Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Một số yêu cầu cơ bản khi sử dụng phương pháp thuyết trình trong dạy học môn Giáo dục công dân

Tác giả: ThS. Trần Thị Mai Hương - Đăng ngày: .

Phương pháp thuyết trình là phương pháp dạy học truyền thống được sử dụng trong giảng dạy hầu như tất cả các môn học ở trường Trung học phổ thông, đặc biệt là các môn khoa học xã hội. Mặc dù hiện nay, các trường đang tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo tinh thần nghị quyết số 29 của Bộ Giáo dục – Đào tạo nhưng điều đó không có nghĩa là phủ nhận hay xóa bỏ sạch trơn những ưu diểm của phương pháp dạy học này.


Đối với môn Giáo dục công dân, do đặc điểm tri thức của môn học bao gồm các kiến thức về triết học, đạo đức, các vấn đề kinh tế - xã hội, chính sách và pháp luật thì việc sử dụng phương pháp thuyết trình trong dạy học luôn luôn là cần thiết. Tuy nhiên để việc sử dụng phương pháp này hiệu quả theo hướng tích cực không gây nhàm chán, đơn điệu mà vẫn tạo hứng thú học tập, phát triển tư suy sáng tạo của người học, thì cần phải đảm bảo một số yêu cầu sau:

 

1. Lời giảng của giáo viên

 

Phương pháp thuyết trình bao gồm các hình thức kể chuyện, giảng giải và diễn giảng – là phương pháp dạy học mà phương tiện cơ bản dùng để thực hiện là lời nói của giáo viên, tức là giáo viên dùng lòi nói sinh động, gợi cảm, thuyết phục để truyền thụ hệ thống tri thức môn học cho học sinh, nhờ đó học sinh tiếp thu bài giảng một cách có ý thức. Hay nói cách khác, người giáo viên trong giảng dạy phải có nghệ thuật dùng lời nói.

 

Chúng ta biết rằng, trong tiết học lượng thông tin đầu tiên và cuối cùng về tri thức khoa học và tư tưởng do giáo viên cung cấp trực tiếp cho người học đều thông qua lời giảng. Vì vậy, trong giảng dạy môn Giáo dục công dân lời giảng của giáo viên trước hết phải đảm bảo tính chính xác, được chọn lọc, thể hiện ở việc việc sử dụng từ ngữ chính xác, phát âm chuẩn mực, câu nói đúng ngữ pháp, tránh dùng những từ ngữ mập mờ, không rõ nghĩa hoặc không hiểu nghĩa. Mặt khác,trong thuyết trình giáo viên cần phát âm rõ ràng, tránh nói lắp, nói ngọng, ngôn từ trong sáng, dể hiểu, ngắn gọn, súc tích đảm bảo đủ lượng thông tin cần truyền tải cho người học.

 

Để phát huy hiệu quả phương pháp thuyết trình trong giảng dạy môn Giáo dục công dân mà lâu nay các em vẫn cho là “ vừa khô, vừa khó” thì lời giảng của giáo viên còn phải đảm bảo tính gợi cảm và khi trình bày phải thể hiện tình cảm qua nét mặt và điệu bộ. Tính gợi cảm của lời giảng có tác dụng mạnh mẽ đến tình cảm, tâm lý, ý chí của người học. Điều này thể hiện ở việc giảng dạy các kiến thức của môn học, giáo viên có thể sử dụng các hình ảnh sinh động, các ngôn ngữ liên môn như ngôn ngữ văn học, ca dao, tục ngữ… làm cho bài giảng trở nên nhẹ nhàng, dể hiểu.

 

Tốc độ và cường độ của lời giảng đảm bảo đủ để người nghe tiếp nhận cũng là yêu cầu cần thiết trong giảng dạy môn Giáo dục công dân. Tùy theo nội dung tri thức cần truyền thụ và lĩnh hội, giáo viên có thể thay đổi tốc độ và cường độ lời giảng để học sinh thu nhận được thông tin rõ ràng, đầy đủ, chính xác.

2. Xác định kiến thức cơ bản, trọng tâm của bài học

 

Kiến thức bài giảng luôn phong phú và đa dạng, tuy nhiên trong mỗi bài học bao giờ cũng có kiến thức trọng tâm, trọng điểm. Đó là những kiến thức cơ bản và thiết thực “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt bài học mà người dạy cần truyền thụ đến học sinh.

 

Để lựa chọn chính xác kiến thức cơ bản và thiết thực của mỗi bài học, đòi hỏi giáo viên phải nắm vững chương trình môn học, hệ thống kiến thức cơ bản của từng chương, từng bài … cũng như mối liên hệ giữa chúng, đồng thời phải có sự đầu tư thích đáng, sâu sắc. Xác định kiến thức trọng tâm của bài học được thể hiện rõ trong khi giáo viên soạn giáo án lên lớp của mỗi bài. Đây là cơ sở để khi giảng dạy thuyết trình giáo viên luôn phải bám sát kiến thức cơ bản, trọng tâm, trọng điểm, tránh lan man, không có điểm nhấn của bài học. Đối với người học, việc hiểu và nắm chắc kiến thức cơ bản, thiết thực sẽ giúp các em biết vận dụng chúng vào việc nhìn nhận và giải quyết vấn đề trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn.

 

3. Kỹ năng sử dụng các phương pháp tư duy khoa học trong thuyết trình

 

Các phương pháp tư duy khoa học trong thuyết trình được sử dụng khi giảng dạy môn Giáo dục công dân là rất quan trọng và cần thiết, bao gồm: phân tích – tổng hợp, quy nạp – diễn dịch, logic – lịch sử, trừu tượng – cụ thể. Mục đích của việc sử dụng các phương pháp này truyền thụ đầy đủ, sâu sắc, toàn diện nội dung kiến thức của chương trình và phát triển tư duy người học. Để thực hiện được mục đích đó, đòi hỏi người giáo viên trong giảng dạy phải biết khéo léo vận dụng kết hợp các phương pháp tư duy khoa học này.

Để sử dụng hiệu quả phương pháp thuyết trình trong dạy học môn Giáo dục công dân theo hướng tích cực, người dạy cần phải đảm bảo các yêu cầu nói trên. Mặt khác, do đặc thù của môn học thì tư cách mẫu mực của giáo viên bộ môn cũng có tác dụng to lớn tác động đến tâm tư, tình cảm, suy nghĩ và hành động của học sinh. Vì vậy, bản thân người dạy phải không ngững tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống để góp phần vào thành công của môn học.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Vương Tất Đạt, Phương pháp giảng dạy Giáo dục công dân (Dùng cho THPT), Trường Đại học sư phạm Hà Nội 1, Hà Nội 1994.
  2. Sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 10, 11, 12, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2018.
  3. Nguyễn Hữu Khải (Chủ biên), Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Giáo dục công dân THPT, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2009.