Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Một vài trao đổi về vai trò của người  giáo viên trong thiết kế phương pháp tình huống kết hợp với phương pháp đóng vai trong dạy học môn Giáo dục công dân  lớp 12 ở Thành phố Hà Tĩnh

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hà - Đăng ngày: .

Phương pháp tình huống và phương pháp đóng vai là hai phương pháp dạy học tích cực, luôn được các nhà giáo dục quan tâm nghiên cứu. Việc nghiên cứu sử dụng kết hợp hai phương pháp này trong dạy học môn Giáo dục công dân không những có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa sâu sắc trong thực tiễn, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu môn học, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học hiện nay trong dạy học bộ môn. Để sử dụng kết hợp hai  phương pháp này một cách có hiệu quả đòi hỏi cần đáp ứng một một số điều kiện nhất định, trong đó giáo viên là người đóng vai trò quyết định trong việc đạt đích cuối cùng là làm cho học sinh lĩnh hội kiến thức  một cách vững vàng, với thái độ tích cực, say mê.


Phương pháp đóng vai và phương pháp tình huống trong dạy học môn Giáo dục công dân (GDCD) ở một số trường phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh

 

  Hiểu theo một cách đơn giản nhất phương pháp đóng vai là cách thức tổ chức cho học sinh thực hành, “làm thử” một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định, hoặc một tình huống của thực tế cuộc sống bằng cách diễn xuất một cách ngẫu hứng trên cơ sở óc tưởng tượng và ý nghĩ sáng tạo của các em; còn phương pháp tình huống là phương pháp dạy học trong đó học sinh tự nghiên cứu một tình huống thực tiễn và giải quyết các vấn đề của tình huống đặt ra. Có thể nói rằng, phương pháp đóng vai và phương pháp tình huống có mối quan hệ ràng buộc với nhau. Tình huống là một hoàn cảnh thực tế, gắn với câu chuyện có cốt chuyện, nhân vật, trong đó chứa đựng những mâu thuẫn, xung đột đòi hỏi phải đưa ra quyết định trên cơ sở cân nhắc các phương án khác nhau để minh chứng một vấn đề hay một số vấn đề của thực tế. Tình huống trong dạy học là những tình huống thực hoặc mô phỏng theo tình huống thực, được cấu trúc hoá nhằm mục đích dạy học. Đóng vai là thể hiện lại, diễn giải nội dung tình huống đặt ra theo cách nhìn của người học và mở ra nhiều hướng giải quyết khác nhau. vì vậy, ngay khi sử dụng phương pháp đóng vai vào dạy học là đồng thời đã phải sử dụng phương pháp tình huống.

 

Trong thực tế dạy học bộ môn GDCD lớp 12, do nhiều nguyên nhân khác nhau như đặc thù riêng riêng của kiến thức (cơ bản về pháp luật, - kiến thức khá trừu tượng, khô khan, nặng về lý thuyết), vị trí của môn học trong kiểm tra đánh giá khiến cho mức độ quan tâm của học sinh đối với môn học rất thấp, qua khảo sát đa phần các em có tâm lý học để hoàn thành môn học nên tạo sức ỳ khá lớn của học sinh, giáo viên chưa nắm vững quy trình thực hiện (qua phỏng vấn 10 giáo viên bộ môn trên địa bàn có đến 60% giáo viên chưa nắm vững các bước trong các giai đoạn thực hiện), giáo viên còn lúng túng trong việc triển khai như kiểm soát về mặt thời gian, gặp khó khan trong quan sát các tình tiết trong tình huống thể hiện qua vai diễn... nên việc sử dụng hai phương pháp này trong dạy học chưa được quan tâm đúng mức (khảo sát về mức độ sử dùng thường xuyên chỉ chiếm 10%), nên chưa thật sự khơi gợi được hứng thú và chưa phát huy một cách cao nhất hiệu quả trong dạy học bộ môn.

 

Một vài trao đổi về vai trò của người giáo viên  khi thiết phương pháp tình huống kết hợp với phương pháp đóng vai trong dạy học môn Giáo dục công dân  lớp 12 qua khảo sát trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh

 

 Mỗi phương pháp sẽ có những quy trình thực hiện cụ thể, các quy trình thực hiện các nhiệm vụ khác nhau nhưng chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và nằm trong một chỉnh thể đảm bảo cho quá trình dạy học được thực hiện một cách thống nhất, khoa học và hiệu quả. Người giáo viên không chỉ là người thiết kế, mà còn là người tổ chức các hoạt động trên lớp hướng tới mục tiêu của bài học. Vì vậy, khi vận dụng kết hợp hai phương pháp này trong tổ chức dạy học đòi hỏi người giáo viên không những phải hiểu rõ quy trình thực hiện của từng phương pháp, qua đó xây dựng và triển khai thành thục quy trình chung bao gồm trật tự các bước, các giai đoạn, các thao tác dạy và học mà còn cần nắm vững các bước tiến hành từ khi bắt đầu cho tới khi kết thúc.

