Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Mô hình cấu trúc nhân cách con người của S.FREUD

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Bích Hằng - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

Sigmund Freud (1856-1939) là nhà khoa học mà tên tuổi của ông được đặt bên cạnh những tên tuổi vĩ đại khác như Acsimet, Galile, Isaac Niuton, Anbe Anhstanh. Công lao to lớn của Freud và cũng là cơ sở của học thuyết mang tên ông (được gọi là học thuyết Phân tâm - Psychoanalysis) là khám phá ra vô thức(unconscious)như một tầng tư duy nền tảng định hình và định hướng cho mọi hành vi của con người.

 Đánh giá về học thuyết Freud có nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau, thậm chí có ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, mọi người đều thừa nhận rằng, học thuyết Freud có tác động và ảnh hưởng sâu rộng đến rất nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau của thế giới ngày nay như tâm lý học, y học, triết học, xã hội học, tội phạm học, văn học nghệ thuật, tôn giáo, giáo dục...

Khám phá về vô thức của Freud được coi là một cuộc cách mạng trong nhận thức về bản chất hành vi con người, bởi trước đó, người ta vẫn đề cao ý thức và coi ý thức như phần tư duy chủ yếu của con người.

 Freud chia bộ máy tư duy của con người theo ba lát cắt khác nhau: Vô thức(unconscius), tiền ý thức (preconscius) và ý thức (conscius) [1]. Ý thức là phần tinh thần liên hệ trực tiếp với thế giới bên ngoài. Tiền ý thức là phần tinh thần đi ra từ vô thức nhưng chưa đến được ý thức và do đó chưa trở thành ý thức. Vô thứctách rời hẳn ý thức, nằm tầng sâu trong kết cấu tâm lý con người. Vô thức là nơi tàng trữ các bản năng, trong đó bản năng dục vọng là cốt lõi. Những bản năng này chất chứa những năng lượng tâm lý hết sức mãnh liệt, phục tùng nguyên tắc khoái lạc, luôn luôn hướng ra ngoài để tìm cách thể hiện, muốn tiến vào ý thức để được thoả mãn. Có thể coi bộ máy tư duy của con người như một tảng băng trôi, phần nổi  nhìn thấy được trên mặt nước là ý thức, chỉ chiếm một phần rất nhỏ của tảng băng; phần chìm dưới nước không nhìn thấy được chiếm phần vô cùng lớn của tảng băng là vô thức ; phần rất nhỏ nằm giáp danh giữa vô thức và ý thức và vẫn chìm dưới nước là tiền ý thức. Sơ đồ lát cắt của Freud đã xác định rõ vị trí và vai trò của vô thức, tiền ý thức, ý thức trong bộ máy tư duy con người.

Cho đến nay đã có rất nhiều học giả miêu tả mô hình cấu trúc nhân cách của Freud ở rất nhiều dạng khác nhau, trong đó, sơ đồ miêu tả của Giáo sư S. Anthony A.Walsh trường Đại học Tổng hợp Washington, Mỹ năm 2008 [3] là mạch lạc rõ ràng  nhất. Sơ đồ mô hình cấu trúc của Anthony A.Walsh thể hiện đầy đủ sâu sắc toàn bộ bản chất của các phạm trù mà Freud đã nêu ra trong học thuyết của mình (xem hình vẽ).

Trong sơ đồ lát cắt nêu trên, Freud cấu trúc bộ máy tư duy của con người gồm ba thành phần quan trọng là: cái ấy (id), cái tôi (ego), cái siêu tôi (superego).

 

- Cái ấy (id: Nằm hoàn toàn trong vô thức, theo cách mô tả trên thì nó là phần dưới nước của tảng băng trôi. Cái ấy là thành phần sinh học (biological component) của tư duy. Nó là bản năng tính dục, có ngay từ lúc mới sinh, chỉ năng lượng nguyên thủy của sự sống, Các hành động của nó đều dựa trên nguyên tắc khoái lạc (pleasure principle). Cái ấy tượng trưng cho phần vô thức và thể hiện sự chống đối xã hội của cá nhân. Theo Freud, phạm vi của cái ấy trong vô thức là phần nhân cách tối tăm, không thể đi đến được, nó rất mù quáng và độc ác. Mục đích độc nhất của nó là thỏa mãn các ham muốn bản năng và các khoái cảm trong con người mà không cần biết đến các hậu quả. Nói theo Thomas Mann thì “Nó không biết gì đến giá trị, thiện hay ác và cả đạo đức nữa”. (Jostein Gaarder - Những luận thuyết nổi tiếng thế giới NXB Grasset Paris) [4].

 - Cái tôi (Ego): Nằm ở  trên  cái ấy, bao hàm cả  ý thức, tiền ý thức và một phần vô thức, nó nằm ở phần nổi và một phần chìm của tảng băng trôi, cái tôi là thành phần tâm lý (psychological component) của bộ máy tư duy. Cái tôi, thể hiện cá tính tâm lý của mỗi con người. Cái tôi còn thể hiện trong hoạt động ý thức như tri giác, ngôn ngữ và những hoạt động trí tuệ cho phép kiểm soát kiềm chế hành vi cá nhân trong quan hệ với ngoại cảnh. Cái tôi có thể kìm nén xung đột của cái ấy và kiềm chế khoái lạc. Cái tôi nhận biết được thế giới xung quanh và nhận ra rằng phải kìm hãm những khuynh hướng sai lệch của cái tôi, để ngăn ngừa mọi xung đột với luật lệ xã hội. Như vậy, cái tôi vượt khỏi sự thống nhất sinh vật của thân xác để đạt tới một sự thống nhất cao hơn là sự tự chủ. Cái tôi tượng trưng cho phần ý thức và ý chí của cá nhân.

