Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

THẮNG LỢI CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM DƯỚI ÁNH SÁNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC

Tác giả: ThS. Trần Nguyên Hào - Đăng ngày: .

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 - một trong những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX - là tổng hợp của nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Những nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã trở thành những bài học quý báu cho chúng ta: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn kết toàn dân tộc thành một khối nhất trí, vững mạnh là sức mạnh vô địch... Những bài học đó thấm đẫm tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc đã tỏa sáng rực rỡ trong tiến trình của Cách mạng tháng Tám và tiếp tục soi sáng cho con đường cách mạng Việt Nam ngày nay.

          Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã nhận thức được một trong những nguyên nhân thất bại của các phong trào yêu nước, đấu tranh chống thực dân Pháp, giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là chưa tập hợp, lôi cuốn được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Mặt khác, Người nhận thức sâu sắc được sức mạnh của tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong lịch sử - một sức mạnh đã góp phần to lớn giúp dân tộc ta đánh thắng các thế lực xâm lược hung bạo và lớn mạnh, giữ vững nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia suốt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Chủ nghĩa yêu nước gắn với truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc là tiền đề xuất phát được Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển lên một tầm cao mới để hình thành nên tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, đồng thời nó đã trở thành hành trang giúp Hồ Chí Minh tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sâu sắc, toàn diện. Cơ sở lý luận quan trọng nhất đối với quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử; giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng phải đại diện cho lợi ích của dân tộc và phải nắm lấy ngọn cờ dân tộc; liên minh công nông là cơ sở để xây dựng lực lượng to lớn của cách mạng; đoàn kết dân tộc phải gắn với đoàn kết quốc tế. Từ đó, Người đã  vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với thực tiễn Việt Nam cũng như các nước phương Đông.

          Ngay từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: Đối với các nước thuộc địa ở phương Đông, “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước” [1]. Chủ nghĩa dân tộc bản xứ mà Nguyễn Ái Quốc nói ở đây chính là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước phương Đông được hun dúc qua hàng ngàn năm lịch sử, nó khác về bản chất so với chủ nghĩa sô-vanh, vị kỉ của giai cấp tư sản đã bị lịch sử lên án. Như vậy, theo Nguyễn Ái Quốc, chủ nghĩa dân tộc chân chính mà nổi bật là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc được gắn kết chặt chẽ với nhau bởi truyền thống đoàn kết sẽ là một động lực lớn của cách mạng Việt Nam mà những người cộng sản phải nắm lấy và phát huy, không để ngọn cờ dân tộc rơi vào tay giai cấp nào khác. Có được nhận định đúng đắn đó là nhờ Nguyễn Ái Quốc đã phân tích một cách sâu sắc thực tiễn Việt Nam cũng như thực tiễn các dân tộc thuộc địa phương Đông lúc bấy giờ và nhận thấy được các đặc thù so với thực tiễn các nước phương Tây. Đó là: “đấu tranh giai cấp không giống như ở phương Tây” [2]..., “những đại địa chủ thì chỉ là những tay lùn tịt bên cạnh những người trùng tên với họ ở châu Âu và châu Mỹ... Nếu nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng chẳng có vốn liếng gì lớn..., nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc... Sự xung đột về quyền lợi của học được giảm thiểu [3]. Trái lại, giữa họ vẫn có sự tương đồng lớn: dù là địa chủ hay nông dân, họ đều là người nô lệ mất nước. Ngay từ đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã đề cập khả năng một cuộc khởi nghĩa vũ trang sẽ xảy ra ở Đông Dương.