 

Sử dụng phương pháp tình huống kết hợp với phương pháp đóng vai trong dạy học phần Công dân với pháp luật (GDCD lớp 12) là một phương pháp dạy học tích cực, phát huy được tính độc lập, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập. Tuy nhiên, để sử dụng các phương pháp này một cách tích cực, có hiệu quả đòi hỏi cần đáp ứng một một số điều kiện nhất định trong đó giáo viên là người đóng vai trò quyết định. Theo chúng tôi, để sử dụng phương pháp tình huống kết hợp với phương pháp đóng vai trong dạy học phần Công dân với pháp luật đạt hiệu quả cao, đội ngũ giáo viên cần phải đảm bảo các điều kiện cơ bản sau:

 

Thứ nhất, yêu cầu cơ bản và tối thiểu nhất là giáo viên dạy học môn GDCD phải đạt trình độ chuẩn theo qui định, phải được đào tạo đúng chuyên môn. Đây là yêu cầu đảm bảo  chuẩn về kiến thức trong dạy học (trình độ chuyên môn), có trình độ sư phạm và phải thực sự yêu nghề, yêu thích dạy học bộ môn.

 

Thứ hai, giáo viên dạy học môn GDCD phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, bổ sung các kiến thức mới cũng như kinh nghiệm dạy học. Phải thường xuyên nắm bắt, cập nhật các thông tin của đời sống xã hội, các vấn đề lý luận và thực tiễn của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, đặc biệt là kiến thức thực tiễn của đời sống và pháp luật.

 

Thứ ba, điều kiện quyết định cho thành công của việc sử dụng phương pháp tình huống kết hợp với phương pháp đóng vai trong dạy học GDCD lớp 12 đòi hỏi giáo viên không những  phải có những năng lực sư phạm nhất định mà còn phải “lành nghề” mới có thể tổ chức, hướng dẫn các hoạt động học tập của học sinh mà nhiều khi diễn biến ngoài dự kiến của giáo viên.

 

Phương pháp tình huống kết hợp với phương pháp đóng vai vừa là kỹ thuật, đồng thời vừa là một nghệ thuật. Giáo viên vừa là người thiết kế, vừa là người hướng dẫn, tổ chức các hoạt động trên lớp hướng tới mục tiêu của bài học. vì vậy, họ không chỉ phải nắm vững lý luận dạy học, ưu, nhược điểm của phương pháp tình huống và phương pháp đóng vai để sử dụng một cách sáng tạo, linh hoạt phù hợp với từng bài, từng nội dung cụ thể, từng đối tượng học sinh và phải luôn luôn đặt nó trong mối quan hệ chặt chẽ với các phương pháp dạy học khác mà còn phải chuẩn bị chu đáo kế hoạch, nội dung và các phương tiện phục vụ dạy học, dự kiến các bước tiến hành, trang phục, đạo cụ đơn giản, chuẩn bị các tình huống, hệ thống câu hỏi hợp lý định hướng cách giải quyết các tình huống đó.

 

Giáo viên phải dự kiến phân bố thời gian hợp lý cho từng hoạt động nghiên cứu tình huống kết hợp với đóng vai thể hiện tình huống. Điều này rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến tiến trình lên lớp. Nếu kéo dài thời gian đóng vai, giờ học sẽ trở thành “diễn kịch” và nội dung của tình huống cần giải quyết có thể bị lan man, giờ dạy học sẽ kém hiệu quả. Cần lưu ý rằng phần đóng vai không phải là nội dung chính của bài học mà giáo viên phải phân bố hợp lý để có sự xâu chuỗi, từ tìm hiểu tình huống, thể hiện qua đóng vai, thông qua hệ thống câu hỏi để rút ra nội dung cơ bản của bài học. Vì vậy, giáo viên phải luôn chủ động về mặt thời gian, đảm bảo đúng yêu cầu về lý luận dạy học, tuân thủ lô gic của quá trình dạy học.

 

Thứ tư,  để đạt hiệu quả cao nhất phương pháp tình huống với phương pháp đóng vai  trong dạy học bộ môn đòi hỏi giáo viên cần thực hiện tốt hướng dẫn tự học cho học sinh.