- Cái siêu tôi (superego): Nằm trong cả ba lát cắt vô thức, tiền ý thức và ý thức, nó nằm cả trong phần chìm và phần nổi của tảng băng trôi. Cái siêu tôi là thành phần xã hội (social component) của bộ máy tư duy Cái siêu tôi được xem là sự học hỏi của cá nhân về các giá trị và quy tắc xã hội. Nó được coi là mặt lương tâm, đạo đức của cá nhân và cái tôi lý tưởng (ego-ideal). Cái siêu tôi đấu tranh để cho các hành vi được hoàn thiện bằng cách xác định giá trị hành vi hoặc tỏ thái độ đối với hành vi là đúng hay sai. Cái siêu tôi chứa tất cả các tiêu chuẩn đạo đức tiếp nhận được từ cha mẹ và xã hội. Các siêu tôi buộc cái tôi phù hợp không chỉ về thực tế mà còn về lý tưởng của mình về đạo đức. Do đó, các siêu tôi khiến người ta cảm thấy tội lỗi khi họ đi ngược lại quy tắc của xã hội.

 Trong cái ấy,  phần nằm hoàn toàn trong vô thức, Freud còn nhìn thấu bản chất của nó và ông đã xác định được hai bản năng thúc đẩy cái ấy và cũng là thúc đẩy hành vi con người, đó là Eros và Thanatos [2].

 - Eros là thuật ngữ gốc Hy lạp được Freud sử dụng để biểu thị bản năng thúc đẩy cái ấy, id, ông gọi đó là bản năng sống (the instinct Eros). Eros theo nghĩa rộng là động lực để  duy trì và bảo tồn cuộc sống, là động lực cho cảm xúc của tình yêu, tình dục tích cực. Eros theo nghĩa hẹp là động lực hướng tới thỏa mãn các ham muốn dục vọng và sự sống còn, sâu xa hơn là ham ăn, ham uống, ham sắc dục, ham của cải vật chất, ham tiền bạc, ham danh lợi... Tất cả những ham muốn cho cuộc sống của con người đều do bản năng  Eros thúc đẩy.

Đối lập nhưng cũng rất gắn bó hữu cơ với bản năng sống Eroslà bản năng chết Thanatos.

 - Thanatos cũng là một thuật ngữ gốc Hy lạp được Freud sử dụng để chỉ trạng tháí “muốn hủy hoại” (death wish), ông gọi đó là bản năng chết (the instinct Thanatos). Thanatos là một trạng thái tâm lý tiêu cực như muốn đập phá, hủy hoại mọi thứ bất chấp cái chết để giải quyết những bế tắc, căng thẳng trong cuộc sống. Thói nghiện rượu, nghiện ma túy cũng đều do bản năng thanatos thúc đẩy. Sự biểu lộ ở mức độ thấp của Thanatos là tính tự ái, nóng giận, nổi khùng. Ở mức độ cao hơn là sự ghen tức, đố kị dẫn tới hãm hại lẫn nhau. Mức độ tột cùng của Thanatoslà thù oán, giận dữ, muốn chém giết đồng loại như một thứ bản năng dã thú hay bản năng súc vật. Trong rất nhiều trường hợp bản năng Eros là tiền đề, là động lực cho bản năng Thanatos. Sự ham muốn, sự đòi hỏi quá mức của Eros sẽ thúc đẩy và dẫn tới sự giành giật và hành động chém giết, cướp của, hiếp dâm của bản năngThanatos. Cả hai bản năng  Eros và Thanatos không chỉ tồn tại trong một cá thể, mà nó có thể tồn tại ngay cả trong một cộng đồng xã hội, tạo nên một xu thế sống trong cộng đồng. Điều đó nói lên mức độ cực kỳ nguy hiểm của những hành vi tiêu cực xuất phát từ hai bản năng trên đối với xã hội.

Eros và Thanatos đều nằm trong thành phần cái ấy,  nó là những xung lực thúc đẩy cái ấy rồi chuyền lên cái tôi, điều khiển cái tôi ở phần bộc lộ ra bên ngoài của tư duy và đưa con người tới hành động.

Từ các phạm trù vô thức, tiền ý thức, ý thức, cái ấy, cái tôi, cái siêu tôi, eros và thanatos trong mô hình lát cắt bộ máy tư duy con người của Freud, chúng ta có thể lý giải được rất nhiều nguồn gốc, bản chất sâu xa và động cơ dẫn đến hành vi của con người.                                

                                             TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Phạm Minh Hạc, Học thuyết và tâm lý học Sigmund Freud, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2013,tr 153.

[2]. Nguyễn Thị Bích Hằng, Đi tìm những nét tương đồng trong tư duy ở một số luận điểm của Freud và Marx. Báo cáo tại Hội thảo Quốc tế : Triết học Áo và ý nghĩa hiện thời của nó (Austrian philosophy and its relevance to day), Hà Nội 16 tháng 11 năm 2012.

[3].Anthony A.Walsh, Letures  for Freud¢s model of personality structure.  Trường Đại học Tổng hợp Washington (2008).

[4]. S.Freud,Phân tâm học nhập môn, Nguyễn Xuân Hiến dịch, Nxb.Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr 205.