Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Một số giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của sinh viên Lào ở Trường Đại học Hà Tĩnh

Tác giả: GVC.ThS. Nguyễn Thị Hồng Ninh - Đăng ngày: .

Nghiên cứu khoa học là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, xuất phát từ đòi hỏi của nhà trường, xã hội và cá nhân trong quá trình đào tạo; hoạt này không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của người học.


1. Sự cần thiết của hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học trong quá trình đào tạo Đại học

“Nghiên cứu khoa học là sự tìm hiểu khám phá những thuộc tính bản chất nhất của sự vật hoặc hiện tượng, phát hiện quy luật vận động của chúng, đồng thời vận dụng những quy luật ấy đế sáng tạo các giải pháp cải tạo thế giới khách quan”. [1]

Đây là một hoạt động đặc thù của sinh viên các trường đại học, phản ánh nhu cầu của cá nhân, nhà trường và xã hội.

Đối với cá nhân: Nghiên cứu khoa học của sinh viên là hoạt động mà người học vận dụng kiến thức phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu khoa học để tiến hành hoạt động nhận thức có tính chất nghiên cứu, bước đầu góp phần giải quyết những vấn đề khoa học do thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp đặt ra.

Nhờ đó, sinh viên có thể đào sâu, mở rộng và hoàn thiện vốn hiểu biết của mình, phát triển năng lực tư duy sáng tạo, khả năng lực tự phát hiện và giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, tự kiểm tra và đánh giá cũng như những phẩm chất khác của một nhà khoa học như: tính kiên trì, chịu khó, khả năng làm việc độc lập trong nghiên cứu, v.v…

Đối với trường đại học: Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với sinh viên trong quá trình đào tạo. Mục tiêu của hoạt động này đã được khẳng định trong Điều 39 Luật Giáo dục đại học (2012): “Mục tiêu của hoạt động nghiên cứu khoa học của trường đại học là nâng cao chất lượng giáo dục đại học, hình thành và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho người học; phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao.

Trong trường đại học, đây là một hoạt động phong phú diễn ra dưới nhiều hình thức, từ việc thực hiện các bài tập lớn, đến đề tài, khóa luận, luận văn tốt nghiệp, xêmina khoa học, trao đổi học thuật, v.v...

Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời, đã đặt ra cho sinh viên Việt Nam cũng như sinh viên trong khu vực những thách thức mới. Muốn thành công, sinh viên phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học độc lập, lao động sáng tạo, phát huy tiềm năng sáng tạo, để trở thành chủ nhân tương lai có tri thức, sức khỏe, có bản lĩnh, vững vàng hội nhập, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập. Như vậy, cùng với học tập để chiếm lĩnh tri thức, sinh viên phải tham gia nghiên cứu khoa học.

Tóm lại, nghiên cứu khoa học là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, xuất phát từ đòi hỏi của nhà trường, xã hội và cá nhân trong quá trình đào tạo; hoạt này không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của người học. Các trường cần quan tâm tạo điều kiện để sinh viên thực hiện quyền và nhiệm vụ này.

Hiện nay, Trường Đại học Hà Tĩnh có hơn 1.000 sinh viên Lào học tập, nghiên cứu ở các Khoa Lý luận chính trị, Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Khoa Ngoại ngữ và Khoa Sư phạm, Khoa Tiếng Việt.

Thời gian qua, Nhà trường và các Khoa đào tạo đã có những hỗ trợ, tạo điều kiện để sinh viên Lào tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu khoa học còn chưa cao. Cụ thể: Từ năm 2013 đến nay, trong tổng số hơn 1.000 sinh viên Lào chỉ có 25 sinh viên tham gia làm bài tập lớn, 10 sinh viên tham gia làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa; 2 sinh viên làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường và 2 sinh viên viết bài tham gia hội thảo khoa học cấp trường.

2. Một số giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của sinh viên Lào ở Trường Đại học Hà Tĩnh

2.1. Nâng cao nhận thức của sinh viên về hoạt động nghiên cứu khoa học

Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, trước hết phải nâng cao nhận thức cho sinh viên Lào về vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học đối với sinh viên. Đây là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng nhằm tạo ra những chuyển biến quan trọng trong nhận thức của sinh viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Do đó, trong quá trình đào tạo, cần thống nhất tính chất và nội dung hoạt động nghiên cứu khoa học, đó là hoạt động có phạm vi, nội dung rộng, thâm nhập và có quan hệ chặt chẽ với các hoạt động khác trong nhà trường, đặc biệt được đặt ngang tầm với hoạt động học tập, rèn luyện, giáo dục, đào tạo.

2.2. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên

Hoạt động nghiên cứu khoa học đòi hỏi những kiến thức và kỹ năng, để đẩy mạnh hoạt động này nhất thiết phải bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng cho sinh viên, trong đó chú trọng nâng cao trình độ vận dụng phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu khoa học; kỹ năng phân tích, đánh giá một công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, áp dụng những kết quả nghiên cứu vào trong thực tiễn. Nhà trường và các khoa đào tạo cần phải quan tâm:

Một là, cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên, xác định điểm mạnh, điểm yếu trong hoạt động này để có biện pháp phù hợp.

