Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Sự cần thiết xây dựng đạo đức mới cho phụ nữ Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay

Tác giả: GV. Bùi Thị Lợi - Khoa Lý Luận Chính Trị - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

Bất kỳ một giai cấp nào, sau khi đã giành được chính quyền đều tiến hành cải tạo mọi mặt của đời sống xã hội theo hướng có lợi cho giai cấp đó, giai cấp vô sản cũng vậy. Sau khi giành được chính quyền, giai cấp vô sản đã chi phối mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề đạo đức. Đạo đức của giai cấp vô sản - đạo đức mới từ khi được hình thành đến nay đã dần dần khẳng định địa vị thống trị của mình trong đời sống đạo đức xã hội và là vũ khí tinh thần của giai cấp vô sản trong quá trình xây dựng xã hội mới. Việc xây dựng đạo đức mới cho phụ nữ đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng xã hội XHCN Việt Nam hiện nay, bởi vì:

Thứ nhất, đạo đức mới vừa là mục tiêu, vừa là động lực để người phụ nữ hướng tới hoàn thiện nhân cách, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Đạo đức là cái gốc, là nền tảng của nhân cách. Muốn thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, bên cạnh phát triển năng lực, đòi hỏi người phụ nữ phải tu dưỡng, rèn luyện để có tình cảm đạo đức trong sáng, lối sống cao đẹp. Đây là cơ sở cho việc hoàn thiện nhân cách của mình, đáp ứng yêu cầu nguồn lực của công cuộc đổi mới hiện nay.

Thứ hai, xây dựng đạo đức mới cho người phụ nữ Việt Nam góp phần tích cực vào việc kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống; khắc phục những quan điểm đạo đức lạc hậu, phản tiến bộ những phản giá trị đạo đức do mặt trái của KTTT mang lại. Những giá trị đạo đức truyền thống được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử. Khi những giá trị ấy biến thành tình cảm, động lực, nó sẽ thúc đẩy con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách và vươn lên trong cuộc sống.

Thứ ba, xây dựng đạo đức mới góp phần hướng cho người phụ nữ vươn tới những giá trị nhân văn, nhân bản, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Trong hệ thống các giá trị tinh thần của dân tộc ta, đạo đức là một giá trị cốt lõi, còn trong xây dựng CNXH, đạo đức mới - đạo đức XHCN là giá trị nhân văn cao nhất mà con người có được. Bởi lẽ, đạo đức mới đề cao con người, đề cao phẩm giá con người, kích thích phát triển cái chất “người” trong mỗi con người. Xây dựng đạo đức mới cho người phụ nữ cũng nhằm mục đích cao cả đó. Đối với phụ nữ, đạo đức mới hướng cho việc thực hiện bình đẳng giới. Chính đạo đức mới là động lực hướng người phụ nữ từng bước thay đổi lối sống khép kín, cam chịu, phụ thuộc, ỷ lại, tự ti để chuyển sang một lối sống mới cởi mở, năng động, tự lập, dám nghĩ, dám làm phù hợp với xu thế thời đại.

Thứ tư, việc xây dựng đạo đức mới cho phụ nữ Việt Nam không chỉ xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, của KTTT mà còn xuất phát từ chính yêu cầu, nhiệm vụ của bản thân người phụ nữ. Phái nữ ngày nay, ngoài trách nhiệm truyền thống: người giữ tim lửa cho hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái, họ còn tham dự vào điều hành và quản lý xã hội. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước đã tạo nên và lưu giữ hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam: anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, thủy chung son sắc. Những phẩm chất đạo đức ấy chẳng những được quy định thành văn mà còn được tổng kết thành triết lý sống và thành phương châm ứng xử, chỉ dẫn hành động của nữ giới. Sự gìn giữ những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp ấy như là “tấm căn cước” của người phụ nữ Việt khi hội nhập vào thế giới.

Đặc biệt, phụ nữ Việt Nam còn biết phát huy, bổ sung thêm, làm phong phú hơn nội dung, phát triển các giá trị đạo đức truyền thống lên “một tầm cao mới” để phù hợp với bối cảnh của thời đại. Họ đang viết tiếp trang sử oanh liệt của Bà Trưng, Bà Triệu dưới thời đại mới và là những con người hiện đại nhưng không xa rời dân tộc. Họ đã khẳng định được giá trị, khả năng bằng sự nghiệp và tính vươn lên của bản thân. Khát vọng với sự nghiệp của người phụ nữ không đơn giản chỉ là thoát khỏi vòng cương tỏa gia đình mà hơn thế nữa còn là sự khẳng định vị trí, vai trò trong xã hội, được xã hội thừa nhận, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Trong những năm gần đây, cùng với những bước phát triển lớn lao về mọi mặt của đất nước, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu và hội nhập quốc tế thì đời sống đạo đức của người phụ nữ Việt Nam cũng có những thay đổi to lớn. Một mặt, nữ giới Việt đã chứng minh được vai trò, vị thế quan trọng và ngày càng cao trong đời sống hiện đại. Mặt khác, đạo đức của một bộ phận phụ nữ Việt đang có những biểu hiện xuống cấp, giá trị đạo đức bị xói mòn gây nhức nhối dư luận và ảnh hưởng tiêu cực, cản trở tới phát triển xã hội. Từ đây, đặt ra yêu cầu xây dựng đạo đức mới cho người phụ nữ Việt Nam là vấn đề cấp bách.

Như vậy, đổi mới, mở cửa, thời cơ, thuận lợi và khó khăn đan xen nhau. Đây là cuộc đấu tranh gay go phức tạp giữa cái tiến bộ với cái lạc hậu, giữa cái thiện với cái ác, giữa hai lối sống: sống có lý tưởng lành mạnh, trung thực, thủy chung với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám chạy theo đồng tiền. Đạo đức mới ở người phụ nữ vừa phải đấu tranh với các hệ thống đạo đức lạc hậu vừa phải đấu tranh tự đổi mới, tự khẳng định mình trong điều kiện mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Vũ Khiêu (chủ biên, 1974), Đạo đức mới, Nxb Khoa học xã hội.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.