Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Tìm hiểu một số lý thuyết hiện đại về tạo việc làm

Tác giả: TS. Trần Thị Ái Đức - Khoa Lý Luận Chính Trị - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

Cơ chế quản lý lao động, việc làm là một bộ phận cấu thành của cơ chế quản lý kinh tế, trong đó Nhà nước kết hợp với thị trường nhằm thiết lập quan hệ cung cầu về lao động, việc làm. Để điều tiết, tạo lập việc làm nhằm thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội đã hoạch định, các nhà nghiên cứu kinh tế đã phân tích một số lý thuyết kinh tế trong lĩnh vực việc làm.

Lý thuyết tạo việc làm của John Maynard Keynes

J.M. Keynes (1883- 1946) là nhà kinh tế người Anh. Tác phẩm nổi tiếng của ông là cuốn "Lý luận chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ" xuất bản năm 1936. Trong tác phẩm này, J.M Keynes xem xét việc làm trong mối quan hệ giữa sản lượng - thu nhập - tiêu dùng - đầu tư - tiết kiệm- việc làm. Theo ông, trong một nền kinh tế, khi sản lượng tăng, thu nhập tăng, đầu tư tăng thì việc làm tăng và ngược lại. Tâm lý của quần chúng là khi tổng thu nhập tăng thì cũng tăng tiêu dùng, nhưng tốc độ tăng tiêu dùng chậm hơn so với tăng thu nhập và có khuynh hướng tiết kiệm một phần thu nhập, làm cho cầu tiêu dùng có hiệu quả hay cầu tiêu dùng thực tế giảm tương đối so với thu nhập dẫn đến một bộ phận hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng không có khả năng bán được. Thừa hàng hóa là nguyên nhân gây ra khủng hoảng, ảnh hưởng tới quy mô sản xuất ở chu kỳ tiếp theo, nên việc làm giảm, thất nghiệp tăng. Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường, khi quy mô đầu tư tư bản tăng thì hiệu quả giới hạn của tư bản đầu tư có xu hướng giảm sút tạo nên giới hạn chật hẹp về thu nhập của doanh nhân trong đầu tư tương lai. Doanh nhân chỉ tích cực mở rộng đầu tư khi hiệu quả giới hạn của tư bản lớn hơn lãi suất. Còn khi hiệu quả giới hạn của tư bản nhỏ hơn hoặc bằng lãi suất thì họ không tích cực đầu tư nên quy mô sản xuất bị thu hẹp, dẫn đến việc làm giảm, thất nghiệp tăng. Theo Keynes, để tăng việc làm, giảm thất nghiệp, phải tăng tổng cầu của nền kinh tế. Chính phủ có vai trò kích thích tiêu dùng (tiêu dùng sản xuất và phi sản xuất) để tăng tổng cầu thông qua tăng trực tiếp các khoản chi tiêu của chính phủ, hoặc thông qua các chính sách của Chính phủ nhằm khuyến khích đầu tư của tư nhân, của các tổ chức kinh tế xã hội. Keynes còn sử dụng các biện pháp: hạ lãi suất cho vay, giảm thuế, trợ giá đầu tư, in thêm tiền giấy để cấp phát cho ngân sách nhà nước nhằm tăng đầu tư và bù đắp các khoản chi tiêu của Chính phủ. Ông chủ trương tăng tổng cầu của nền kinh tế bằng mọi cách, kể cả khuyến khích đầu tư vào các hoạt động ăn bám nền kinh tế như: sản xuất vũ khí đạn dược, chạy đua vũ trang, quân sự hoá nền kinh tế.

Lý thuyết về việc làm của J.M Keynes được xây dựng dựa trên các giả định đúng với các nước phát triển, nhưng không hoàn toàn phù hợp với các nước đang phát triển. Bởi vì hầu hết các nước nghèo, nguyên nhân khó khăn cơ bản để gia tăng sản lượng, tạo việc làm không phải do tổng cầu không đủ cao. Ở các nước đang phát triển, khi tổng cầu tăng sẽ kéo theo tăng giá cả, dẫn đến lạm phát. Vì thế, biện pháp tăng tổng cầu để tăng quy mô sản xuất, tạo việc làm không đúng với mọi quốc gia, trong mọi thời kỳ. Mặt khác, nếu tạo việc làm cho khu vực thành thị và một số trung tâm công nghiệp bằng cách tăng tổng cầu sẽ tạo ra làn sóng di dân từ nông thôn ra thành thị và tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị gia tăng. Điều này có thể làm suy giảm việc làm và sản lượng quốc dân của cả nước.

