Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Những đổi mới căn bản của luật doanh nghiệp 2014

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Đăng ngày: .

Kể từ khi ra đời, Luật Doanh nghiệp 2005 đã góp phần không nhỏ trong việc điều tiết các hoạt động kinh doanh, đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số quy định của văn bản này đã trở nên lạc hậu, gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật vào đời sống. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, Luật Doanh nghiệp đang ngày càng bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập, không phù hợp với tình hình thực tiễn của đời sống, đồng thời, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các chủ thể trong xã hội. Chính vì vậy, nhu cầu cấp thiết được đặt ra là phải sửa đổi  Luật doanh nghiệp sao cho phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh , thuận lợi cho các chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh.

Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 được thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015, với 10 Chương, 213 Điều, Luật Doanh nghiệp năm 2014 vừa tiếp tục kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Doanh nghiệp năm 2005 đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập đangtồn tại. Cụ thể:

  1. Về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 29 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) chỉ thể hiện 4 nội dung chính: tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; thông tin chi tiết nhân thân của cá nhân là người đại diện theo pháp luật, chủ DNTN, thành viên hợp danh, thành viên công ty và thông tin của thành viên tổ chức; vốn điều lệ của doanh nghiệp. Như vậy, theo quy định mới, GCNĐKDN sẽ không bao gồm thông tin về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp, mà chỉ bao gồm thông tin cơ bản về doanh nghiệp như mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính và thông tin về người đại diện theo pháp luật. Đây được đánh giá là một trong những quy định tiến bộ của Luật doanh nghiệp, tạo điều kiện cho thương nhân phát huy quyền tự do kinh doanh một cách có hiệu quả.

  1. Luật đã quy định phương thức quản lý nhà nước mới phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế

Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm giám sát doanh nghiệp để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhưng Nhà nước không phải là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm giám sát hoạt động doanh nghiệp mà bên cạnh đó, các bên có liên quan trong quan hệ kinh doanh, thương mại cùng có quyền  chủ động tham gia vào giám sát doanh nghiệp.

  1. Tách riêng thủ tục thành lập doanh nghiệp với thủ tục về đầu tư dự án

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam đều phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau đó sẽ thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Như vậy quy định này đã tách biệt thủ tục thành lập doanh nghiệp với thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư.

  1. Những quy định mới về Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, chỉ những doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn mới được coi là doanh nghiệp nhà nước. Trong trường hợp, Nhà nước sở hữu dưới 100% vốn, doanh nghiệp Nhà nước sẽ được tổ chức theo mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc Công ty cổ phần và chịu sự điều chỉnh như các doanh nghiệp cùng loại. Tuy nhiên, bên cạnh những quy chế pháp lý được áp dụng như một doanh nghiệp thông thường, Luật Doanh nghiệp mới cũng đề ra một số điều khoản áp dụng riêng biệt cho loại hình DNNN (Quy định cụ thể tại Điều 88 đến Điều 109)

  1. Về vấn đề người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014: Công ty TNHH và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Như vậy, so với Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định công ty có thể tự quyết định, chỉ định một người đại diện theo pháp luật hoặc trong trường hợp cần thiết thì có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tóa án.

  1. Về con dấu của doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của mình. Tuy nhiên, trước khi sử dụng con dấu, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với Cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trước đây việc cấp, sử dụng con dấu của doanh nghiệp do Bộ Công an quy định, tuy nhiên hiện nay, doanh nghiệp có quyền tự quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.Theo xu hướng phát triển của các giao dịch kinh doanh thương mại hiện nay mà đặc biệt là phương thức giao dịch điện tử, thì việc sử dụng con dấu sẽ hoàn toàn không còn giá trị nữa. Vì vậy, việc cải cách những quy định hiện hành của Luật doanh nghiệp về con dấu là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới.

  1. Về doanh nghiệp xã hội

Doanh nghiệp xã hội là khái niệm mới được pháp luật thừa nhận chính thức tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Doanh nghiệp xã hội được  tổ chức và hoạt động theo một trong các loại hình doanh nghiệp nhất định như: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.., được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp này là nhằm giải quyết các vấn đề  về xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.   

Trên đây là những điểm đổi mới rất căn bản và nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2014 tuy nhiên vẫn chưa phải là toàn bộ. Trong phạm vi bài viết, chỉ xin phân tích  những điểm thay đổi được đánh giá là nổi bật nhất của văn bản pháp luật này so với Luật Doanh nghiệp 2005. Qua đánh giá có thể thấy, những đổi mới của Luật Doanh nghiệp 2014 đã tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trở nên hiệu quả, an toàn đối với bản thân doanh nghiệp và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Luật Doanh nghiệp 2014 được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút được tất cả mọi nguồn lực kinh tế không chỉ ở trong nước mà còn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Danh mục tài liệu tham khảo

  1. Luật Doanh nghiệp 2005 (sửa đổi 2009)
  2. Luật Doanh nghiệp 2014
  3. Luật Đầu tư 2005
  4. Luật đầu tư 2014