          Với sự phân tích thực tiễn Việt Nam một cách đầy đủ và chính xác như trên, Hồ Chí Minh đã không rơi vào rập khuôn giáo điều và khuynh hướng “:tả”, quá nhận mạnh đến vấn đề giai cấp, mà Quốc tế Cộng sản và một số Đảng Cộng sản mắc phải lúc bấy giờ. Ngược lại, Người đã thể hiện một tư duy độc lập tự chủ, sáng tạo nhưng không xa rời các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin khi xác định các vấn đề cơ bản cho con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Trong phạm vi cuộc cách mạng này, đối tượng cần đánh đổ trước hết là bọn đế quốc và chính quyền phong kiến tay sai cùng đại địa chủ phản động nhằm giành lại độc lập dân tộc và dân chủ. Nên Nguyễn Ái Quốc chủ trương cần vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam vào trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi để huy động sức mạnh của toàn dân tộc, đấu tranh giành độc lập, tự do. Người nhận thức sâu sắc rằng cách mạng “là việc chung của dân chúng” nhưng dân chúng phải được tổ chức lại thành một khối vững chắc, nhất trí, đồng tâm hiệp lực, có tổ chức, có sự lãnh đạo đúng đắn của một đảng cách mạng thì sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mới được phát huy triệt để, đem lại thắng lợi cho cách mạng. Vì vậy, để biến cuộc khởi nghĩa vũ trang từ khả năng trở thành hiện thực ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam để mở rộng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó Đảng là hạt nhân có vai trò lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo toàn dân tộc, mà trước hết là “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi” [4]. Đảng Cộng sản Việt Nam muốn thực hiện tốt được vai trò phải có chính sách, sách lược đoàn kết, tập hợp lực lượng đúng đắn. Điều này đã được Nguyễn Ái Quốc vạch ra trong Sách lược vắn tắt do Người khởi thảo được trình tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt... để kéo họ đi về phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đúng trung lập” [5]. Trong khi chủ trương đoàn két, tập hợp rộng rãi các lực lượng dân tộc chống đế quốc, giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc vẫn nhắc nhở phải quán triệt quan điểm giai cấp: “Công nông là gốc cách mệnh, còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư sản áp bức, song không cực khổ bằng công nông, ba hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi” [6]. Và “trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào thương lượng một chút lợi ích của công nông mà đi vào con đường thỏa hiệp” [7]. Những tư tưởng trên cho thấy trong tư duy chiến lược của Nguyễn Ái Quốc, đại đoàn kết phải rộng rãi, thêm bạn bớt thù, làm phân hóa, suy yếu lực lượng của kẻ thù nhưng vửa phải có nòng cốt, nền tảng, có định hướng đúng đắn theo lập trường của giai cấp tư sản; chiến lược đại đoàn kết dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thực hiện, vì thế vừa phải mềm dẻo, linh hoạt về sách lược, vửa phải chặt chẽ về nguyên tắc.

          Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc nói trên là hết sức đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Ở một nước thuộc địa, mọi người dân đều là những người mất nước, chịu thân phận nô lệ. Vì vậy, với niềm tin vững chắc vào nhân dân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Phải khơi đậy được lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và ý thức về chủ quyền quốc gia, về độc lập của Tổ quốc và tự do, ấm no, hạnh phúc trong mỗi người dân Việt Nam. Theo Người, trừ những “bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng... thì phải đánh đổ” [8], còn lại không phân biệt xuất thân từ giai cấp, tầng lớp nào, ai có tinh thần yêu nước, có tinh thần cách mạng thì Đảng phải thực hiện đoàn kết với họ, tập hợp họ đi theo mình tạo nên sức mạnh tổng hợp để tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc và giải phóng cho bản thân họ.

          Những tư tưởng sâu sắc mang tầm chiến lược của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc đã được Người triển khai trong thực tiễn chỉ đạo cách mạng và đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng vào chiến lược đại đoàn kết tập hợp lực lượng tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc. Các phong trào đấu tranh trước cách mạng tháng Tám đã thu hút đông đảo các giai cấp, tầng lớp tham gia với sự đoàn kết, nhất trí và có tổ chức là những cuộc tập duyệt, từng bước khảng định sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến cách mạng tháng Tám, 1945, tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh đã tỏa sáng rực rỡ với thắng lợi vĩ đại, kết tinh sức mạnh của muôn triệu người Việt Nam đã đồng sức, đồng lòng, đồng tâm nhất trí, đấu tranh kiên cường bất khuất, chấp nhận hy sinh, đứng lên giành chính quyền, giành độc lập, tự do, xây dựng nền Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thực sự của dân, do dân, vì dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc đã biến thành sức mạnh vật chất to lớn, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi mang tầm vóc thời đại này.

          Có thể nói, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là ánh sáng bừng lên tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc để rồi tư tưởng đó tiếp tục tỏa sáng rực rỡ và soi sáng cho những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam sau này. Bài học sâu sắc nhất mà chúng ta rút ra từ tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và từ những thành quả to lớn mà cách mạng Việt Nam đạt được từ Cách mạng tháng Tám đến nay chính là Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến điểm tương đồng, mẫu số chung của mối người dân Việt Nam, lấy đó làm cơ sở và nền tảng cho chiến lược đại đoàn kết. Điểm tương đồng, mẫu số chung đó chính là nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc, là cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc, dân chủ, yên bình của nhân dân cần phải xây dựng từ hôm nay cho đến mãi mãi về sau. Nó đáp ứng ước mơ, khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam; là lợi ích chân chính mỗi của người dân Việt Nam hiện nay và đang được khối đại đoàn kết toàn dân tộc từng bước hiện thực hóa trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế rộng rãi.

                                                                                                T.N.H

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t1, tr.466
  2. Sđd, t1, tr.464
  3. Sđd, t1.tr.464
  4. Sđd, t2, tr.267-268
  5. Sđd, t3, tr.3
  6. Sđd, t2, tr.266
  7. Sđd, t3, tr.3
  8. Sđd, t3, tr.3