Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Sự cần thiết của việc nâng cao ý thức văn hóa chính trị cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay

Tác giả: ThS. Đào Thị Thúy. - Đăng trong mục: Giới thiệu

Sinh viên là nguồn lực quan trọng của đất nước bổ sung vào nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội trong tương lai, là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.


Việc nâng cao ý thức văn hóa chính trị cho sinh viên theo những chuẩn mực phù hợp với mục tiêu chung của giáo dục, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện hướng đến chân – thiện mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

  1. Khái niệm văn hóa chính trị

Văn hóa chính trị rất cần thiết và có ảnh hưởng to lớn đối với hoạt động chính trị của mỗi người, của chủ thể cầm quyền cũng như đông đảo quần chúng trong xã hội. Trong công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, muốn cho văn hóa thực sự phát huy vai trò là động lực và mục tiêu của sự phát triển xã hội thì văn hóa chính trị phải trở thành một bộ phận trọng yếu trong chiến lược văn hóa. Như vậy “Văn hóa chính trị là một loại hình văn hóa, là một phương diện hợp thành của văn hóa trong xã hội có giai cấp và nhà nước. Văn hóa chính trị nói lên phẩm chất đạo đức, lối sống và nhân cách của con người trong hoạt động và ứng xử chính trị” [5]

 

  1. Ý thức văn hóa chính trị của sinh viên

“Sinh viên là bộ phận đặc thù trong cơ cấu - giai cấp xã hội, có đặc điểm về tâm lý xã hội riêng biệt, nên ý thức văn hóa chính trị của sinh viên cũng có đặc trưng riêng, nhưng nó không tách rời ý thức văn hóa chính trị chung của giai cấp, dân tộc. Nó phản ánh đời sống chính trị - xã hội Việt Nam hiện nay” [3]

 

 Có thể khẳng định, ý thức văn hóa chính trị của sinh viên là sự hiểu biết về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Đó là lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thái độ quan tâm đến chính trị, các hoạt động chính trị, sự hiểu biết về nhu cầu, lợi ích chính trị trên cơ sở đó biến thành niềm tin, tình cảm và trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp đổi mới đất nước.

 

  1. Các yếu tố tác động đến ý thức văn hóa chính trị của sinh viên

Trong tình hình thế giới hiện nay, các thế lực thù địch luôn tìm cách phá hoại thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa tư tưởng, nhằm mục đích làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm băng hoại các giá trị đạo đức, lối sống của nhân dân. Đối tượng trực tiếp là thế hệ thanh niên, trong đó có sinh viên – những chủ nhân tương lai của đất nước. Có một bộ phận nhỏ thanh niên, sinh viên có biểu hiện lối sống thực dụng, buông thả bản thân, thiếu lý tưởng, niềm tin, ít quan tâm đến tình hình chính trị của đất nước; không chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; tiếp thu thiếu chọn lọc văn hóa từ bên ngoài.

 

Trước những diễn biến chính trị tư tưởng và những vấn đề tiêu cực đó trong thanh niên, sinh viên đã gây nên sự lo lắng cho gia đình và xã hội. Do vậy, việc nâng cao ý thức văn hóa chính trị cho sinh viên là yêu cầu cấp thiết, góp phần hình thành lớp thanh niên, sinh viên vừa “hồng” vừa “chuyên” có bản lĩnh chính trị vững vàng để đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Đánh giá về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và những hậu quả gây ra” [2].

 

  1. Giải pháp góp phần nâng cao ý thức văn hóa chính trị cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay

Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng bằng việc chú trọng đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Tăng cường công tác rèn luyện chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống cho sinh viên qua “Tuần sinh hoạt công dân - HSSV”

 

Tăng cường vai trò hoạt động của Đoàn Thanh niên, phòng Công tác học sinh- sinh viên và các tổ chức chính trị, xã hội trong nhà trường

 

Nâng cao ý thức văn hóa chính trị cho sinh viên bằng việc yêu cầu thực hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử về văn hóa học đường

 

Tóm lại: Việc nâng cao ý thức văn hóa chính trị cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, các trường Đại học cần phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần được quan tâm hàng đầu trong quá trình đào tạo sinh viên. Vì vậy, ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn vững chắc, thì việc giáo dục để nâng cao ý thức văn hóa chính trị và khắc phục những hạn chế của ý thức văn hóa chính trị cho sinh viên là yếu tố không thể thiếu trong công tác đào tạo và rèn luyện. Tuy nhiên để nâng cao ý thức văn hóa chính trị cho sinh viên có hiệu quả, nhà trường cần có những quy định, chính sách và kế hoạch cụ thể, đồng thời phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống cho sinh viên trong tình hình mới./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[2].https://www.moha.gov.vn/nghi-quyet-tw4/van-ban-chi-dao/toan-van-nghi-quyet-trung-uong-4-khoa-xii-38020.html

[3]. Kỷ yếu kỷ niệm 35 năm thành lập trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (1982-2017).

[4]. Huỳnh Khánh Vinh (chủ biên) (2001), Một số vấn đề về lối sống, đạo đức, chuẩn
giá trị xã hội, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[5]. PGS, TS Nguyễn Văn Vĩnh (chủ biên) và tập thể tác giả (2011), Tập bài giảng Chính trị học, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội.