Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Sử dụng tư liệu lịch sử để giảng dạy môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam ở trường Đại học Hà Tĩnh

Tác giả: ThS.NCS.Trần Thị Thúy - Đăng ngày: .

Cùng với lịch sử ra đời và lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, môn học Đường lối cách mạng (ĐLCM) của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) - hệ thống tri thức về quá trình xây dựng, bổ sung và phát triển đường lối lãnh đạo của Đảng trong các giai đoạn cách mạng khác nhau ngày càng chứng tỏ được tầm quan trọng đặc biệt của nó.


Đây là môn học mà nội dung phản ánh một cách rõ nét sự vận động liên tục trong tư duy chiến lược của Đảng; khả năng thích ứng trong các hoàn cảnh, đặc biệt là nghệ thuật lãnh đạo chính trị của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Qua thực tế giảng dạy môn học ĐLCM của ĐCSVN, cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học (PPDH), việc sử dụng tư liệu lịch sử (TLLS) đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực.

TLLS là một nguồn tài liệu quý giá, mang tính chân thực, không hư cấu, không dàn dựng, khách quan, khoa học, hiện thực cuộc sống được phản ánh một cách trung thực nhất như nó vốn có. Đặc biệt, TLLS có tác động và ý nghĩa rất lớn trong giảng dạy môn ĐLCM của ĐCSVN ở các trường Đại học nói chung và trường Đại học Hà Tĩnh nói riêng. Việc sử dụng TLLS trong bài giảng không chỉ cung cấp kiến thức mà còn góp phần tạo hứng thú, nâng cao hiệu quả bài học, bồi dưỡng niềm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; từ đó, sinh viên tự nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trước sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, vấn đề “Sử dụng tư liệu lịch sử để giảng dạy môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam ở trường Đại học Hà Tĩnh” vừa mang tính lý luận vừa đảm bảo tính cấp thiết hiện nay.

  1. Thực trạng của vấn đề

Qua thực tế giảng dạy học phần ĐLCM của ĐCSVN, nổi lên một số vấn đề sau:

Một là, sinh viên hầu như rất ít hào hứng nghe giảng vì các em quan niệm rằng môn học nặng tính chính trị, khô khan, nhiều kiến thức phải xâu chuỗi theo logic phức tạp, khó hiểu và khó nhớ;

Hai là, sự bàng quan của đại bộ phận sinh viên đối với những diễn biến thời sự trong nước và quốc tế, nhất là những vấn đề liên quan đến quan hệ quốc tế, chưa nói đến khả năng phân tích và hiểu đúng bản chất, quy luật của các hiện tượng hay chuỗi sự kiện cụ thể;

Ba là, nhận thức vừa không đầy đủ lại vừa thiếu chính xác về lịch sử dân tộc, về vai trò lãnh đạo của ĐCSVN trong từng thời kì cách mạng, từng giai đoạn lịch sử; dễ bị phân tâm và hoang mang dẫn đến nhận thức lệch lạc bởi các thông tin phi chính thống.

Bốn là, Đối với sinh viên Lào, mặc dù được sự quan tâm đặc biệt từ phía nhà trường cũng như khoa, bộ môn và giảng viên nhưng những hạn chế về ngôn ngữ làm ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập cũng như nhận thức. Qua thực tế giảng dạy và tiếp xúc với các em, tác giả nhận thấy việc triển khai các PPDH tích cực mang lại hiệu quả tối ưu nhất đó là sử dụng các hình ảnh mang tính trực quan. Do đó, sử dụng TLLS không chỉ truyền tải các kiến thức của bài giảng mà còn giới thiệu về truyền thống văn hóa, lịch sử dựng nước và giữ nước đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.

