Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC Ý THỨC PHÁP LUẬT CHO SINH VIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY

Tác giả: ThS. Lê Thị Thái - Đăng ngày: .

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong toàn xã hội, nhất là đối với học sinh, sinh viên, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021.

Việc xây dựng ý thức chấp hành pháp luật cho sinh viên chính là tạo dựng một nền tảng thực thi pháp luật hiệu quả trong tương lai, tạo cơ sở để làm lành mạnh hóa đời sống xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, giúp cho công tác quản lý, vận hành Nhà nước pháp quyền được hiệu quả.

Việc tăng cường giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên Việt Nam hiện nay cần thực hiện các giải pháp sau đây:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của chính quyền đối với công tác nâng cao ý thức pháp luật cho sinh viên. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, cần quán triệt Chỉ thị số 32/CT-TW của ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên về công tác giáo dục pháp luật. Các cấp ủy Đảng phải luôn xác định vai trò gương mẫu của các đảng viên và vai trò tiên phong của họ trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật. Các cấp ủy Đảng cũng phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động giáo dục pháp luật, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo, xử lý những vướng mắc nảy sinh trong quá trình giáo dục pháp luật. Hoạt động kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá công tác giáo dục pháp luật không chỉ qua báo cáo mà phải kết hợp việc kiểm tra trên thực tế.

Hai là, tích cực đổi mới nội dung bồi dưỡng ý thức pháp luật cho phù hợp với từng nhà trường, từng đối tượng trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Trong quá trình thực hiện, phải luôn bám sát các nội dung văn bản, chỉ thị và hướng dẫn của cơ quan cấp có thẩm quyền về pháp luật. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình của từng nhà trường để xác định nội dung bồi dưỡng cho phù hợp. Cần chú trọng đến các nội dung có liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân; các văn bản liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ công dân nói chung và sinh viên, thanh niên nói riêng…Đây là những nội dung quan trọng trong bồi dưỡng ý thức pháp luật, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường. Nội dung này không chỉ giúp sinh viên chấp hành nghiêm pháp luật, hạn chế tội phạm xảy ra, mà còn thiết thực chấp hành pháp luật của Nhà nước và góp phần xây dựng Nhà nước vững mạnh toàn diện, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Ba là, kết hợp nhiều hình thức, phương pháp bồi dưỡng ý thức pháp luật cho phù hợp để sinh viên dễ tiếp thu, dễ nhớ, dễ vận dụng. Các văn bản quy phạm pháp pháp luật thường có nhiều thuật ngữ khó, nội dung nhiều và không dễ tiếp thu, trong khi đó thời gian giành cho bồi dưỡng ý thức pháp luật là có giới hạn. Do vậy, thường xuyên kết hợp nhiều hình thức, phương pháp bồi dưỡng cho phù hợp, tạo ra nhiều “kênh” thông tin về pháp luật cho sinh viên là rất cần thiết. Ngoài việc bồi dưỡng pháp luật theo chương trình, còn cần phải thường xuyên lồng phép bồi dưỡng ý thức pháp luật với các hình thức hoạt động công tác giáo dục, đào đạo của nhà trường; tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về pháp luật; giữ nghiêm kỷ cương trong các hoạt động ngoại khóa; tổ chức các hoạt động thi đua trong các tháng cao điểm về chấp hành pháp luật; ngoài ra các nhà trường phải thường xuyên tổ chức cho sinh viên hoạt động về các chuyên mục tìm hiểu, giải đáp pháp luật…

Bốn là, kết hợp nâng cao ý thức pháp luật với giáo dục tư tưởng, chính trị đạo đức, lối sống cho sinh viên. Muốn nâng cao ý thức pháp luật cần phải đặt trong mối quan hệ với các hình thái ý thức xã hội khác, nhất là mối quan hệ với ý thức chính trị, ý thức đạo đức. Pháp luật là sự thể chế hóa đường lối chính trị, là phương tiện để các đường lối chính trị được thực hiên nghiêm chỉnh trong xã hội. Do vậy, nâng cao ý thức pháp luật là giáo dục chính trị, đường lối, chủ trương quan điểm của Đảng và cũng qua việc giáo dục chính trị để nâng cao nhận thức, thái độ đối với các quy định của pháp luật, biến thành những hành vi ứng xử đúng đắn trong cuộc sống. Nhà trường cũng cần chú ý đến việc bồi dưỡng nhân sinh quan, thế giới quan khoa học cho sinh viên thông qua giảng dạy và phổ biến những vấn đề lý luận của chủ nghía Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tuyên truyền, giảng dạy pháp luật hiệu quả sẽ góp phần tạo dựng nên nền tảng văn hóa pháp lý cho xã hội, để mọi người dân đều có ý thức tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, để công tác phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên trong các nhà trường đạt hiệu quả thì các trường cần phải nhận thức đầy đủ hơn nữa tầm quan trọng của môn học giáo dục pháp luật, giáo dục chính trị tư tưởng. Các trường cũng cần đổi mới nội dung, phương pháp theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà còn đáp ứng nhu cầu thực tiễn, bảo đảm thiết thực, một mặt nâng cao trình độ nhận thức cho các đối tượng, nhất là học sinh, sinh viên, mặt khác giúp họ có khả năng vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội
  3. Trần Ngọc Liêu (2013), Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về Nhà nước với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.