Hai là, các khoa, bộ môn chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học (kiến thức, kỹ năng) cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu đào tạo trường Đại học Hà Tĩnh và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Ba là, tổ chức các hoạt động để sinh viên có cơ hội trải nghiệm sáng tạo, rèn luyện và khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân dưới các hình thức phong phú như:

- Thông qua sinh hoạt khoa học ở khoa và bộ môn;

- Tổ chức tọa đàm, trao đổi học thuật, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học;

- Giao nhiệm vụ có phân công giúp đỡ, kiểm tra, giám sát: Các bài tập lớn trong khi học chuyên ngành; tham gia làm đề tài trong nhóm sinh viên (hoặc cùng các giảng viên);

- Khuyến khích sinh viên tham gia viết bài cho Kỷ yếu Hội thảo, Tạp chí khoa học; tham gia Hội thảo, Hội nghị nghiên cứu khoa học (trình bày báo cáo); nhận xét, đánh giá kết quả nghiên cứu trong nhóm nghiên cứu.

Bốn là, tổ chức đánh giá, tổng kết kinh nghiệm định kỳ, hằng năm.

2.3. Gắn chặt hoạt động nghiên cứu khoa học với hoạt động học tập, tự học, tự nghiên cứu học của sinh viên

Học tập và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ cơ bản của sinh viên trường đại học. Hai hoạt động này không thể tách rời với nhau. Còn học tập, còn phải nghiên cứu; học tập và nghiên cứu vừa là kết quả vừa là điều kiện để giúp nhau cùng phát triển. Theo tác giả Bùi Ngọc Hoàng, trong quá trình đào tạo nếu đưa yếu tố học tập của sinh viên thâm nhập sâu vào hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên sẽ trực tiếp góp phần làm cho tư duy lý luận và năng lực nghiên cứu khoa học của họ phát triển, đáp ứng được yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường. [2, 116]

Bên cạnh đó, để hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học có hiệu quả sinh viên phải phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu nhằm mở mang kiến thức, cập nhật thông tin, khai thác thông tin, hình thành ý tưởng mới.

Muốn vậy, cần hướng dẫn sinh viên xây dựng kế hoạch tự học, đồng thời phải tăng cường kiểm tra quá trình tự học và kết quả tự học của sinh viên. Để tiến hành nghiên cứu khoa học, sinh viên cũng cần phải được rèn luyện để hình thành những phẩm chất của người làm công tác nghiên cứu, như sự kiên trì, bền bỉ, chịu khó vượt qua những thử thách trên con đường khám phá tri thức.

2.4. Tạo môi trường thuận lợi và động lực cho sinh viên nghiên cứu khoa học

- Tăng cường đầu tư thư viện hiện đại, với tài liệu học tập phong phú và không gian thuận lợi để sinh viên tự học tự nghiên cứu.

- Tạo được phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học, với nhiều hình thức tổ chức để thu hút sinh viên vào hoạt động này: thành lập các câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học, tổ chức các xêmina khoa học, báo cáo chuyên đề khoa học; tổ chức các nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học theo chuyên ngành, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia đề tài cùng các giảng viên, các nhà khoa học… để họ có cơ hội làm quen, tập dượt và trải nghiệm.

- Bên cạnh đó, cần có những chính sách riêng về thi đua khen thưởng để khuyến khích động viên sinh viên nghiên cứu khoa học.

- Yếu tố có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên đó là phát huy tốt vai trò của giảng viên trong việc định hướng, tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra, đánh giá, ghi nhận sự tiến bộ của sinh viên.

 

Tài liệu tham khảo

 

[1]. Vũ Cao Đàm (1995), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Viện nghiên cứu phát triển giáo dục. HN. 1995.

[2]. Bùi Ngọc Hoàng, Biện pháp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn ở sinh viên các trường đại học hiện nay. Tạp chí Thiết bị giáo dục, số Đặc biệt, tháng 11/2015, tr. 115-116.

[3]. Trần Nguyên Hào (2016), Thách thức về việc làm đối với nguồn nhân lực Việt Nam có trình độ đại học, cao đẳng trong môi trường AEC và giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm trong thời kỳ hội nhập. Kỷ yêu Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực Hà Tĩnh trong thời kỳ hội nhập. UBND Tỉnh Hà Tĩnh. 2016

[4]. Nghiên cứu khoa học trong sinh viên: Cách tiếp cận mới. http://uhd.edu.vn/ao-to-quc-t/110-nghien-cu-khoa-hc-trong-sinh-vien-cn-cach-tip-cn-mi

[5]. Vai trò của nghiên cứu khoa học đối với việc nâng cao trình độ học tập của sinh viên. http://ulsasontay.edu.vn/news/news_id/135/vai-tro-cua-nghien-cuu-khoa-hoc-doi-voi-viec-nang-cao-trinh-do-hoc-tap-cua-sinh-vien#.V05Gt7iLTIU