Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Sự cần thiết phải điều chỉnh một số tiêu chí về xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay

Tác giả: ThS. Phạm huy Thông - Khoa Lý luận chính trị - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

SỰ CẦN THIẾT PHẢI ĐIỀU CHỈNH  MỘT SỐ TIÊU CHÍ VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở NƯỚC TA HIÊN NAY

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng được đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vì thế, ngày 30/12/2008, Ban bí thư đã ban hành quyết định số 205/QĐ/TW thành lập ban chỉ đạo thí điểm chương trình nông thôn mới, với mục tiêu xây dựng được mô hình thực tế nông thôn mới thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên cơ sở tổng kết chương trình để nhân rộng ra toàn quốc. Với mục tiêu này, Ban chỉ đạo đã chọn 11 xã đại diện cho các vùng kinh tế - văn hóa - xã hội trong các nước để làm thí điểm.

Đến ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 491/QĐ -TTg, ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới bao gồm 19 tiêu chí và được chia thành 5 nhóm cụ thể: Nhóm tiêu chí về quy hoạch, về hạ tầng kinh tế - xã hội, về kinh tế và tổ chức sản xuất, về văn hóa - xã hội - môi trường và về hệ thống chính trị.

Theo đó, Bộ tiêu chí đưa ra chỉ tiêu chung cả nước và các chỉ tiêu cụ thể theo từng vùng: Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của mỗi vùng.

19 tiêu chí để xây dựng mô hình nông thôn mới bao gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự xã hội.

Mỗi tiêu chí đều được quy định mức chỉ tiêu cụ thể đối với từng xã để được công nhận đạt xã nông thôn mới. Cụ thể, về tiêu chí giao thông, 1 xã thuộc ĐBSH và ĐNB phải đạt 100% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải, tiêu chí này đối với xã vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là 70% còn đối với xã vùng Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ là 50%.

Về hộ nghèo, xã vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ phải đạt tiêu chuẩn tỷ lệ hộ nghèo <3%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ <5%, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long <7% và Trung du miền núi phía Bắc <10%.

Bộ tiêu chí cũng quy định, tất cả các xã nông thôn mới đều phải có hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; có nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch; có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, có Internet đến thôn; có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả và không có nhà tạm, dột nát...

Để được công nhận là huyện nông thôn mới, phải có 75% số xã trong huyện đạt nông thôn mới. Nếu tỉnh có 80% số huyện nông thôn mới thì sẽ đạt tỉnh nông thôn mới.

Triển khai các Nghị quyết của Đảng và Quyết định của Chính phủ, đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới, kết quả đạt được ở mỗi xã khác nhau nhưng đã hình thành mô hình nông thôn mới với sức sản xuất phát triển, hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa, thu nhập của người dân các xã thí điểm tăng hơn 62%, cơ sở hạ tầng các xã được cải tạo, nâng cấp khá đồng bộ đã làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, tác động trực tiếp đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy hoạt động văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội từng bước được cải thiện; bản sắc văn hóa được gìn giữ, trình độ dân trí và chất lượng hệ thống cơ sở được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại một số hạn chế trong việc triển khai, đó là mô hình nông thôn mới tuy đã hình thành nhưng một số nội dung còn chưa hoàn chỉnh, chưa bền vững; một số nội dung trong chương trình triển khai còn chậm, việc phát huy dân chủ của nhân dân địa phương tham gia chưa cụ thể hóa; đặc biệt còn cứng nhắc, gặp khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện một số tiêu chí. Bởi đối với từng tiêu chí, mỗi địa phương cần có cách thực hiện phù hợp tùy theo điều kiện, khả năng của mình. Ví dụ như tiêu chí về chợ nông thôn, không nhất thiết mỗi xã cần phải có 1 chợ để phục vụ người dân. Bởi có nhiều xã, chợ khu vực đã phục vụ tốt nhu cầu của người dân, không cần thiết phải xây thêm chợ mới. Đối với tiêu chí về nhà ở dân cư theo quy định nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng hiện nay là nhà 4 cứng (tường cứng, cột cứng, nền cứng, mái cứng) chưa hẳn phù hợp với các vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên cơ sở nghiên cứu của các chuyên gia, báo cáo tình hình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của 11 xã thí điểm, các tiêu chí thực sự cần thiết phải sửa bao gồm tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí 12 về cơ cấu lao động, tiêu chí 7 về chợ nông thôn, tiêu chí 14 về giáo dục, tiêu chí 15 về y tế.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành việc xem xét, điều chỉnh lại Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có hai tiêu chí quan trọng là cơ cấu lao động và thu nhập.

Thực tế tại 11 xã điểm được Ban Bí thư chọn xây dựng nông thôn mới cũng cho thấy, sau 3 hơn năm thực hiện, nhiều xã đã đạt 18 tiêu chí nhưng riêng tiêu chí “Cơ cấu lao động” vẫn không đạt, vì mỗi năm chỉ giảm được bình quân 3 - 5% lao động từ nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp…Thậm chí ở nhiều nơi, khi đẩy mạnh phát triển sản xuất trên cơ sở phát huy lợi thế về nông nghiệp, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn tăng lên.

Mặc dù mục tiêu lâu dài là phải chuyển dịch cơ cấu lao động sang phi nông nghiệp, nhưng ở giai đoạn trước mắt, đối với đa số xã giải quyết việc làm vẫn là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, Bộ đã đề xuất thay thế tiêu chí “Cơ cấu lao động” bằng tiêu chí “Tỷ lệ người làm việc trên dân số trong độ tuổi lao động” với chỉ tiêu chung là 90%.

Về tiêu chí thu nhập, theo ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định 491/QĐ-TTg trước đây quy định chỉ tiêu chung để đạt được tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới là thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh là 1,4 lần. Thực tiễn cho thấy, tiêu chí này có nhiều điểm chưa phù hợp. Cụ thể, mục tiêu thu nhập 1,4 lần so với mức bình quân chung của tỉnh mang giá trị tương đối, thay đổi theo từng năm, dẫn tới các nhóm có mức thu nhập ban đầu thấp sẽ không có cơ hội vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới. Người dân và cán bộ cơ sở không hình dung ra mức cụ thể phải phấn đấu là bao nhiêu. Do đó khó cho họ trong việc bàn bạc, xây dựng kế hoạch phát triển.

Mặt khác, nếu tính chuẩn thu nhập theo phương pháp tương đối, cả nước sẽ có rất nhiều mốc đạt tiêu chí về thu nhập khác nhau, sẽ xảy ra tình trạng một số tỉnh cùng đạt nông thôn mới nhưng thu nhập có thể chênh lệch nhau tới 2 - 3 lần. Điều này cũng dẫn tới không xác định được mặt bằng chung để đánh giá thực chất kết quả xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước để có giải pháp chỉ đạo, điều chỉnh chính sách đầu tư hỗ trợ phù hợp.

Xây dựng nông thôn mới không phải là hình thức, lấy con số để báo cáo thành tích mà là mục tiêu lâu dài trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà cụ thể là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mỗi người nông dân. Do vậy, việc điều chỉnh một số tiêu chí cơ bản phù hợp với thực tiễn là hết sức cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 04 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ Về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

2. Xây dựng nông thôn mới: Cần “mềm hóa” chỉ tiêu (Vov online).

3. Sửa đổi tiêu chí thu nhập, cơ cấu lao động (chinhphu.vn)