Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề giải phóng phụ nữ

Tác giả: GV. Bùi Thị Lợi - Khoa Lý Luận Chính Trị - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

Ngày nay, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập, giao lưu quốc tế, chúng ta đã và đang đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, ngoại giao. Tuy nhiên, mặt trái của nó đã tác động mạnh mẽ đến các tầng lớp xã hội, đặc biệt là phụ nữ. Một loạt những vấn đề đặt ra bức xúc cần phải giải quyết như: vần đề việc làm, sự đói nghèo, trình độ học vấn, sự hưởng thụ văn hóa, tệ nạn xã hội, buôn lậu, ma túy, mại dâm, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ ; xa rời cội nguồn dân tộc…

Giải quyết những vấn đề trên là trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là của chính các thế hệ phụ nữ hôm nay và mai sau. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chủ yếu đi vào nêu bật tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề giải phóng phụ nữ để làm nền tảng, cơ sở lý luận với những quan điểm cơ bản như sau:

Thứ nhất, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phẩm chất đạo đức mới không từ trên trời sa xuống, không là bẩm sinh nhưng cũng không thể không vươn tới được. Nó là kết quả của quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ, lâu dài của mỗi cá nhân người phụ nữ trong quá trình lao động. Công tác giáo dục đạo đức mới cần có những hình thức phong phú, đa dạng, cuốn hút phụ nữ vào hoạt động khoa học, hoạt động chính trị, văn hóa thể thao vui chơi lành mạnh, khắc phục tâm lý tự ti ỷ lại.

Thứ hai, muốn giải phóng mình đòi hỏi người phụ nữ “Không nên ngồi chờ chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”[4, tr. 524], “phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần giúp đỡ lẫn nhau” [5, tr. 518]  “phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng đối với đàn ông ”.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nhiều niềm tin vào cuộc đấu tranh đòi bình đẳng của phụ nữ Việt Nam. Trong di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm huyết căn dặn bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho người phụ nữ. Người rất tin tưởng cho sự tiến bộ, vươn lên của phụ nữ Việt Nam. Người viết:” Phụ nữ ta có tính cần cù và anh hùng, quyết tâm học thì nhất định học thành công” [5, tr. 295].

Tri thức là sức mạnh, nhưng có tri thức mà phục vụ cho chủ nghĩa cá nhân thì sức mạnh phá hoại càng lớn. Đó là lẽ vì sao chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chú ý đến giáo dục đạo đức mới (đạo đức cách mạng). Người coi đạo đức cách mạng là gốc của người cách mạng.

Đối với phụ nữ Việt Nam cũng không nằm ngoài cái chung đó. Và quá trình hình thành đạo đức mới của người phụ nữ là quá trình “nội tâm hóa”  những giá trị đạo đức mới đã được xã hội thừa nhận. Hệ thống giá trị đạo đức đó sẽ trở nên mạnh mẽ nếu nó trở thành ý thức và hành động của mỗi cá nhân người phụ nữ, trở thành của cải tinh thần của chính họ.

----------------------------------------------------------------------------------

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Trần Văn Giàu (1983), Trong dòng chủ lưu của văn hóa Việt Nam: tư tưởng yêu nước, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Vũ Khiêu (chủ biên, 1974), Đạo đức mới, Nxb Khoa học xã hội.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội