Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2019: Tiếp đà bứt lên

Tác giả: Phạm Huy Thông. - Đăng trong mục: Giới thiệu

Kinh tế Việt Nam năm 2018 đã xác lập được nhiều con số ấn tượng, và đây chính là cơ sở để người dân tin rằng năm 2019, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá.


1. Ấn tượng, tự hào, tích cực, kỳ tích, cao nhất là những từ được sử dụng nhiều để nói về kinh tế Việt Nam trong năm 2018. Theo số liệu của Tổng cụ Thống kê, năm vừa qua, GDP tăng trưởng 7,08%; xuất khẩu đạt 245 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 482 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt gần 2.600 USD.

Ý nghĩa hơn nữa là cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nông nghiệp tăng trưởng 3,76%. Con số này tuy thấp, nhưng so với mức tăng trưởng âm của nông nghiệp cách đây hơn 2 năm thì đây lại là một con số hết sức đáng tự hào trong bối cảnh nền kinh tế nông nghiệp của nước ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

So với nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục có mức tăng trưởng rất cao, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo với con số gần 13%. Đối với ngành dịch vụ, con số tăng trưởng cũng rất ấn tượng, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng gần 12%, du lịch, lữ hành tăng trên 10%. Trong năm 2018, Việt Nam đón hơn 15,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam du lịch, cao hơn so với năm 2017 tới 2,6 triệu lượt khách, phục vụ hơn 80 triệu lượt khách trong nước. Tổng thu từ ngành du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nông nghiệp phục hồi, công nghiệp tăng nhanh, dịch vụ khởi sắc, nên không quá bất ngờ khi GDP năm 2018 tăng trưởng tới 7,08%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

2. Kinh tế phát triển kéo theo các lĩnh vực khác phát triển, tạo niềm tin lớn nơi người dân về các quyết sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ. Thế nên, năm 2018, người dân từ miền ngược tới miền xuôi, từ Nam chí Bắc đã được hưởng rất nhiều niềm vui, trong đó phải kể đến niềm vui bóng đá.

Chỉ trong vòng 1 năm, Việt Nam trở thành tâm điểm của bóng đá Châu lục, với chức á quân giải U23 Châu Á, vô địch AFF Cup, đi tới vòng Tứ kết Asian Cup 2019. Người dân hân hoan đổ ra đường ăn mừng, lá cờ sao vàng tung bay khắp phố phường. Thế nên, không quá lời khi nói rằng sự thành công của bóng đá trong năm qua là một trong những biểu hiện rõ nét của thế nước đang lên.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, niềm tin ngày càng vững chắc và lan tỏa. Đầu xuân Kỷ Hợi năm 2019, trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Donald Trump chính thức thông báo Việt Nam là địa điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Mỹ và Triều Tiên.

Một lần nữa Việt Nam lại trở thành tâm điểm của thế giới. Nhiều hãng thông tấn lớn, tờ báo nổi tiếng trên toàn cầu đều đưa ra những lý giải vì sao Việt Nam lại là nơi được lựa chọn để Mỹ và Triều Tiên tìm kiếm các giải pháp hòa bình.

Tựu chung lại, Việt Nam được lựa chọn vì có môi trường chính trị ổn định, có nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức các Hội nghị mang tầm quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam còn mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với nhiều nước trên thế giới. Quan trọng hơn nữa, Việt Nam hiện đang là điểm sáng về phát triển kinh tế mà Triều Tiên có thể tham khảo và học hỏi.

3. Việt Nam đã có một năm 2018 thực sự ấn tượng. Tuy nhiên, như lời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, càng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế” [1]. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế” [2].

Năm 2019, bên cạnh những thuận lợi, sẽ có nhiều thách thức đối với Việt Nam. Trong nước, môi trường kinh doanh còn vẫn còn không ít rào cản, GDP bình quân đầu người chưa thực sự cao, thiên tai diễn biến thất thường.

Trên bình diện quốc tế, tình hình kinh tế, chính trị diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nước Anh chuẩn bị rời khỏi Liên minh Châu Âu, thị trường dầu mỏ sẽ có biến động, chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại. Đây sẽ là những nhân tố tác động đến tình hình kinh tế chính trị Việt Nam trong năm Kỷ Hợi.

Tuy nhiên, với phương châm hành động của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy những gì đã đạt được trong năm 2018, đồng thời vượt khó tìm kiếm thêm những cơ hội mới để bứt phá lên trong năm 2019.

Ngay trong Lễ đánh cồng phiên giao dịch chứng khoán đầu Xuân Kỷ Hợi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hầu hết các chuyên gia, các tổ chức kinh tế quốc tế và trong nước đều đưa ra những dự báo tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy kinh tế 2019 đạt mức tăng trưởng 7%.

Để đạt được con số tăng trưởng 7% này, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực hành động một cách quyết liệt từ Trung ương đến địa phương và từng người dân. Nhưng với niềm tin và khí thế đầu Xuân, chắc chắn Việt Nam sẽ có một năm 2019 bứt phá ngoạn mục, hướng đến thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tài liệu tham khảo

[1].Toàn văn phát biểu nhậm chức của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

https://news.zing.vn/toan-van-phat-bieu-nham-chuc-cua-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-post886708.html

[2]. “Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.

https://tuoitre.vn/chinh-phu-se-khong-bao-gio-cho-phep-ngu-quen-tren-vong-nguyet-que-20181228092211748.htm

[3]. IMF cảnh báo nguy cơ xuất hiện cơn bão kinh tế toàn cầu.

https://www.msn.com/vi-vn/money/news/imf-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-nguy-c%C6%A1-xu%E1%BA%A5t-hi%E1%BB%87n-c%C6%A1n-b%C3%A3o-kinh-t%E1%BA%BF-to%C3%A0n-c%E1%BA%A7u/ar-BBTqIeI

[4]. Tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2018.

https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=382&idmid=2&ItemID=19041