Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

NỘI DUNG PHONG CÁCH LÀM VIỆC HỒ CHÍ MINH

Tác giả: ThS. Lê Thị Thái - Đăng ngày: .

Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản tinh thần to lớn mà Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam. Đó là phong cách làm việc mẫu mực của một vị lãnh tụ chính trị và một nhà khoa học chân chính với nhân cách trí tuệ lỗi lạc và đạo đức trong sáng. Phong cách làm việc nổi bật của Người - phong cách quần chúng, phong cách dân chủ, tập thể và phong cách khoa học tạo nên một phong cách làm việc hiện đại và hiệu quả với các chuẩn mực đạo đức giá trị có ý nghĩa trong mọi thời đại.

* Phong cách quần chúng

Nội dung quan trọng hàng đầu trong phong cách làm việc của Người đó là phong cách quần chúng:  "Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng”. Đây chính là điểm tương đồng trong phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Người đến với quần chúng một cách bình dị, tự nhiên nhưng rất gần gũi, chân thành. Thấm nhuần quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin “quần chúng là người làm nên lịch sử” và với đạo đức trong sáng Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn chú ý tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và quan tâm thật lòng đến mọi mặt đời sống của quần chúng. Phải yêu dân, kính dân, tin dân, tôn trọng dân thì dân mới dành sự kính yêu cho mình và tôn trọng mình. Người cán bộ, đảng viên phải biết lắng nghe dân nói, giải quyết những kiến nghị chính đáng của dân, phải nói dân hiểu, làm dân tin chứ không được theo kiểu “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối quan chủ” như thế là làm mất lòng tin đối với nhân dân mà làm hại đến cách mạng. Người nhắc nhở mọi người rằng: không phải cứ viết lên trán hai chữ cộng sản thì đương nhiên sẽ được mọi người quý trọng mà mỗi cán bộ, đảng viên phải bằng hành động thực tế của mình để có niềm tin yêu của nhân dân. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Vì vậy, Người kịch liệt phê phán lối làm việc quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch vẫn đang tồn tại khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Và Người cũng tự nhận mình là đầy tớ, người học trò của nhân dân. Người cũng luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên tự mình phải mẫu mực để xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, phải nêu gương cho quần chúng noi theo. Và hơn ai hết, Người chính là tấm gương sáng để mỗi chúng ta phải học tập và làm theo về phong cách làm việc với quần chúng. Phong cách làm việc gần gũi, sâu sát với quần chúng của Người không chỉ có ý nghĩa đối với cán bộ, đảng viên trong quan hệ với dân mà còn có ý nghĩa hết sức cần thiết trong quan hệ của cấp trên với cấp dưới, của cán bộ lãnh đạo với cán bộ, đảng viên bình thường.

* Phong cách làm việc tập thể - dân chủ

Nét đặc sắc trong phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác phong tập thể - dân chủ. Thấm nhuần nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong Đảng, trên cương vị là Người đứng đầu Đảng, Nhà nước Người luôn luôn gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể và phát huy sức mạnh của tập thể tạo nên sức mạnh to lớn cùng nhau thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng. Người cho rằng: Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để có thể giải quyết mọi khó khăn trong công việc. Tác phong làm việc dân chủ, tập thể đã trở thành thói quen và phương châm trong suy nghĩ và hành động của Bác. Theo Hồ Chủ Tịch, trong công tác lãnh đạo, quản lý mà thực hành được dân chủ, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của mọi người thì sẽ phát huy được tính tích cực, tự giác, hăng hái, sáng tạo và quy tụ được sức mạnh, sự đồng tình ủng hộ của nhiều người, tạo nên sức mạnh to lớn để giải quyết thắng lợi mọi nhiệm vụ.

 Nói về ý nghĩa của tập thể, Người nhấn mạnh: Một người dù tài giỏi đến mấy cũng không thể thấy hết mọi mặt của một vấn đề, càng không thể thấy hết được mọi việc, hiểu hết được mọi chuyện. Vì vậy, cần phải có nhiều người cùng tham gia lãnh đạo. Nhiều người thì nhiều kiến thức, người thấy mặt này, người thấy mặt kia, do đó hiểu được mọi mặt, mọi vấn đề. Thực tế, trong những cuộc họp Người luôn dân chủ, trân trọng và chú ý lắng nghe các ý kiến của từng đồng chí. Khi đến với đồng bào, Người không chỉ lắng nghe ý kiến báo cáo của các cấp, các ngành mà còn chú ý những ý kiến của quần chúng nhân dân. Những vấn đề trọng đại của đất nước Người đều gửi đến các đồng chí lãnh đạo đóng góp ý kiến trước khi Người đưa ra quyết định cuối cùng. Người còn trao đổi với các đồng chí về những bài báo của Người trước khi đăng để họ góp ý, sữa chữa, thay đổi cho phù hợp.

