Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Quan điểm “dân thụ hưởng” – một trong những điểm mới trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII

Tác giả: TS. Đậu Thị Hồng - Đăng ngày: .

Từ khi ra đời, dưới ánh sáng Chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.  Hồ Chí Minh cho rằng: “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”...Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng cộng sản Việt Nam luôn thấm nhuần tư tưởng đó và  khẳng định lấy dân làm gốc là nền tảng, cơ sở cho việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm đổi mới. Tại Đại hội VI của Đảng, một trong bốn bài học lớn được Đảng rút ra là phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Bài học này tiếp tục được quán triệt sâu sắc trong các kỳ Đại hội VII và Đại hội VIII của Đảng. Đánh giá quá trình đổi mới, Đại hội IX của Đảng một lần nữa khẳng định: Đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo.

Đến Đại hội XII, Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, vì lợi ích nhân dân. Gắn bó với nhân dân, dựa vào nhân dân xây dựng Đảng là nguồn gốc, sức mạnh, quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tiếp tục được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật. Sự ra đời của quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; quy định về việc đảng viên đang công tác giữ mối liên hệ với cấp ủy, tổ chức đảng và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú; quy định về việc mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền…là những bước đổi mới nhằm tăng thêm các cơ chế, điều kiện để nhân dân tham gia vào công tác xây dựng Đảng, giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ những quy định này mà uy tín của Đảng cũng như sự gần gũi của Đảng với nhân dân tiến thêm một bước.

Bên cạnh đó, các cuộc lấy ý kiến của nhân dân cả nước vào dự thảo Cương lĩnh, văn kiện đại hội Đảng, dự thảo sửa đổi Hiến pháp, dự thảo các đạo luật đã phát huy tâm huyết và trí tuệ của đông đảo nhân dân nhằm xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, phục vụ tốt hơn cuộc sống của người dân. Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng đã và đang có những đột phá trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và niềm tin của nhân dân với Đảng ngày càng nâng cao.

Với việc đổi mới trong nhận thức và quyết liệt trong hành động, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: Thực hành và phát huy rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân và vai trò chủ thể của nhân dân, thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc", nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích của nhân dân. Dân là gốc chính là phát huy và bảo đảm tốt hơn, thực chất hơn quyền làm chủ của nhân dân. Để chủ trương này đi vào thực tiễn cuộc sống thì lợi ích của nhân dân phải là trước hết và trên hết trong chu trình hoạch định và triển khai chính sách. Nhân dân được thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển. Bài học lấy dân làm gốc sẽ trở nên sâu sắc và ý nghĩa hơn khi chủ trương này được thực thi một cách hiệu quả.

Làm rõ nội hàm thuật ngữ “dân thụ hưởng” là một bước bổ sung thêm quan điểm về dân là gốc của Đảng ta. “Dân thụ hưởng” là nhân dân được nhận, được hưởng các thành quả của quá trình phát triển về đời sống vật chất, tinh thần. Nó gắn với mục tiêu tạo cho nhân dân cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của Đảng ta. Nó cho thấy rằng nhân dân là mục đích, động lực thực sự và cuối cùng của các chủ trương, chính sách, pháp luật mà Đảng, Nhà nước đề ra và tổ chức. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và việc xây dựng thành công CNXH hiện thực hóa mục tiêu vì con người, vì nhân dân, giải phóng con người, đem đến cho mọi người những điều kiện tốt nhất để phát triển. Đây chính là  tính nhân văn của chế độ xã hội mà chúng ta đang theo đuổi.

