Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Về chức năng thế giới quan và phương pháp luận của các khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật trong môn học giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông

Tác giả: ThS. Đào Thị Thúy - Khoa Lý Luận Chính Trị - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

Khái niệm, phạm trù, nguyên lí, quy luật là kết quả của hoạt động trừu tượng hóa, khái quát hóa của con người. Chúng là những điểm nút, những nấc thang của nhận thức về thế giới khách quan. Trong đó, chúng biểu thị những mặt, những thuộc tính quan trọng, bản chất, phổ biến, bền vững của các sự vật hiện tượng, là kết quả tổng kết những liên hệ và quan hệ bản chất của thế giới khách quan. Các khái niệm, phạm trù, nguyên lí, quy luật trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người.

Là một môn khoa học xã hội ở trường trung học phổ thông (THPT), môn giáo dục công dân (GDCD) có nội dung cơ bản là hệ thống các khái niệm phạm trù, nguyên lí, quy luật của lý luận Mác - Lênin, có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chúng là cơ sở để hình thành thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho học sinh.

Chức năng thế giới quan của các khái niệm, phạm trù, nguyên lí, quy luật trong môn GDCD được thể hiện ở chỗ, chúng là hệ thống các quan niệm của con người về thế giới. Trên cơ sở đó giúp con người xem xét, nhìn nhận đánh giá các sự vật, hiện tượng, đặc biệt là các quan hệ, cách ứng xử của con người đối với tự nhiên và đối với nhau trong xã hội. Các mối quan hệ và cách ứng xử đó phải được thực hiện sao cho mỗi người xác định được một cách đúng đắn vị trí, vai trò, nghĩa vụ của mình trong xã hội phù hợp với xu hướng vận động, phát triển của đất nước, của nhân loại tiến bộ; hình thành nên những giá trị nhân văn cao cả.

Chức năng thế giới quan của các khái niệm, phạm trù, nguyên lí, quy luật trong môn GDCD không tách rời với hình thành chức năng phương pháp luận của chúng. Việc hình thành một cách hệ thống  những tri thức khoa học để xem xét, nhìn nhận, đánh giá hiện thực khách quan luôn luôn đi liền với việc cải tạo biến đổi hiện thực khách quan ấy một cách có hiệu quả nhất, phù hợp nhất với sự phát triển của tự nhiên và xã hội. Cách thức, phương pháp hành động trong thực tiễn lối sống và cách ứng xử của con người công dân trong việc biến đổi, cải tạo hiện thực đúng hoặc sai phụ thuộc trước hết vào sự hiểu biết đúng đắn hoặc sai lầm của các khái niệm, phạm trù, nguyên lí, quy luật trong môn GDCD. Trình độ hiểu biết thấp hay nhận thức sai lầm phiến diện, không những dẫn đến những hành vi ứng xử không phù hợp trong cuộc sống mà còn hình thành nên những con người có nhân cách lệch lạc, méo mó. Ngược lại nếu có trình độ hiểu biết phong phú, sâu sắc và đúng đắn về các khái niệm, phạm trù, nguyên lí, quy luật trong các môn khoa học nói chung, môn GDCD nói riêng  sẽ giúp cho học sinh có cách thức luận giải đúng đắn về các sự vật hiện tượng và các mối quan hệ lẫn nhau giữa chúng, đặc biệt là mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và giữa con người với con người. Để từ đó đưa ra được cách thức, phương pháp xử lí phù hợp, có hiệu quả.

Như vậy, có thể khẳng định chức năng thế giới quan và chức năng phương pháp luận của các khái niệm, phạm trù, nguyên lí, quy luật được trình bày ở môn học GDCD có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau, bổ sung cho nhau trong việc nhận thức và cải tạo thế giới và trong sự hình thành nhân cách của người công dân trong xã hội Việt Nam hiện đại.

Tài liệu tham khảo

1. Vương Tất Đạt, Phương pháp giảng dạy giáo dục công dân (dùng cho PTTH), Nxb Đại học sư phạm Hà nội, 1994.

2. Đinh Văn Đức, Phương pháp dạy học môn GDCD ở trường trung học phổ thông, Nxb Đại học sư phạm, 2009

3. Bộ GD và ĐT, Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa    Mác - Lênin, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009.