Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Một số yêu cầu cơ bản của nguyên tắc tính khoa học trong dạy học môn Giáo dục công dân

Tác giả: ThS. Đào Thị Thúy - Đăng ngày: .

 

Môn Giáo dục công dân (GDCD) ở trường Trung học phổ thông (THPT) là một bộ môn khoa học xét về cả nội dung lẫn hình thức, cả về đối tượng và chức năng môn học. Các tri thức trong môn GDCD liên quan đến nhiều lĩnh vực như Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Đạo đức, Pháp luật, đường lối, quan điểm của Đảng, một số chính sách quan trọng của Nhà nước Việt Nam. Việc đảm bảo tính khoa học trong dạy học GDCD là điều kiện cần thiết để biến tri thức người học tiếp thu được thành niềm tin của họ, thôi thúc họ hành động theo lẽ phải, theo chân lí.


Tri thức GDCD còn là cơ sở của việc rèn luyện kỹ năng, kỷ xảo, là tiền đề xây dựng phương pháp tư duy khoa học, phát triển trí tuệ, phẩm chất đạo đức, hình thành và cung cấp thói quen tốt, định hướng tốt cho người học trong cuộc sống. Vì vậy, việc giảng dạy GDCD ở trường THPT cần đảm bảo nguyên tắc tính khoa học trên một số yêu cầu cơ bản sau:

1. Phải truyền thụ đầy đủ, chính xác nội dung bài học

 

Hệ thống tri thức khoa học môn GDCD được cấu trúc theo từng bài học, cụ thể hoá thành từng đơn vị kiến thức trên cơ sở bám sát mục tiêu cụ thể của từng bài, từng đơn vị kiến thức và trình độ nhận thức của học sinh.

 

Truyền thụ đầy đủ, chính xác về nội dung tức là giúp học sinh (HS) hiểu một cách đầy đủ và chính xác nội dung của bài học. Do vậy người giáo viên (GV) GDCD phải nắm vững bản chất nội dung của từng bài học, từng khái niệm, phạm trù, nguyên lí, quy luật, luận điểm khoa học, nắm được vị trí, mục tiêu đặc điểm và yêu cầu của từng đơn vị kiến thức trong sách giáo khoa (SGK), đồng thời phải biết lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp mang lại hiệu quả tốt nhất cho người học.

2.Cung cấp thông tin, sự kiện phải chính xác

 

Khi cung cấp thông tin GV phải kiểm tra tính xác thực, đúng đắn của những thông tin, sự kiện và sàng lọc trước khi lựa chọn để đưa vào bài dạy của mình. Độ chính xác của thông tin, sự kiện do GV cung cấp sẽ góp phần làm cho bài học chính xác và khoa học hơn. Khai thác thông tin GV phải tham khảo nguồn tài liệu chính thống, có nguồn gốc, trích dẫn rõ ràng.

3. Xử lí thông tin phải khách quan khoa học

 

Giáo viên luôn phải cập nhật, xử lí thông tin liên quan nội dung của từng tiết dạy một cách khách quan khoa học. Giáo viên xử lí thông tin phải diễn ra trước sự chứng kiến của học sinh, điều đó thể hiện thái độ nghiêm túc, cách làm việc khoa học, trình độ lương tâm và trách nhiệm của GV trước HS và môn học.

4. Cập nhật, bổ sung vào nội dung bài học những thành tựu khoa học mới nhất

 

Trong quá trình dạy học GDCD, GV luôn phải khai thác, sử dụng thêm những phương tiện, thông tin khác nhau để làm cho những nội dung khái quát, trừu tượng trong SGK trở nên phong phú sinh động, gắn liền với những thay đổi của cuộc sống.

 

Thế giới đang thay đổi từng ngày, việc cập nhật, bổ sung các thông tin khoa học  mới ngoài SGK sẽ giúp cho môn học bắt kịp với cuộc sống hiện đại và thiết thực.

 

5. Liên hệ với tri thức của các lĩnh vực, các môn khoa học khác

 

Môn GDCD mang tính đa dạng và tổng hợp bao trùm và liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều bộ môn khoa học khác nhau, do vậy trong quá trình dạy học đòi hỏi GV phải liên hệ, vận dụng tri thức của các lĩnh vực, các môn học khác nhau vào giảng dạy môn học.

 

Việc sử dụng kiến thức liên môn sẽ giúp HS hiểu bài nhanh hơn, làm cho tri thức môn học trở nên thuyết phục và khoa học hơn, qua đó làm cho HS thay đổi cách nhìn về môn GDCD.

 

6. Đảm bảo tính lôgic hệ thống của bài học

 

Giáo viên cần căn cứ vào mục tiêu, kiến thức cơ bản trọng tâm của từng bài, căn cứ vào đối tượng để thiết kế, lựa chọn ý tưởng sư phạm trong dạy học.

 

Tóm lại: Mục đích yêu cầu của môn GDCD không chỉ đơn thuần là việc truyền thụ và tiếp nhận tri thức lý luận của môn học mà điều cần thiết là phải đánh giá ở chính học sinh mức độ tư tưởng, hành vi và thói quen của họ thể hiện trong cuộc sống hằng ngày. Điều này cũng chỉ có được khi thực hiện tốt các yêu cầu của nguyên tắc tính khoa học trong dạy học bộ môn GDCD./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Vũ Đình Bảy, Đặng Xuân Điều, Nguyễn Thành Minh, Phương pháp dạy học môn GDCD ở trường trung học phổ thông, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010.

 [2]. Vương Tất Đạt, Phùng Văn Bộ, Nguyễn Thị Kim Thu..., Phương pháp giảng dạy GDCD, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, 1994.

 [3]. Đinh Văn Đức, Dương Thúy Nga, Phương pháp dạy học môn GDCD ở trường THPT, Nxb Đại học sư phạm, 2009.

[4]. Lê Đức Quảng, Phương pháp và tư liệu giảng dạy môn GDCD, Nxb giáo dục, 1998.