 

Tự học là hoạt động nhận thức của cá nhân nhằm nắm vững tri thức, kỹ năng... do chính bản thân người học tự tiến hành theo hoặc không theo chương trình và sách giáo khoa ấn định sẵn tùy theo trình độ nhận thức, hứng thú, đặc điểm thói quen làm việc, sinh hoạt của từng người. Khâu đầu tiên của quá trình tự học chính là việc chuẩn bị bài giảng, việc chuẩn bị bài giảng liên quan mật thiết, gắn bó chặt chẽ tới hình thức tổ chức dạy học. Khâu thứ hai của hoạt động tự học là hướng dẫn học sinh sử dụng có hiệu quả các học liệu từ nhiều nguồn, kênh thông tin khác nhau, tạo điều kiện để người học có hiểu biết rộng để từ đó tự lựa chọn những gì tốt nhất.  

 

Thứ năm, trong quá trình học sinh nghiên cứu tình huống để xây dựng, tổ chức thực hiện đóng vai, giáo viên phải thường xuyên theo dõi, quan sát, giúp đỡ học sinh. Nếu học sinh chưa hiểu được nội dung tình huống, chưa chuẩn bị được lời thoại theo đúng yêu cầu của tình huống nêu ra để hướng dẫn các em hiểu đúng và có sự chuẩn bị chu đáo. Trong thể hiện tình huống, chú ý hướng dẫn học sinh của mình sử dụng lời thoại giản dị, gần gũi nhưng lại văn minh, lịch sự, trang phục của học sinh thể hiện đóng vai không quá cầu kỳ, làm mất thời gian, ảnh hưởng đến hiệu quả giờ dạy. Cách thể hiện vai diễn nhẹ nhàng, tự nhiên, gần gũi, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh. Giáo viên phải tạo ra không khí vui vẻ, thoải mái, nhẹ nhàng trong giờ học, học sinh cảm thấy tự tin, tạo đà cho các bước hoạt động tiếp theo.

 

Thứ sáu, trong hoạt động đóng vai, giáo viên cũng cần chú ý đến việc phân công nhóm học sinh thể hiện đóng vai phù hợp, đạt hiệu quả. Việc cử nhóm lên thể hiện đóng vai không quá đông, chỉ nên từ 2 đến 4 em học sinh tham gia. Tuy nhiên, giáo viên phải dựa trên tình huống đưa ra để hướng dẫn các em lựa chọn số lượng tham gia phù hợp, sao cho các em đảm nhiệm được tất cả các vai trong tình huống, tránh tình trạng làm phát sinh các vấn đề nhạy cảm (về giới tính, khiếm khuyết hình thể, ...). Giáo viên cũng cần phải lưu ý đến những em có cá tính mạnh mẽ hay nhút nhát để phân công nhóm hợp lý, tạo cơ hội tốt nhất để các em tham gia đóng vai một cách tự tin, đạt hiệu quả cao nhất trong giờ học.

 

Tóm lại, giáo viên là người đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Để sử dụng các phương pháp này một cách tích cực, có hiệu quả đòi hỏi người giáo viên cần đáp ứng một một số điều kiện nhất định nói trên. Việc vận dụng một cách phù hợp, linh hoạt phương pháp tình huống kết hợp với phương pháp đóng vai trong dạy học môn GDCD lớp 12 sẽ phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HS, tạo niềm vui và sự hứng thú trong học tập, góp phần thực hiện mục tiêu môn học, nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học hiện nay trong dạy học bộ môn.

Tài liệu tham khảo

  1. ALLAN C.ORNSTEIN (Loyola University of Chicago St. John’ s University. THOMAS J. LASLEY, II University of Dayton (1997), Các chiến lược để dạy học có hiệu quả, Tài liệu tham khảo nội bộ.
  2. Nguyễn Đăng Bằng (Chủ biên) (2001), Góp phần dạy tốt, học tốt môn GDCD ở trường THPT, Nxb Giáo dục.
  3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008), Sách giáo khoa GDCD 12, Nxb Giáo dục.
  4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008), Sách giáo viên GDCD 12, Nxb Giáo dục.
  5. Giáo dục học Đại cương (2003), Tài liệu bồi dưỡng dùng cho các lớp giáo dục học Đại học và nghiệp vụ sư phạm Đại học, Hà Nội.
  6. Đặng Vũ Hoạt (2002), Giáo trình xêmina về Lý luận dạy học, Trường Đại học Sư phạm Hà nội (Lưu hành nội bộ).
  7. Trần Bá Hoành (2007), Đổi mới phương pháp dạy học, chương trình và sách giáo khoa, Nxb Đại học Sư phạm.
  8. Nguyễn Kỳ (1996), Biến quá trình dạy học thành quá trình tự học, Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục số 3.