Lý thuyết về tạo việc làm bằng chuyển giao lao động giữa hai khu vực của nền kinh tế

Lý thuyết này của Athur Lewis - nhà kinh tế học Jamaica ra đời vào những năm 50 của thế kỷ XX, được giải thưởng Nobel 1979. Tư tưởng cơ bản của lý thuyết này là chuyển số lao động dư thừa từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp hiện đại do hệ thống tư bản nước ngoài đầu tư vào các nước lạc hậu. Quá trình này sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển. Bởi vì trong khu vực nông nghiệp, đất đai chật hẹp, lao động lại quá dư thừa. Ngoài số lao động cần đủ cho sản xuất nông nghiệp, còn có lao động thừa làm các ngành nghề lặt vặt, buôn bán nhỏ, phục vụ trong gia đình và lao động phụ nữ. Số lao động dôi dư này không có công ăn việc làm. Nói cách khác, họ không có tiền lương và thu nhập. Vì vậy, việc di chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp có hai tác dụng. Một là, chuyển bớt lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp, chỉ để lại lượng lao động đủ để tạo ra sản lượng cố định. Từ đó nâng cao sản lượng theo đầu người đồng thời tạo việc làm cho số lao động dôi dư trong nông nghiệp. Mặt khác, việc di chuyển này sẽ làm tăng lợi nhuận trong lĩnh vực công nghiệp, tạo điều kiện nâng cao sức tăng trưởng và phát triển kinh tế nói chung.

Lý thuyết của Harry Toshima

Theo Harry Toshima, nhà kinh tế học Nhật Bản, ông nghiên cứu mối quan hệ giữa hai khu vực nông nghiệp và công nghiệp dựa trên những đặc điểm khác biệt của các nước đang phát triển châu Á- gió mùa. Đó là nền nông nghiệp lúa nước có tính thời vụ cao. Nền nông nghiệp lúa nước vẫn thiếu lao động lúc đỉnh cao của thời vụ và chỉ dư thừa lao động trong mùa nhàn rỗi. Vì vậy, ông cho rằng cần giữ lại lao động nông nghiệp và chỉ tạo thêm việc làm trong những tháng nhàn rỗi bằng cách tăng vụ, đa dạng hoá cây trồng vật nuôi...Đồng thời, sử dụng lao động nhàn rỗi trong nông nghiệp vào các ngành sản xuất công nghiệp cần nhiều lao động. Việc tạo thuận lợi hơn nữa để có việc làm đầy đủ cho mọi thành viên gia đình nông dân trong những tháng nhàn rỗi sẽ nâng cao mức thu nhập hàng năm của họ và sẽ mở rộng được thị trường trong nước cho các ngành công nghiệp và dịch vụ. Như vậy, lực lượng lao động sẽ được sử dụng hết.

Lý thuyết về tạo việc làm bằng di chuyển lao động của Harris Todaro

Lý thuyết của Todaro ra đời vào thập kỷ 60-70 của thế kỷ XX, nghiên cứu việc làm bằng sự di chuyển lao động trên cơ sở thực hiện điều tiết thu nhập, tiền lương giữa các khu vực kinh tế khác nhau. Theo ông, những người lao động ở khu vực nông thôn có thu nhập trung bình thấp. Họ lựa chọn quyết định di chuyển lao động từ vùng có thu nhập thấp sang khu vực thành thị có thu nhập cao hơn. Như vậy, quá trình di chuyển lao động mang tính tự phát, phụ thuộc vào sự lựa chọn, quyết định của các cá nhân. Điều này làm cho cung cầu về lao động ở từng vùng không ổn định, gây khó khăn cho chính phủ trong việc quản lý lao động và nhân khẩu.

Mô hình Harris Todaro cho phép giải thích được lý do tồn tại tình trạng thất nghiệp ở các đô thị tại các nước đang phát triển, và tại sao người dân lại chuyển tới các thành phố mặc dù đang tồn tại nan giải vấn đề thất nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, mô hình Harris – Todaro thừa nhận sự tồn tại của khu vực kinh tế phi chính thức. Đó là khu vực kinh tế bao gồm các hoạt động, không hoàn toàn là bất hợp pháp, nhưng thường cũng không được sự thừa nhận chính thức của xã hội và hầu hết các hoạt động này đều không đăng ký với nhà nước. Chẳng hạn như lao động phục vụ gia đình, hành nghề tự do, xe ôm, bán hàng rong, mài dao kéo, dịch vụ ăn uống vỉa hè, thu lượm ve chai đồng nát, đánh giày v.v...

Nhìn chung các lý thuyết về việc làm này đều tập trung nghiên cứu, xác định mối quan hệ cung cầu lao động tác động đến việc làm. Những lý luận đó tuy chưa làm rõ vai trò của Chính phủ thông qua hệ thống các chính sách kinh tế kết hợp với chính sách xã hội để tạo việc làm ổn định cho nền kinh tế, nhưng có tác dụng gợi mở cho chúng ta khi phân tích thực trạng việc làm và đề ra những giải pháp phù hợp tạo việc làm cho người lao động ở Việt Nam.