Vấn đề giảng dạy các khái niệm, phạm trù trong môn giáo dục công dân ở trường Trung học phổ thông

Tác giả: Tác giả ThS. Đào Thị Thúy, Khoa lí luận Chính trị - Đăng ngày: .

Trong hoạt động nhận thức, các khái niệm, phạm trù có một vị trí vai trò đặc biệt quan trọng, chúng là cơ sở, nền tảng để xây dựng các môn khoa học cụ thể mà người học cần phải lĩnh hội. Đối với môn giáo dục công dân (GDCD) ở Trung học phổ thông, giáo viên chỉ cung cấp cho học sinh những tri thức cơ bản thiết thực về Chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam, đạo đức, pháp luật, chứ không trang bị cho học sinh toàn bộ tri thức của các khoa học và đường lối đó. Vì thế các khái niệm, phạm trù trong môn GDCD, chính là công cụ nhận thức, xác định đúng vị trí, vai trò và nhiệm vụ của chính bộ môn. Để đảm bảo với nội dung, cấu trúc chương trình và đặc điểm tâm sinh lí, trình độ nhận thức của người học thì trong giảng dạy các khái niệm, phạm trù, người giáo viên phải tìm ra được những cách thức, phương pháp phù hợp nhằm truyền thụ tri thức tới người học đạt hiệu quả tốt nhất.

Khi dạy học các khái niệm, phạm trù trong môn GDCD người giáo viên phải hình dung được tính hệ thống toàn vẹn của các khái niệm, phạm trù đã được nêu ra trong sách giáo khoa; phải tìm ra được mối liên hệ, lôgic giữa các khái niệm, phạm trù sẽ giúp cho giáo viên có cách nhìn tổng thể và xác định được phương pháp dạy học hợp lí, đảm bảo được hiệu quả của quá trình dạy học; phải nắm vững được cách thức thể hiện của từng khái niệm, phạm trù nằm trong cấu trúc chương trình sách giáo khoa của môn học, việc xác định được cách thức thể hiện khái niệm, phạm trù trong chương trình môn học theo cách nào, nó chính là cơ sở quan trọng cho việc lựa chọn phương pháp, phương tiện dạy học thích ứng cho bài giảng.

Muốn dạy học thành công, người giáo viên phải biết xác định chính xác nội hàm và ngoại diên của mỗi khái niệm, phạm trù, đây là những yêu cầu cơ bản để đảm bảo tính khoa học của môn học và là điều kiện chi phối phương thức phân chia các nội dung của khái niệm để giảng dạy. Trên cơ sở của viêc giảng dạy các nội hàm và ngoại diên của khái niệm, phạm trù, giáo viên phải hướng học sinh vào việc khái quát, diễn đạt chúng dưới dạng một định nghĩa cân đối, rõ ràng, ngắn gọn, chính xác.

Khi giảng dạy một khái niệm, phạm trù nào đó, nhất thiết người giáo viên phải sử dụng các ví dụ để minh họa cho khái niệm, phạm trù ấy. Việc sử dụng các ví dụ đỏi hỏi giáo viên phải biết lựa chọn những ví dụ có tính chất điển hình, dễ hiểu diễn ra trong cuộc sống hàng ngày mà các em đã gặp hoặc đã được tiếp cận.

Trong giảng dạy các khái niệm, phạm trù của môn giáo dục công dân giáo viên phải biết lựa chọn ngôn từ biểu thị khái niệm để định nghĩa, khi lựa chọn câu biểu thị nội dung phù hợp sẽ giúp học sinh tiếp thu tốt tri thức của môn học.

Như vậy, để giảng dạy các khái niệm, phạm trù trong môn GDCD có hiệu quả, người giáo viên phải tìm ra được những cách thức, phương pháp và phải xác định được tính hệ thống toàn vẹn, tính lôgic, nội hàm, ngoại diên, lựa chọn các ví dụ điển hình để minh họa…Nếu thực hiện tốt những yêu cầu cơ bản đó thì việc giảng dạy các khái niệm, phạm trù trong môn GDCD nhất định thành công./.

Tài liệu tham khảo

1. Vương Tất Đạt, Phương pháp giảng dạy giáo dục công dân (dùng cho PTTH), Nxb Đại học sư phạm Hà nội, 1994.

2. Đinh Văn Đức - Dương Thị Thúy Nga, Phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông, Nxb Đại học sư phạm, 2009

3. Bộ GD và ĐT, Giáo dục công dân, Sách giáo viên lớp 10, 11, 12, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010.

4. Bộ GD và ĐT, Giáo dục công dân, Sách giáo khoa lớp 10, 11, 12, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2011.