 Trong quá trình công tác Người rất chú ý đến việc thực hành và phát huy dân chủ, tập thể trong nội bộ Đảng cũng như đối với quần chúng và phát huy tinh thần dân chủ của mọi người. Người cho rằng:  nếu không có dân chủ nội bộ thì sẽ làm cho “nội bộ của Đảng âm u”. Trong tình hình ấy sẽ không tạo nên sức mạnh của Đảng bởi lẽ Đảng đã bị suy yếu từ bên trong, như vậy sớm muộn cũng không còn là Đảng cộng sản. Hơn nữa còn phải thấy rằng có dân chủ trong Đảng mới có thể nói đến dân chủ trong xã hội, mới định hướng cho việc xây dựng một chế độ dân chủ triệu lần dân chủ hơn chế độ tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, Người cũng thẳng thắn phê bình cách làm việc thiếu dân chủ, tập thể của những cán bộ lãnh đạo, quản lý đang tồn tại lâu nay. Do đó mà người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình, làm cho cấp trên cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa rời nhau, không còn hăng hái, sáng tạo khi làm việc nữa.

Tấm gương sáng về phong cách làm việc dân chủ, tập thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa trong mọi thời đại để chúng ta học tập và noi theo. Mỗi cán bộ, đảng viên dù là người có chức hay không có chức phải luôn tôn trọng tập thể, phục tùng các quyết định của tập thể, luôn luôn tôn trọng ý kiến của mọi người, không có sự phân biệt đối xử và biết phát huy sức mạnh của tập thể, tổ chức để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đất nước.

* Phong cách làm việc khoa học

Phong cách làm việc Hồ Chí Minh còn là phong cách làm việc khoa học. Những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, lăn lộn với cuộc sống của một người lao động, hòa mình trong phong trào công nhân, đã hình thành ở Người một phong cách làm việc khoa học biết quý trọng thời gian, giờ nào việc ấy; làm việc phải có mục đích rõ ràng, chương trình, kế hoạch đặt ra phải phù hợp; phải đi sâu, đi sát, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể. Phải xem xét, đối chiếu những ý kiến khác nhau, lựa chọn những ý kiến đúng, phù hợp, loại bỏ những thông tin sai không đúng sự thật . Trong công việc, Người làm việc nghiêm túc, suy nghĩ kỹ lưỡng, cẩn thận, làm đến nơi đến chốn. Người yêu cầu làm việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, nghiên cứu, thu thập thông tin số liệu phải chính xác để nắm chắc thực chất tình hình, phân tích và nhận định đúng tình hình, có như thế mới có chính sách đúng. Người chỉ rõ: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi vì sao: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ gặp sao làm vậy” và “việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”. Thực tế trong quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước những chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ đều xuất phát từ thực tiễn, từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, đất nước đặt ra. Vì vậy, Người phê bình lề lối làm việc chủ quan, duy ý chí, không tôn trọng quy luật khách quan, bệnh cận thị, không nhìn xa trông rộng.

Trong công tác cán bộ đòi hỏi người lãnh đạo phải hiểu năng lực của từng cán bộ mà bố trí, sử dụng người cho đúng, hợp lý, hiệu quả chớ “dùng người thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới. Người yêu cầu là cán bộ thì phải biết quý trọng thời gian, làm việc đúng giờ, không được lãng phí thời gian, sức người, sức của, phải thường xuyên tự học, tự nghiên cứu, trau dồi và nâng cao kiến thức, phải đổi mới và không ngừng sáng tạo để cống hiến cho đất nước.

Trong công tác lãnh đạo, Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm từng việc. Đây là một việc làm hết sức cần thiết trong công tác lãnh đạo để từng bước hoàn thiện những vấn đề lý luận quan trọng của đất nước. Người yêu cầu, sau mỗi công việc dù thành công hay thất bại đều có tổng kết rút kinh nghiệm để tiến hành những công việc khác tốt hơn. Nhờ đó bổ sung kịp thời những chủ trương chưa đúng, chưa đủ và quan trọng hơn là rút ra những kết luận để bổ sung cho lý luận. Người chỉ rõ : “công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng phong cách làm việc của Người mãi mãi là nguồn sáng bất tận soi rọi vào mỗi tâm hồn con người Việt Nam. Phong cách của Người không chỉ là bài học, là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ cách mạng mà còn bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Học tập phong cách làm việc của Người có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước.

Tài liệu tham khảo

[1]. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[2]. Ban Tuyên giáo Trung ương (2016), Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.