Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Vấn đề tăng cường QPAN trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH

Tác giả: CN. Phạm Thị Thanh Huyền - Khoa Lý luận chính trị - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

VÁN ĐỀ TĂNG CƯỜNG QUỐC PHÒNG AN NINH TRONG CƯƠNG LĨNH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

(Bổ sung, phát triển năm 2011)

Quốc phòng an ninh là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong quá trình đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi tình hình thế giới, tình hình khu vực có nhiều biến động phức tạp, sự tranh chấp diễn ra trên biển Đông ngày càng gay gắt đòi hỏi cần phải tăng cường hơn nữa công tác quốc phòng an ninh. Chủ trương của Đảng về vấn đề này thể hiện rất rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)

Về mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng an ninh, Cương lĩnh đã nêu rõ: “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hoà bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lưc thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”.

Cương lĩnh đã xác định lực lượng thực hiện nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là toàn Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Để có được lực lượng nòng cốt đủ mạnh thực hiện tốt nhiệm vụ tăng cường quốc phòng an ninh cần phải xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu. Xây dựng Quân đội nhân dân với số quân thường trực hợp lý, có sức chiến đấu cao; lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp. Xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh toàn diện; kết hợp lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách, các cơ quan bảo vệ pháp luật với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chăm lo nâng cao phẩm chất cách mạng, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong điều kiện mới. Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang được trang bị kỹ thuật từng bước hiện đại. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phát triển đường lối, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân và lý luận, khoa học an ninh nhân dân.

Trong xu thế toàn cầu hóa, đối với lĩnh vực quốc phòng an ninh, trong Cương lĩnh Đảng ta đã chủ trương: “chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh”. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc thu hút được nhiều ơn nữa sự đồng thuận của bạn bè quốc tế về quan điểm thực hiện chiến lược quốc phòng an ninh của Đảng, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh cho đất nước.

Mối quan hệ giữa tăng cường quốc phòng an ninh với sự phát triển kinh tế - xã hội được Cương lĩnh chỉ rõ:  “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn”. Quan điểm này biểu hiện sinh động của mối quan hệ biện chứng, khách quan giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để giải quyết tốt mối quan hệ này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quan ta phải thực hiện tốt việc kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế. Sự kết hợp đó sẽ góp phần thiết thực đưa chủ trương của Đảng vào trong cuộc sống, bảo đảm sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa.

Một vấn đề mang tính nguyên tắc, đồng thời là một trong những biện pháp cơ bản trong  tăng cường quốc phòng an ninh là : “Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng - an ninh”. Đảm bảo nguyên tắc đó sẽ giữ vững được tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đát nước của chúng ta hiện nay.

Những quan điểm trên về tăng cường quốc phòng an ninh là sự tiếp tục và phát triển quan điểm trong các Cương lĩnh và Nghị quyết các kỳ đại hội trước của Đảng. Những quan điểm đó cần được quán triệt sâu rộng trong toàn xã hội, được cả  hệ thống chính trị thực hiện nghiêm túc để có một đất nước Việt Nam  hòa bình, ổn định và phồn vinh.

Tài liệu tham khảo: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị  Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011