Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Một số nội dung mới của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi

Tác giả: Th.S Trần Thị Tú Anh - Đăng ngày: .

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ quốc hội ban hành tại Nghị quyết 549/NQ-UBTVQH14, Bộ luật lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 năm 2019. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như: quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; mức lương tối thiểu; tăng thời giờ làm thêm; tuổi nghỉ hưu...Theo đó, dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi có một số điểm mới nổi bật như sau:

Thứ nhất, theo dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi sẽ tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021. Theo đó, chúng ta sẽ có hai phương án: Một là giữ nguyên theo Bộ luật lao động năm 2012, tuổi nghỉ hưu với nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; Hai là từ năm 2021, tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, cứ mỗi năm tăng thêm 06 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Hiện nay, Điều 187 Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là 60 đối với nam và 55 đối với nữ. Tăng tuổi nghỉ hưu là một nội dung lớn đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo luật nhưng chưa được Quốc hội thông qua: Luật Bình đẳng giới năm 2007, Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Các ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu vì những lý do sau: Một là, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng nhiều so với giai đoạn trước đây và khoảng cách giữa tuổi thọ bình quân với tuổi nghỉ hưu bình quân là rất dài nên thực tiễn nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm, và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp; Hai là, dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số, trong tương lai lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt; Ba là, nếu cứ giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí, tử tuất không đảm bảo trong dài hạn; Bốn là, bảo đảm sự không phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước Cedaw, công ước của ILO...; Năm là, tận dụng được nguồn nhân lực động có trình độ, kỹ thuật cao và có kinh nghiệm; Sáu là, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi hưu, có nước lên tới 67 tuổi.

Thứ hai, người lao động cao tuổi được rút ngắn 01 giờ làm việc. Bộ luật lao động sửa đổi tiếp tục quy định về người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau tuổi nghỉ hưu như Bộ luật lao động hiện hành. Tuy nhiên, nếu như Bộ luật lao động hiện hành quy định một cách chung chung: “người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc” thì dự thảo lần này để ra phương án cụ thể là người lao động cao tuổi được rút ngắn 01 giờ làm việc và được hưởng nguyên lương. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã đề ra phương án khác là bỏ hoàn toàn quy định người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc.

Thứ ba, người lao động được chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do. Hiện nay, về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động (NLĐ), Điều 37 Bộ luật Lao động hiện hành quy định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) của NLĐ phải gồm 2 điều kiện: phải có lý do và tuân thủ thời gian báo trước. Người lao động chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong một số trường hợp như: Không được bố trí đúng công việc, địa điểm làm việc; Không được trả lương đầy đủ; NLĐ bị ngược đãi,...

Qua thăm dò ý kiến của các doanh nghiệp hiện nay cho thấy, nhiều doanh nghiệp đồng ý rằng khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ có thể không cần nêu lý do nhưng cần thiết phải báo trước trong một khoảng thời gian nhất định, bởi theo thói quen, một khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ là họ nghỉ luôn, dù rằng lúc đó họ vẫn đang giữ tài sản của công ty. Vì vậy, cần có phương án để doanh nghiệp giữ được chân NLĐ, đến khi bàn giao xong công việc cho người mới, nếu không sẽ khó các công ty sử dụng lao động. NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng NLĐ và người sử dụng lao động đều phải có trách nhiệm không được gây tổn hại cho bên kia.

Để tạo điều kiện cho người lao động trong việc tìm kiếm việc làm, đề phòng cũng như xóa bỏ lao động cưỡng bức, dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi đã đưa ra phương án cho phép NLĐ được quyền chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ thời điểm nào, không cần có lý do, chỉ cần tuân thủ yêu cầu về thời gian báo trước. Theo Dự thảo, thời gian báo trước vẫn theo quy định như Bộ luật hiện hành là 45 ngày đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và 30 ngày đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn, 05 ngày đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng thời vụ.

Thứ tư, tăng tiền lương làm thêm giờ. Tiền lương làm thêm giờ luôn là một vấn đề khiến người lao động đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, tại Bộ luật lao động sửa đổi lần này, tiền lương làm thêm giờ đã được quan tâm để điều chỉnh. Phương án được đề xuất trong dự thảo là người lao động làm thêm giờ được tính lương như sau: Vào ngày thường được trả ít nhất bằng 150% cho giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho các giờ tiếp theo; Vào ngày nghỉ hàng tuần được trả ít nhất 200% cho 02 giờ làm thêm đầu tiên, 300% cho các giờ làm thêm tiếp theo; Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% cho 02 giờ làm thêm đầu tiên, 400% cho các giờ làm thêm tiếp theo. Như vậy, ta có thể thấy, với cách tính này, tiền lương giờ làm thêm của NLĐ đã được tính khác và tăng đáng kể so với quy định của Bộ luật lao động hiện hành.

Trên đây là một số đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan. Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Bộ Luật Lao động sửa đổi (sau đây gọi gọn là Bộ luật Lao động 2019) là vào kỳ họp tháng 5 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV và thông qua dự án Bộ luật Lao động 2019 vào kỳ họp tháng 10 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV.

Tài liệu tham khảo:

[1] Bộ luật lao động năm 2012;

[2] Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi;

[3] Nghị quyết 549/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018.