VANG MÃI TIẾNG TRỐNG XÔ VIẾT NGHỆ-TĨNH

Tác giả: ThS. Đường Thế Anh - Đăng ngày: .

Cách đây 92 năm (12/9/1930-12/9/2022), với khí thế tiến công thần tốc, nhân dân ta đã làm nên một cao trào cách mạng vô cùng mạnh mẽ - cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh đây là phong trào cách mạng đầu tiên của quần chúng công - nông, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong chương đầu của pho sử vàng của Đảng cộng sản Việt Nam, phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh- đỉnh cao là cao trào cách mạng 1930-1931 là một trong những trang sử vàng chói lọi của Đảng ta từ những năm đầu thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng đinh: “Dù đế quốc Pháp và bọn phong kiến dã tâm nhấn chìm phong trào cách mạng trong biển máu, nhưng truyền thống oanh liệt của Xô viết- Nghệ Tĩnh đã thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước tiến lên và đưa Cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ”

Nhìn lại 92 năm Xô viết Nghệ-Tĩnh, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh rất đỗi tự hào về những đóng góp cho cách mạng, cho Đảng trong những năm đầu thành lập. Ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền Xô viết, khi bước vào cuộc  tranh đấu với kẻ thù Đảng ta đã nhận thức sâu sắc: “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Chính vì vậy, mà các tổ chức quần chúng được xây dựng và phát triển rộng khắp như các tổ chức: Tự vệ đỏ, hội phụ nữ giải phóng, thanh niên cộng sản đoàn, sinh hội và các hội tán trợ… Các tổ chức quần chúng ra đời sớm đã tuyên truyền, vận động, giáo dục cách mạng cho quần chúng nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Những tổ chức quần chúng được Đảng xây dựng đã góp phần đắc lực cho cuộc tranh đấu trực diện với kẻ thù, nhưng khi gặp khó khăn, hoạn nạn tổ chức quần chúng lại là nơi cưu mang đùm bọc che chở để cho các tổ chức Đảng vượt qua mọi thử thách, gian khó. Thành công của Đảng trong xây dựng các tổ chức quần chúng, các giới, các thành phần vào tổ chức cách mạng là điều kiện để tạo nên sức mạnh của Đảng ở cơ sở, đó cũng là điều kiện thuận lợi cho các nông –xã bộ nông thôn ra đời và tồn tại, phát triển trong những năm 1930-1931.

Có thể khẳng định chi bộ nông thôn trong chính quyền nông thôn Xô viết Nghệ-Tĩnh, xét về tính chất và nội dung hoạt động, có nhiều nét giống với những Xô viết đại biểu công-nông-binh ở nước Nga trong cách mạng 1905 (khi Xô viết là cơ quan lãnh đạo đấu tranh và khởi nghĩa). Do đó Đảng ta gọi chính quyền cách mạng ở Nghệ-Tĩnh  đúng với tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều đó càng làm nổi bật ý nghĩa quốc tế vô sản của Xô viết Nghệ -Tĩnh.

Xô viết Nghệ -Tĩnh là chính quyền của công-nông lao động ra đời bắt đầu ở những vùng nông thôn, làm nhiệm vụ công nông chuyên chính do Đảng lãnh đạo. Đây là kiểu Xô viết có tính độc đáo ở Việt Nam. Xô viết Nghệ -Tĩnh thể hiện tính sáng tạo của quần chúng nhân dân trong việc vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức và đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng qua các giai đoạn lịch sử khác nhau. Việc giành và giữ chính quyền cách mạng trong cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh 1930-1931 đã để lại nhiều bài học quí báu và thiết thực  cho việc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Cao trào cách mạng Xô viết Nghệ-Tĩnh, và những đóng góp của thế hệ các bậc tiền bối cách mạng góp phần tô đậm những trang sử bằng vàng của Đảng ta. Ngày nay với tinh thần cách mạng tiến công của cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh  không chỉ đồng hành cùng nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà còn tiếp tục đồng hành cùng với Đảng và nhân dân ta  giành nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất Tổ quốc hiện nay.