Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Rèn luyện một số kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông

Tác giả: ThS. Đào Thị Thúy. - Đăng trong mục: Giới thiệu

Để hoạt động rèn luyện kỹ năng sư phạm (KNSP) cho sinh viên theo đúng Thông tư số 30/2009/TT – BGDĐT ngày 20 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuẩn nghề nghiệp của người giáo viên Trung học, trong các năm học thứ ba và thứ tư sinh viên phải đến các trường THPT để tiến hành thực tập sư phạm, đây là công tác được tiến hành đều đặn theo kế hoạch đã định sẵn.

1.Rèn luyện kỹ năng thực hành sư phạm theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên Trung học

Thứ nhất, cơ sở đào tạo phải phối hợp chặt chẽ với cơ sở thực tập (trường phổ thông) để xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch thực tập sư phạm đáp ứng với tiêu chuẩn của một người giáo viên mà thực tiễn đòi hỏi, chính việc gắn kết này sẽ giúp sinh viên có điều kiện trải nghiệm thực tế trong giảng dạy và giáo dục ở trường phổ thông. Về công tác giảng dạy: sinh viên phải đọc kỹ nội dung trong sách giáo khoa, tập soạn giáo án khi đi dự giờ của giáo viên THPT. Sau khi dự giờ phải tiến hành tổ chức rút kinh nghiệm theo nhóm. Mỗi sinh viên dự giờ ít nhất là 10 tiết, trong đó dự giờ từ 2 đến 3 tiết dạy mẫu của giáo viên dạy giỏi. Soạn 5 giáo án và tập giảng dưới sự chỉ đạo của giáo viên hướng dẫn, sau mỗi giờ tập giảng có rút kinh nghiệm. Lên lớp dạy 2 tiết trong số 5 tiết đã tập giảng và được giáo viên hướng dẫn phê duyệt. Về công tác giáo dục, sinh viên lập kế hoạch công tác chủ nhiệm, với các công việc như: nhận bàn giao lớp chủ nhiệm, tìm hiểu đối tượng học sinh, có ít nhất 1 buổi đi thăm gia đình phụ huynh học sinh nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt. Giúp đỡ học sinh trên lớp, ở nhà, vui chơi, rèn luyện sức khỏe, hoạt động xã hội. Hướng dẫn chi đoàn sinh hoạt tập thể, tham quan, cắm trại, thực hiện tuyên truyền kỷ niệm về các ngày lế lớn có ý nghĩa như: ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, ngày Quốc tế phụ nữ.

 

Thứ hai, cơ sở thực tập, tiếp nhận, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sinh viên đến thực tập, bố trí giáo viên có năng lực và kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và giáo dục để hướng dẫn sinh viên, giúp các em được trải nghiệm thực tế về công tác rèn luyện KNNN có hiệu quả. Trong thời gian thực tập, sinh viên không chỉ dự giờ của giáo viên hướng dẫn mình mà phải dự giờ các giáo viên khác cùng bộ môn để có thêm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và giáo dục học sinh THPT.

 

Thứ ba, giữa giảng viên Đại học và giáo viên THPT cần có những phương thức hợp tác với nhau để cùng thực hiện nhiệm vụ chung trong công tác tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và đánh giá kết quả thực tập của giáo sinh. Giáo viên trường THPT có thể tham gia giảng dạy một số nội dung trong học phần Phương pháp dạy học bộ môn như: kỹ năng nắm bắt chương trình và lập kế hoạch dạy học và một số yêu cầu cơ bản khi thực hiện hình thức lên lớp; thực hiện các hoạt động khác như báo cáo chuyên đề, giới thiệu về chương trình phổ thông theo môn phụ trách. Giảng viên Đại học (nhất là giảng viên Bộ môn Tâm lí giáo dục và giảng viên phụ trách môn phương pháp giảng dạy) cần nghiên cứu kỹ bối cảnh dạy học ở trường phổ thông hiện nay, giúp sinh viên triển khai nghiên cứu, phân tích chương trình, sách giáo khoa môn học phụ trách hiện hành; tăng cường thực hành các kỹ năng như: kỹ năng tổ chức, quản lí dạy học, kỹ năng của một giờ lên lớp, kỹ năng lựa chọn ngôn ngữ, đặt câu hỏi, đưa ra các tình huống điển hình trong thực tiễn phổ thông vào bải giảng, kỹ năng giáo dục tích hợp trong các giờ lý thuyết, gắn lý thuyết với thực hành.

 

Có thể nói, rèn luyện KNNN cho sinh viên sư phạm được phát huy hiệu quả nhất là khi sinh viên được thực hành, được vận dụng lí thuyết vào trong thực tiễn, được tạo điều kiện tốt nhất trong sự phối hợp của cơ sở đào tạo và cơ sở thực tập, của giảng viên đại học với giáo viên phổ thông, để các em sớm bộc lộ được khả năng của mình về mọi mặt từ phẩm chất đạo đức, tri thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, là con đường dẫn tới sự thành công trong sự nghiệp dạy học bộ môn và đáp ứng đúng Chuẩn nghề nghiệp của người giáo viên Trung học.

