HỘI NGHỊ TẬP HUẤN HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NỘI DUNG GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI TRONG CHƯƠNG TRÌNH MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN VÀ GIÁO DỤC KINH TẾ VÀ PHÁP LUẬT

Tác giả: ThS. Đào Thị Thúy - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

Thực hiện công văn 2407/ SGDĐT-GDPT ngày 08/11/2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tham dự Hội nghị tập huấn hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục quyền con người trong chương trình môn học Giáo dục công dân và Giáo dục kinh tế và pháp luật, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 11 năm 2023, các giáo viên giảng dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật của các trường THPT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được tập huấn về hướng dẫn tích hợp nội dung giáo dục quyền con người trong chương trình môn Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Việc tích hợp nội dung giáo dục quyền con người trong môn học Giáo dục kinh tế và pháp luật cấp trung học phổ thông được căn cứ vào nội dung quyền con người được quy định trong Hiến pháp năm 2013; căn cứ vào các yêu cầu cần đạt của các chủ đề trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật có ưu thế trong việc tích hợp nội dung giáo dục quyền con người.

Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung chủ yếu của môn học là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật phù hợp với lứa tuổi; mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh; được lồng ghép với nội dung giáo dục đạo đức và kỹ năng sống, giúp học sinh có nhận thức đúng và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.

Hướng dẫn tích hợp giáo dục quyền con người vào chương trình môn Giáo dục kinh tế và pháp luậtcấp THPT, gồm các chủ đề cho từng khối lớp cụ thể:

* Lớp 10. Nền kinh tế và các chủ thể của nền kinh tế; Thị trường và cơ chế thị trường; Ngân sách nhà nước và thuế; Sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh; Tín dụng và cách sử dụng các dịch vụ tín dụng; Lập kế hoạch tài chính cá nhân; Hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

* Lớp 11. Cạnh tranh, cung, cầu trong kinh tế thị trường; Lạm phát, thất nghiệp; Thị trường lao động, việc làm; Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh; Đạo đức kinh doanh; Văn hóa tiêu dùng; Quyền bình đẳng của công dân; Một số quyền dân chủ cơ bản của công dân; Một số quyền tự do cơ bản của công dân.

* Lớp 12. Tăng trưởng và phát triển kinh tế; Hội nhập kinh tế quốc tế; Bảo hiểm và an sinh xã hội; Lập kế hoạch kinh doanh; Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Quản lý thu, chi trong gia đình; Một số quyền và nghĩa vụ của công dân về  kinh tế; Quyền và nghĩa vụ của công dân về văn hóa, xã hội; Một số vấn đề cơ bản của pháp  luật quốc tế.

Có thể nói, việc tích hợp nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình môn Giáo dục kinh tế và pháp luật cấp THPT có vai trò quan trọng trong việc trang bị kiến thức cơ bản về quyền và các giá trị của quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân cho học sinh; Xây dựng thái độ, ý thức tôn trọng quyền con người, quyền công dân, sự khoan dung, bình đẳng, đoàn kết dân tộc và quốc tế. Đồng thời góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực cho học sinh theo đúng quy định trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

                                                                       Một số hình ảnh về chương trình tập huấn

Nội dung tích hợp giáo dục quyền con người vào chương trình môn Giáo dục kinh tế và pháp luật