Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Công việc làm thêm – cánh cửa tiếp cận thực tiễn đối với sinh viên

Tác giả: Cẩm Hằng - Đăng ngày: .

Ngày nay, trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển nhanh cùng với sự nâng cao không ngừng của trình độ lao động thì đòi hỏi được đặt ra đối với mỗi sinh viên là không những phải tích cực học tập, thu thập kiến thức chuyên môn mà còn phải tăng cường trau dồi thêm vốn kiến thức xã hội và kỹ năng sống. Một trong những con đường mà nhiều sinh viên lựa chọn để hoàn thiện trình độ của bản thân đó chính là tìm kiếm cho mình một công việc làm thêm phù hợp.

Có thể hiểu việc làm thêm đối với sinh viên là sự tham gia vào các quan hệ lao động của sinh viên ngay khi vẫn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Hiện nay, việc làm thêm dành cho sinh viên rất đa dạng với nhiều lĩnh vực như gia sư, phục vụ quán cafe, phụ giúp ở quán ăn hay bán quần áo hay thậm chí là kinh doanh bán hàng qua mạng online… Thông thường, sinh viên học tập ở các thành phố lớn sẽ có nhiều cơ hội tìm hiểu, tiếp xúc và tìm kiếm việc làm thêm hơn các sinh viên đang học tập tại các tỉnh lẻ. Tìm kiếm công việc làm thêm là nhu cầu hết sức chính đáng của sinh viên. Bởi công việc làm thêm không chỉ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho gia đình mà hơn nữa, nó còn giúp cho sinh viên trau dồi thêm kỹ năng sống, học hỏi tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm hơn, có điều kiện áp dụng những kiến thức đang được học tại nhà trường vào thực tiễn công việc ,giúp sinh viên có sự định hướng nghề nghiệp đúng đắn, hình thành tư  duy chủ động trong việc giải quyết vấn đề, áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn…. Đây có thể sẽ là hành trang và là  nền tảng quý giá để sinh viên không bị bỡ ngỡ khi bước vào những môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn sau khi ra trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, việc làm thêm cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với sinh viên nếu như họ không biết phân bổ thời gian hợp lý giữa việc học là làm cũng như không tìm được môi trường làm việc thích hợp, lành mạnh. Quá tập trung vào công việc, có thể sẽ khiến sinh viên sao lãng việc học tập, tạo ra những lỗ hổng lớn trong kiến thức lý thuyết về chuyên môn sau này. Bên cạnh đó, bản thân sinh viên là những người chưa va chạm xã hội nhiều, nhận thức về xã hội còn hạn chế, do đó, rủi ro đối với họ có thể đến từ việc họ không lựa chọn được cho mình một công việc làm thêm lành mạnh, dễ bị lôi kéo, sao ngã.

Bởi tính hai mặt của vấn đề, mỗi sinh viên khi tìm kiếm công việc làm thêm cần phải cân nhắc, phân bổ hợp lý giữa thời gian đi làm và thời gian học, phải ưu tiên việc học lên hàng đầu. Cần tham khảo ý kiến của thầy cô, bạn bè hoặc những người có kinh nghiệm để lựa chọn được một công việc phù hợp với khả năng và điều kiện của mình.

Bản thân em hiện đang là một sinh viên ngành Luật tại Trường Đại học Hà Tĩnh, em luôn mong muốn tìm kiếm được một công việc làm thêm để có thể giúp em đỡ đần gia đình cũng như trau dồi thêm vốn kiến thức thực tế.Tuy nhiên, hiện nay, công việc làm thêm đối với sinh viên trên địa bàn Hà Tĩnh thường chỉ bó hẹp ở việc bán quần áo, phục vụ bàn tại các quán café hay quán ăn, những công việc này không thực sự tạo điều kiện cho chúng em áp dụng được kiến thức lý thuyết đã được học vào thực tiễn. Chính vì vậy em rất mong muốn nhà trường sẽ tạo điều kiện, thiết lập thêm các kênh thông tin về việc làm để giúp chúng em có điều kiện  tiếp xúc với những công việc gắn với chuyên môn, qua đó, trau dồi thêm những kỹ năng sống và kỹ năng làm việc quý báu để làm hành trang cho tương lai sau này.

Danh mục tài liệu tham khảo

http://kdtqt.duytan.edu.vn/Home/ArticleDetail/vn/33/338/sinh-vien-va-van-de-lam-them

http://www.oisp.hcmut.edu.vn/component/content/article.html?id=159:chuyen-hoc-va-chuyen-lam-cua-sinh-vien