 

2.Rèn luyện kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo yêu cầu môn học

 

  Hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa là sự tiếp nối và thống nhất hữu cơ với hoạt động dạy học trong giờ chính khóa, hình thức này được tiến hành ngoài phòng học và giờ học nhưng vẫn thuộc vào chương trình môn học. Đặc trưng cơ bản của hình thức dạy học này là giúp sinh viên thâm nhập thực tế cuộc sống bằng việc quan sát thực tiễn để rút ra những bài học cần thiết, củng cố tri thức, tăng thêm niềm tin vào kiến thức khoa học của bộ môn. Ngoài ra hình thức dạy học này còn giúp sinh viên biết rèn luyện các phẩm chất tư duy quan sát, tìm tòi, phân tích, so sánh, tổng hợp các dữ kiện và rút ra kết luận từ sự khái quát thực tế. Bởi sự hỗ trợ với hình thức ngoài giờ chính khóa sẽ giúp người học thấy được môn học phong phú, sinh động, hấp dẫn, từ đó quá trình dạy học bộ môn có thêm cơ hội để đáp ứng và hoàn thành được mục tiêu đào tạo.

 

Chẳng hạn, với hình thức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá trong dạy học bộ môn GDCD ở trường THPT cần được thực hiện thông qua các nội dung như: tham quan, học tập, nghiên cứu thực tế xã hội; tập hợp, sưu tầm, triển lãm và đánh giá những tư liệu dạy học; thi tìm hiểu về các vấn đề mà xã hội đang quan tâm như: bảo vệ môi trường, chính sách dân số, việc làm, các văn bản pháp luật; tìm hiểu về các tệ nạn xã hội; vấn đề chấp hành pháp luật an toàn giao thông; tham gia diễn đàn, buổi hội nghị, buổi nói chuyện thời sự, chuyên đề có nội dung phù hợp với môn học.

 

Khi thực hiện hình thức hoạt động ngoài giờ chính khóa cho người học với chủ đề tìm hiểu về vấn đề bảo vệ môi trường. Giáo viên cần tiến hành theo trình tự các bước sau:

Đưa ra chủ đề ngoại khóa

 

Chỉ ra mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, thái độ của chủ đề ngoại khóa

 

Nội dung tiến hành ngoại khóa: Giáo viên cho người học tìm hiểu sơ lược về chủ đề ngoại khóa, với các nội dung: Khái quát chung về tình hình tài nguyên, môi trường; chỉ rõ tác hại về các nguy cơ của việc khai thác, sử dụng không hợp lí tài nguyên, môi trường; phân tích nguyên nhân, hậu quả; trên cơ sở đó đề xuất biện pháp khắc phục và đề xuất hướng giải quyết có hiệu quả nhất.  Yêu cầu người học làm bản báo cáo thu hoạch. Kết thúc thời gian ngoại khóa, giáo viên yêu cầu người học thuyết trình bài báo cáo trước tập thể lớp học, các thành viên trong nhóm, lớp phản biện, bổ sung, đóng góp ý kiến vào bản thuyết trình. Giáo viên nhận xét, đánh giá và công bố kết quả sản phẩm của người học.

 

Như vậy, hoạt động ngoài giờ chính khóa được tổ chức không chỉ đơn thuần để hỗ trợ nội dung chương trình chính khóa mà còn nhằm mục đích rèn luyện các kỹ năng cơ bản, quan trọng giúp SV tự tin trong thuyết trình, làm việc theo nhóm, quản lí, xử lí tình huống, giải quyết vấn đề, giao tiếp và tạo ra các mối quan hệ tương tác khác. Qua đó sinh viên sẽ trưởng thành hơn, biết vận dụng có hiệu quả hơn các kỹ năng vào trong học tập, cuộc sống và công việc tương lai.

 

3. Kết luận

Rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm là một nội dung vô cùng quan trọng trong công tác đào tạo giáo viên của các trường Đại học hiện nay. Nhờ rèn luyện KNNN sinh viên sẽ được tiếp thu kiến thức một cách trọn vẹn (cả lí thuyết lẫn thực hành) nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Qua đó, sinh viên sẽ ý thức được nghề mình đã chọn và có quyết tâm không ngừng tự hoàn thiện bản thân để trở thành người giáo viên giỏi. Với sự nỗ lực học nghề của sinh viên, sự tích cực hướng dẫn rèn nghề của giáo viên, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với cơ sở thực hành giáo dục phổ thông - là những giải pháp hữu hiệu nhất, giúp tất cả sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường không chỉ giỏi về tri thức chuyên môn mà còn thành thạo trong thực hành KNNN, thích ứng được mọi hoàn cảnh về khả năng làm việc ngày càng cao và đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong giai đoạn hiện nay./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Vũ Đình Bảy, Đặng Xuân Điều, Nguyễn Thành Minh, Phương pháp dạy học môn GDCD ở trường trung học phổ thông, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2010.

 [2]. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hướng dẫn áp dụng chuẩn nghề nghiệp GV Trung học vào đánh giá GV, NXB Đại học sư phạm, 2009.

[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

 [4]. Bộ GD& ĐT, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các trường, khoa sư phạm với các trường Phổ thông và Mầm non trong công tác đào tạo, bối dưỡng giáo viên chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục sau năm 2015. Thái nguyên, 2013.

 [5] Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Kỷ yếu hội thảo quốc tế, Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm, Nxb Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh, 2017.