Như vậy, quan điểm “dân thụ hưởng” thể hiện sự quan tâm thiết thực đến đời sống của người dân, hướng tới mục đích hạnh phúc của con người. Từ đó, hoàn thiện và hiện thực hóa thêm một bước tư tưởng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Những khía cạnh của quan điểm này được thể hiện:

Thứ nhất, “dân thụ hưởng” là sự tiếp nối quan điểm “dân là gốc”, hướng tới mục tiêu phát triển con người. Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng... Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[1]. “Dân thụ hưởng” nhấn mạnh tính bao trùm, đến đa số nhân dân, mọi giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội đều có cơ hội bình đẳng về mặt thụ hưởng thành quả của sự phát triển. “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[2]. Trong bối cảnh đất nước ta đang phấn đấu để phát triển nhanh và bền vững; bên cạnh các mục tiêu kinh tế thì Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người dân, chính vì thế đời sống nhân dân được cải thiện. Việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội hướng tới phát triển bao trùm giúp nhân dân, đặc biệt là bộ phận yếu thế trong xã hội, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện để ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo. Qua đó, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội. Và vì thế, “dân thụ hưởng” hướng đến quyền cơ bản nhất của con người - quyền bình đẳng trước các cơ hội phát triển, góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đồng thuận, hướng tới thực hiện công bằng xã hội, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và phát triển bền vững đất nước. “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội”[3]. Suy đến cùng mọi sự phát triển đều hướng đến con người, và với bản chất của chủ nghĩa xã hội thì đó phải là sự hướng đến mọi người, hướng đến nhân dân.

Thứ hai, “dân thụ hưởng” biểu hiện sự quan tâm đến đời sống, đến những quyền lợi sát sườn, đến những nhu cầu, quyền lợi chính đáng được hưởng của người dân.

Đây là quan điểm rất thực tiễn và nhân văn. Thụ hưởng ở đây không chỉ là những điều kiện vật chất mà còn bao hàm cả những giá trị tinh thần. Nó được thể hiện ở việc xác định mục tiêu phát triển của đất nước:  “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ;... con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”[4]. Việt Nam hướng đến một xã hội phát triển không chỉ giàu có và thịnh vượng về mặt kinh tế, không chỉ bảo vệ được môi trường mà còn là một xã hội cân bằng và hài hòa lợi ích giữa các giai cấp, giữa các tầng lớp, giữa các nhóm xã hội - một xã hội hài hòa theo hướng đoàn kết, hợp tác, hướng đến sự cân bằng. Điều này được thể hiện qua các chiến lược như thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đặc biệt là chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã có nhiều biến chuyển tích cực trong những năm vừa qua.

Thứ ba, “dân thụ hưởng” bàn đến vấn đề lợi ích chính đáng - động lực to lớn cho sự phát triển của đất nước. “Dân thụ hưởng” thể hiện sự quan tâm thiết thực đến đời sống của người dân, nghĩa là người dân có quyền được thụ hưởng những thành quả tốt đẹp, tiến bộ của sự phát triển. “Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần... Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[5]. Khi đặt lợi ích chính đáng của người dân lên như một mục tiêu quan trọng của quá trình phát triển cũng chính là việc nhìn nhận các hoạt động lợi ích đó như là động lực của mọi sự phát triển. Như chúng ta biết, lợi ích là động lực trong mọi hoạt động của con người. Khi người dân được thụ hưởng, được thỏa mãn những lợi ích hợp pháp, chính đáng sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người hăng hái cống hiến, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước. Đây là mối quan hệ biện chứng mà Đảng ta đã nhận thức và hiện thực hóa bằng các chủ trương, đường lối một cách chính xác và cụ thể.

Cùng với các quan điểm khác như "dân hạnh phúc", “chỉ số hạnh phúc”, “dân giám sát” thì “dân thụ hưởng” là một điểm mới quan trọng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Nó là sự tiếp tục của phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được thực hiện 35 năm qua. Đây cũng là quan điểm cụ thể hơn mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” mà Đảng và nhân dân ta luôn hướng đến.

Chú thích

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.64

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.232.

[3] Nguyễn Phú Trọng, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Báo Nhân dân Điện tử, ngày 16-5-2021

[4],4  Nguyễn Phú Trọng, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Báo Nhân dân Điện tử, ngày 16-5-2021