm phạm đến quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD sẽ bị xử lý kịp thời, nghiêm minh, khôi phục các lợi ích bị thiệt hại cho NTD, pháp luật đã quy định về những chế tài mà một chủ thể thực hiện các hành vi xâm hại bí mật thông tin cá nhân NTD phải gánh chịu. Tùy vào mức độ và tính chất của hành vi, chủ thể vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức chế tài bao gồm chế tài hành chính, chế tài dân sự, chế tài hình sự và chế tài kỷ luật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ công thương (2008), Bản dịch Những nguyên tắc cơ bản về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thương mại điện tử của diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Hà Nội.
  2. Đại học Luật Hà Nội (2014), Giáo trình Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội.
  3. Liên hợp quốc (2015), Bản hướng dẫn về bảo vệ NTD năm 1985 (được sửa đổi bổ sung năm 2015).
  4. Quốc hội Việt Nam (2010), Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.