Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Khát vọng bình đẳng trong tư tưởng của Nguyễn Du

Tác giả: TS. Đậu Thị Hồng - Đăng ngày: .

Nguyễn Du (1765-1820)  là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, là danh nhân văn hóa thế giới. Cuộc đời, di thảo và tư tưởng của Nguyễn Du mang nhiều giá trị sâu sắc, quy tụ được nhiều vấn đề xã hội và có ý nghĩa lớn cho hậu thế. Tư tưởng của Nguyễn Du kết tinh từ chiều sâu lịch sử - văn hóa của dân tộc Việt Nam,  xuất hiện trong giai đoạn xã hội Việt Nam đầy biến động cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, vì thế nó vừa chuyển tải  được nhiều vấn đề của xã hội đương thời đồng thời đề cập đến nhiều vấn đề mang tính nhân loại.  Một trong những đóng góp lớn của Nguyễn Du đó là nhận thức về khát vọng bình đẳng của con người trong một xã hội đầy rẫy những bất công và phân biệt. Mở rộng ra, khát vọng bình đẳng đó không chỉ dừng lại ở phạm vi những người khác nhau trong xã hội, đặc biệt nhất đó là người phụ nữ mà còn là khát vọng phổ quát của nhân loại, của các dân tộc khác nhau trong thế giới này nhằm hướng tới một cuộc sống hòa bình và phát triển. Những giá trị đó đã khẳng định Nguyễn Du là một nhà tư tưởng lớn với những nhận thức mới mẻ đi trước thời đại.

Nguyễn Du sống vào cuối thế kỷ XVIII đầu XIX - một thời đại đầy biến động, các giá trị bị đảo lộn đặc biệt các giá trị đạo đức Nho giáo không còn thiêng liêng như trước đó. Các tầng lớp trong xã hội như nông dân, tiểu thủ công, tiểu thương đều đổ xô đi tìm kiếm chức tước thông qua thi cử, những đô thị bắt đầu xuất hiện trong lòng xã hội báo hiệu một nền kinh tế hàng hóa manh nha, từ đó hình thành nên tầng lớp thị dân với điểm tựa là ý thức hệ tư sản, khuynh hướng tiểu thị dân được hình thành bắt đầu chi phối đời sống xã hội. Nhận thức về “cái tôi”, ý thức được tư cách cá nhân của con người trong xã hội được hình thành dựa trên những nền tảng xã hội đó. Đây cũng là thời kỳ mà xã hội Việt Nam trải qua những cuộc chấn động mạnh mẽ với những cuộc khởi nghĩa nông dân liên tiếp thách thức và làm lung lay bức tường thành phong kiến vốn dĩ rất vững chắc tồn tại hàng ngàn năm; những niềm hi vọng lớn về xã hội cũng được này mầm trên mảnh đất hiện thực xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII. Tất cả những điều đó góp phần hình thành sự nhận thức về quyền con người trong đó có quyền về sự bình đẳng giữa những người khác nhau trong xã hội đặc biệt là nhận thức về sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới được hé lộ. Nguyễn Du với tâm hồn nhạy cảm của một nghệ sỹ lớn đã hòa lòng mình với những cảm xúc rất sâu sắc của những khát vọng và những nỗi đau thương của thời đại hình thành nên những tư tưởng mang đầy chất nhân văn sâu sắc đó. Và những khát vọng đầy nhân văn trong di cảo Nguyễn Du dù đã hơn hai trăm năm nhưng vẫn rất hiện đại bởi đó là những trăn trở mang tính nhân loại.

Để hiểu tư tưởng bình đẳng của Nguyễn Du, chúng tôi tiếp cận vấn đề từ khái niệm bình đẳng theo nghĩa hiện đại. Trong từ điển triết học, bình đẳng được hiểu là “khái niệm nói lên vị trí như nhau của con người trong xã hội, nhưng lại có một nội dung khác nhau trong những thời đại lịch sử khác nhau và ở những giai cấp khác nhau…Sự bình đẳng hoàn toàn chỉ được tạo ra dưới chủ nghĩa cộng sản. Nhưng sự bình đẳng của cộng sản chủ nghĩa không có nghĩa là một sự san bằng nào đó đối với tất cả mọi người, mà ngược lại, nó mở ra những khát vọng vô hạn cho mỗi người tự do phát triển những năng lực và nhu cầu của mình tương xứng với những phẩm chất và năng khiếu cá nhân”[1]. Tất cả con người ngoài những sự khác biệt đều có chung những đặc điểm của chủng loài đó là khả năng tư duy, tính cách, ý chí tự do, tinh thần trách nhiệm…và cũng chính những điểm này tạo nên giá trị riêng của mỗi cá nhân và tạo nên mẫu số chung về quyền của con người đó là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Và như vậy, bình đẳng ở đây là sự nhìn nhận về chính bản thân mỗi con người về khả năng tồn tại và phát triển của họ.

