Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Giảng dạy lồng ghép các giá trị sống qua môn Giáo dục công dân 10

Tác giả: ThS. Phạm Thị Thanh Huyền. - Đăng trong mục: Giới thiệu

Hiện nay ở lứa tuổi học sinh thường xẩy ra tình trạng có nhiều hành vi ứng xử sai lệch chuẩn mực đạo đức xã hội mà người ta thường gọi nó là vô cảm. Nhiều học sinh thành tích học tập rất tốt, nhưng kĩ năng sống rất thấp thể hiện khi giao tiếp, tham gia các hoạt động xã hội, ứng phó với những thử thách… Với cuộc cách mạng 4.0, sự bùng nổ thông tin, nhất là game online - ảnh hưởng bởi các trò chơi mang tính bạo lực dẫn tới tình trạng bạo lực học đường gia tăng. Không những thế trong các nhà trường phổ thông tình trạng học sinh hút thuốc lá, uống r­ượu, nghiện game, chat... xẩy ra rất nhiều, trong khi không phải các em không ý thức đư­ợc sự nguy hại của những vấn đề đó. Nhiều khi các em tham gia chỉ vì đua đòi, có khi không đủ  khả năng để từ chối. Ngoài ra còn nhiều hiện tượng khác như: bỏ học, vi phạm pháp luật ( giao thông, ma túy, mất trật tự công cộng…) gia tăng ở lứa tuổi học sinh.


Tại trường trung học hiện nay, việc giảng dạy giá trị sống và kỹ năng sống mới được đưa vào một số các chuyên đề ngoại khóa, hay các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nhưng số lần thực hiện còn quá ít. Việc vận dụng giảng dạy lồng ghép qua các bộ môn văn hóa có liên quan như Văn học, Sinh học, giáo dục công dân cũng còn hạn chế… Để góp phần thay đổi hiện trạng trên, việc vận dụng giảng dạy giá trị sống và kỹ năng sống nhằm nâng cao kỹ năng sống cho học sinh qua môn giáo dục công dân là cần thiết.

Theo từ điển Tiếng Việt giải nghĩa: Giá trị là cái dựa vào đó để xem xét một con người đáng quý đến mức nào về mặt đạo đức, trí tuệ, nghề nghiệp, tài năng. Giá trị cũng là những quan niệm và thực tại về cái đẹp, sự thật, điều thiện của một xã hội.

Giá trị sống (hay còn gọi là “giá trị cuộc sống”) là những điều mà một con người cho là tốt, là quan trọng, phải có cho bằng được và vì thế giá trị sống chi phối hành vi hướng thiện của con người.

Giá trị sống được hình thành trong quá trình phát triển của mỗi cá nhân, nhưng giai đoạn hình thành giá trị sống tốt nhất chính là từ 12 đến 18 tuổi. Môm học Giáo dục công dân phổ thông cũng chính là góp một phần không nhỏ vào việc hình thành giá trị sống ở mỗi học sinh, lồng ghép các giá trị sống trong quá trình giảng dạy sẽ giúp học sinh định hướng giá trị nhân cách cho chính mình.

Trong 12 giá trị sống, chúng ta có thể lòng ghép giảng dạy các giá trị sống như:

Tôn trọng: trước hết là sự tự trọng – là biết giá trị của mình, sau đó là lắng nghe người khác, là biết người khác có giá trị như tôi

Hợp tác: là khi mọi người biết làm việc chung với nhau, cùng hướng về một mục tiêu chung. Hợp tác phải được sự chỉ đạo của nguyên tắc về sự tôn trọng lẫn nhau, quan tâm và sẻ chia với nhau

Trách nhiệm là tạo sự tin cậy và tín nhiệm với mọi người xung quang, góp phần mình vào công việc chung, thực hiện nhiệm vụ bởi lòng trung thực.

Trung thực là nói sự thật, không có mâu thuẫn hoặc thiếu nhất quán trong suy nghĩ, lời nói và hành động.

Hạnh phúc là trạng thái bình an của tâm hồn khiến con người không có những thay đổi đột ngột hay bạo lực; tâm hồn tràn ngập niềm vui, hy vọng và ước mong điều tốt lành cho mọi người

Đoàn kết là sự hòa thuận, hợp tác ở trong và ở giữa các cá nhân trong một nhóm, một tập thể.

Những giá trị này được lồng ghép vào giảng dạy phần 2 công dân với đạo đức thuộc chương trình giáo dục công dân lớp 10 giúp nâng cao kỹ năng sống và hình thành giá trị sống cho học sinh. Các bài được lồng ghép là:

Bài 11: Các phạm trù cơ bản của đạo đức học;

Bài 13: Công dân với cộng đồng;

Bài 14: Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sử dụng các giá trị này thay cho các nội dung, phương pháp giảng dạy thông thường, đưa ra các bảng hỏi, câu chuyện, bản nhạc, đánh thức giá trị bản thân, lắng lại cảm xúc, trải nghiệm, tìm hiểu nội tâm…. bằng các hệ thống thang, bảng kiểm quan sát đánh giá, hình thành giá trị sống, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh. Góp phần hoàn thiện nhân cách sống và lối sống lành mạnh cho học sinh.

Mục đích của việc lồng ghép giảng dạy các giá trị sống này nhằm: giúp học sinh suy ngẫm về các giá trị sống và tác động thực tế của việc thể hiện những giá trị này với chính mình, với người khác, với cộng đồng. Đào sâu hiểu biết, tạo động cơ và tinh thần trách nhiệm cho học sinh trong những lựa chọn mang tính cá nhân và xã hội theo hướng tích cực. [1,18]

Việc vận dụng giảng dạy giá trị sống và kỹ năng sống vào giảng dạy các bài số 11, 13 và 14 – môn giáo dục công dân lớp 10 thay thế cho bài giảng bình thường đã nâng cao nhận thức về giá trị sống và kỹ năng sống cho học sinh.

Đề thực hiện tốt hơn nữa việc lồng ghép các giá trị sống trong giảng dạy giáo dục công dân ở trường phổ thông cần:

1. Đối với lãnh đạo trường: Cần quan tâm triển khai đào tạo lớp bồi dưỡng giá trị sống và kỹ năng sống cho toàn giáo viên đặc biệt là hệ thống Giáo viên làm công tác chủ nhiệm; Trang bị hệ thống âm thanh, băng đĩa tư liệu, câu chuyện về giá trị sống cho các lứa tuổi, đặc biệt là cho tuổi trẻ.

2. Đối với giáo viên: Không ngừng trau dồi, bồi dưỡng những tình cảm đẹp, bồi dưỡng rèn luyện kỹ năng sống

         

Tài liệu tham khảo

  1. Diane Tillman (2012), Những giá trị sống cho tuổi trẻ, Nhà xuất bản tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
  2. Nguyễn Công Khanh (2012), Giáo dục giá trị sống và rèn luyện kĩ năng sống, NXB Hà Nội.
  3. Sách giáo khoa (2016), Giáo dục công dân 10, Nxb Giáo dục.
  4. Tài liệu tập huấn:

          + Giáo dục giá trị và kỹ năng sống cho học sinh phổ thông – Năm 2010 -  Bộ Giáo dục và đào tạo.

          + Bài giảng lồng ghép giảng dạy giá trị sống và kỹ năng sống vào bộ môn GDCD – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam