Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Sự nghịch lý trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam

Tác giả: Admin ITC-HTU - Đăng ngày: .

Chỉ số thông minh (IQ) của người Việt Nam không kém so với nhiều nước trên thế giới, nhưng chỉ số năng suất sáng tạo (CPI) lại thua cả nước bạn Lào.

Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khái niệm kinh tế tri thức bắt đầu xuất hiện. Nhưng chỉ đến khi sự phát triển ‘siêu tốc’ của máy tính cá nhân và Internet thì khái niệm kinh tế tri thức mới được nghiên cứu toàn diện hơn.

Đến nay đã có rất nhiều nhà nghiên cứu và tổ chức đưa ra khái niệm về kinh tế tri thức, nhưng chung quy lại có thể hiểu “Kinh tế tri thức là một giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế sau kinh tế công nghiệp với vai trò của sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức trong tăng trưởng kinh tế ngày càng trở nên quan trọng. Tri thức đã trở thành nhân tố hàng đầu của sản xuất, vượt lên trên các nhân tố sản xuất cổ truyền vốn và lao động”.

Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh thêm rằng trong nền kinh tế tri thức sự sáng tạo và đổi mới thường xuyên là động lực chủ yếu nhất thúc đẩy sự phát triển. Còn công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực. Mạng thông tin trở thành  cơ sở hạ tầng quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế tri thức.

Nắm bắt xu thế phát triển khách quan của nền kinh tế tri thức, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm đối với nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ cùng đội ngũ trí thức. Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ khẳng định: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường”. Trong đó phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững.

Cụ thể hơn, tại Hội nghị triển khai  Nghị quyết Trung ương IV (Khóa XI), ngày 15/1/2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Chừng nào xã hội, doanh nghiệp và người dân còn chưa nhận thức được rằng ‘phi tin bất phú’, chừng ấy các mục tiêu về phát triển công nghệ thông tin với tư cách hạ tầng của mọi hạ tầng sẽ còn nằm ngoài tầm với”.

Trên tinh thần đó, trong những năm gần đây, nền kinh tế tri thức ở Việt Nam đã có những ‘bước nhảy’ nhất định, nhưng chủ yếu về lượng. Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Hữu Thiện, nước ta có đội ngũ trí thức đông vào bậc nhất (tính theo tỷ lệ dân số) so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, với gần 9.000 giáo sư, phó giáo sư, 24.000 tiến sĩ và hàng chục ngàn thạc sĩ. Thế nhưng, mỗi năm chỉ có khoảng 900 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế, còn số lượng bằng sáng chế cũng chẳng khá hơn.

Theo đó, từ năm 2000 - 2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng ký được 19 bằng sáng chế, còn riêng năm 2007 không có bằng sáng chế nào. Cũng thời gian này, Thái Lan đăng ký được 310 bằng sáng chế, Singapore 3.644, Indonesia có 85, Philippines 256, còn Malaysia có tới 901 bằng sáng chế.

Đến năm 2013, số lượng bằng sáng chế ở Việt Nam có tăng, nhưng ‘điểm sáng’ lại nằm ở các nhà sáng chế...nông dân chứ không phải các nhà khoa học thực thụ. Đơn cử như trường hợp của ông Trần Quang Thụ, năm nay 60 tuổi, chỉ học hết lớp 5 nhưng đã chế tạo ra máy xúc vượt trội máy Nhật cả về giá cả lẫn năng suất. Còn Bùi Khắc Tiến ở Thái Bình đã sáng chế ra chiếc lò đốt rác ở nhiệt độ cao, có khả năng phát điện, tạo được sự chú ý lớn đối với các doanh nghiệp đến từ châu Âu và Nhật Bản.

Thế nên, xét trên tổng thể, sức sáng tạo trong nền kinh tế tri thức ở Việt Nam đang ở mức rất thấp. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) về “Chỉ số Năng suất Sáng tạo” (CPI), Việt Nam đứng thứ 16 trên 24 nước. Tính riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6, sau Lào, Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Trong lĩnh vực sản xuất ôtô, yếu tố tri thức - sáng tạo, Việt Nam cũng đang thua xa Campuchia. Bởi đất nước này đã tự chế được ô tô điều khiển bằng điện thoại thông minh giá 100 triệu đồng. Trong khi Việt Nam, sau 20 năm hoạt động, số doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô không phát triển, tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt tới 5 - 10% và giới hạn vào các linh kiện kỹ thuật thô sơ như ắc quy, dây điện, các chi tiết nhựa đơn giản.

Chúng ta vẫn tự hào là một đất nước ‘rừng vàng, biển bạc’, còn trong các cuộc thi trí tuệ, các thí sinh của Việt Nam cũng chẳng thua bất cứ ai. Nhưng một chiếc ô tô ‘Made in Viet Nam’ vẫn là điều xa vời đối với người dân, nhất là khi một số doanh nghiệp nước ngoài tuyên bố đến nay doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực để sản xuất ra một con ốc vít để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đó là một thực tế đáng báo động đối với Việt Nam khi mà năm 2020 sắp tới gần, thời điểm chúng ta sẽ trở thành một đất nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Sáu năm còn lại là quãng thời gian không phải là ngắn, các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tri thức đã có. Cái cần của chúng ta là đội ngũ tri thức Việt phải ‘vật hóa’ được tri thức của sự sáng tạo vào sản phẩm để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp Việt Nam.

Để hiện thực hóa được điều này thì cần có sự đồng bộ của nhiều giải pháp. Nhưng quan trọng nhất trong phát triển kinh tế tri thức vẫn là vấn đề khoa học và nghệ thuật dùng người đúng chỗ. Trong đó, cần nhấn mạnh đến sự trân trọng cống hiến của trí thức, tạo môi trường dân chủ, tự do thật sự, tránh đố kỵ hẹp hòi, để họ sáng tạo chuyên môn.

Không nên và không để tiếp diễn những trường hợp như ông Bùi Khắc Kiên, người đã sáng chế ra chiếc lò đốt rác ở nhiệt độ cao, có khả năng phát điện, nhưng từ năm 2011 đến nay bị Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình cấm đoán không cho tiếp tục, nghiên cứu chế tạo. Dù sáng chế này rất được các doanh nghiệp đánh giá cao về hiệu quả thực tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Có thể bứt phá từ kinh tế tri thức? đăng trên website nhandan.com.vn

2. Suy ngẫm về nền kinh tế tri thức Việt Nam đăng trên website vusta.vn

3. Vũ Đình Cự: Khoa học và công nghệ: Lực lượng sản xuất hàng đầu, NXB CTQG -1996.

4. Lưu Ngọc Thịnh -  Bước chuyển sang nền tế tri thức ở một số nước trên thế giới hiện nay, Nxb Giáo dục - 2002.