 Trong giai đoạn xã hội Việt Nam cuối thể kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, sự thức tỉnh của con người cá nhân để tự khẳng định mình bằng mọi cách mà trước hết là ở giá trị cá nhân trở thành một trào lưu. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những tư tưởng táo bạo về vấn đề nữ quyền trong thơ Hồ Xuân Hương hay sự khắc khoải đến ám ảnh về số phận và hạnh phúc tình yêu của người phụ nữ trong các sáng tác của Nguyễn Gia Thiều…Rõ ràng quan niệm về con người thần dân trong giai đoạn trước đã nhường chỗ cho con người cá nhân cùng với những nhận thức và khát vọng về quyền cá nhân con người được trỗi dậy. Đó cũng chính là sự phản ánh sự thay đổi của thực trạng xã hội, mặt khác nó chính là tất yếu của quá trình nhận thức con người khi con người quay trở về cái bản ngã của mình để tìm thấy điểm nương tựa giữa xã hội đầy rối ren đó.

Tư tưởng của Nguyễn Du kết tinh từ những yếu tố sâu sắc nhất trong tư tưởng truyền thống dân tộc Việt Nam, đồng thời kế thừa những giá trị của văn hóa Phương Đông như lòng hiếu sinh của Nho gia, quan niệm bình đẳng và đạo từ bi hỉ xả của Phật giáo…Tư tưởng bình đẳng của Nguyễn Du dù chưa thể đạt đến độ kết tinh của tư tưởng bình đẳng về chính trị, tuy nhiên đặt trong hoàn cảnh xã hội phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX rõ ràng nó đã góp tiếng nói quan trọng trong việc hướng tới xây dựng xã hội tốt đẹp trong đó con người được sống với những khát khao chân chính của mình.

Trong xã hội đầy biến động và khủng hoảng các giá trị, trong một nền văn minh phát triển với sự ý thức và khát vọng hòa bình, tự do và bình đẳng như hiện nay thì những tư tưởng của Nguyễn Du về con người và dân tộc càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Với hàng trăm bài thơ đủ các thể loại, người ta có thể tìm thấy ở Nguyễn Du những giá trị khác nhau trên nhiều chiều kích; tuy nhiên theo chúng tôi, điểm chung, cái tạo nên một Nguyễn Du sống mãi với hậu thế vẫn là những suy tư, dằn vặt và cả khát vọng mang tầm nhân loại; khát vọng để con người sống tốt hơn, khát vọng khẳng định tầm vóc của dân tộc mình. Và thực tế, với di sản và tư tưởng của ông; dân tộc Việt Nam đã được khẳng định, sức mạnh của tư tưởng Nguyễn Du là sức mạnh của văn hóa dân tộc, sức mạnh của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Cũng bởi thế, trong hoàn cảnh nào và trong không gian nào người ta cũng có thể trích dẫn sáng tác của Nguyễn Du đặc biệt là những hiện tượng lẫy Kiều, vận Kiều, bói Kiều; kể cả người Việt Nam và người nước ngoài. Năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam đã chọn 2 câu Kiều đầy ý nghĩa: Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân. Tháng 7/2015 phó tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu đón Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm đã nói đến quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ thông qua hai câu : Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời. Và mới đây nhất, kết thúc bài phát biểu trong chuyến công du sang Việt Nam của mình, tổng thống Mỹ Obama đã dẫn hai câu Kiều của Nguyễn Du nói về khát vọng cho tương lai Việt  - Mỹ, về hành trình mà hai nước cùng hướng tới: Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi.

Những khoảnh khắc đó là sự thừa nhận tầm vóc Nguyễn Du, tầm vóc Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trương Chính (giới thiệu) (1979), Thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB Văn học
  2. Nguyễn Du (2001), Niên phổ và tác phẩm, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội
  3. Nguyễn Du, (2015), Truyện Kiều (Đào Duy Anh khảo chứng), NXB Văn học
  4. Nguyễn Hữu Sơn (1997), Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục, HàNội.

 

[1] Từ điển triết học, NXB Tiến bộ Mastxcova (bản dịch ra tiếng Việt của Nxb Tiến bộ và NXB Sự thật), 1986