Để thu hút sự quan tâm của sinh viên, tạo không khí sôi nổi, hào hứng cho giờ học và quan trọng hơn cả là định hướng nhận thức đúng đắn về đường lối lãnh đạo của Đảng, giảng viên phải có sự sáng tạo, đầu tư công sức sưu tầm tư liệu; linh hoạt gắn nội dung bài học với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, liên hệ với những nhân vật, sự kiện lịch sử tiêu biểu; ở mức độ cho phép, có thể sử dụng các phương pháp liên ngành, tiếp cận vấn đề từ góc độ lịch sử - văn hóa, địa - lịch sử - văn hóa... Dưới góc nhìn chủ quan, bằng những tìm tòi, trăn trở và trải nghiệm trong quá trình đổi mới PPDH các môn lý luận chính trị nói chung và môn ĐLCM của ĐCSVN nói riêng, tác giả mạnh dạn chia sẻ một số kinh nghiệm sử dụng TLLS nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn học.

  1. Các biện pháp đã tiến hành giải quyết vấn đề

2.1. Phân loại tư liệu lịch sử

2.1.1. Khái niệm tư liệu lịch sử

Xét về mặt lý luận, TLLS là những sản phẩm hoạt động của con người, nó xuất hiện như một hiện tượng xã hội phục vụ cho một mục đích, một nhu cầu nào đó của xã hội đương thời và tồn tại như những di tích, dấu vết của hoàn cảnh lịch sử cụ thể đã qua. Từ đó ta có thể hiểu, TLLS là những di tích của quá khứ, xuất hiện như sản phẩm của quan hệ nhất định, mang trong mình nó những dấu vết của quan hệ ấy, phản ánh trực tiếp và trừu tượng một mặt hoạt động nào đấy của con người.

Qua thực tế giảng dạy và trong phạm vi của đề tài, giải thích một cách dễ hiểu nhất, TLLS là các sự kiện, tài liệu mà mỗi giáo viên cần phải sưu tầm để minh họa nội dung bài học. Tư liệu càng sinh động, phong phú bao nhiêu thì nội dung bài giảng dễ hiểu và càng hay bấy nhiêu.

2.1.2. Các loại hình tư liệu lịch sử

Tùy thuộc vào nội dung phản ánh và tính chất của sử liệu, người ta thường chia TLLS thành 7 nhóm

1/ Tư liệu thành văn

2/ Tư liệu vật chất

3/ Tư liệu truyền miệng dân gian

4/ Tư liệu ngôn ngữ

5/ Tư liệu dân tộc học

6/ Tư liệu phim ảnh, băng ghi hình

7/ Tư liệu băng ghi âm

Căn cứ vào đối tượng sinh viên trường đại học Hà Tĩnh hiện nay, số lượng lưu học sinh Lào chiếm tỷ lệ khá lớn, việc sử dụng nguồn TLLS phù hợp nhất và mang lại hiệu quả cao nhất đó là tư liệu phim ảnh, băng ghi hình. Hơn nữa, trong bối cảnh xã hội hóa công nghệ thông tin như hiện nay, việc tiếp cận và khai thác nguồn TLLS này khá thuận lợi lại vô cùng hấp dẫn. Chính vì vậy, để làm sáng tỏ mục đích yêu cầu của đề tài, tác giả tập trung làm rõ nguồn tư liệu chủ yếu là phim ảnh, băng ghi hình được sử dụng trong quá trình giảng dạy môn ĐLCM của ĐCSVN ở trường đại học Hà Tĩnh.

2.2. Vận dụng tư liệu lịch sử để giảng dạy môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam

2.2.1. Xem tư liệu lịch sử là một phương tiện hỗ trợ bài giảng chứ không phải là cung cấp kiến thức tuyệt đối

Để giảng dạy môn ĐLCM của ĐCSVN lôi cuốn, khoa học, hiệu quả, giảng viên phải sử dụng nhiều PPDH theo hướng phát triển năng lực của người học trước yêu cầu đổi mới giáo dục đại học hiện nay như: dạy học kiến tạo, dạy học theo dự án, dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề, kỹ thuật động não, phương pháp sử dụng sơ đồ tư duy cùng với các phương tiện dạy học hiện đại khác như máy chiếu, projecter và đặc biệt đối với môn học này phải tạo điều kiện đưa sinh viên đi tham quan các viện bảo tàng, nhân chứng lịch sử. Giảng viên không nên lạm dụng trình chiếu ở mỗi bài, mỗi giờ lên lớp, làm như vậy dẫn đến nhàm chán, chỉ nên sử dụng trong trường hợp TLLS gắn liền với đường lối cách mạng của Đảng CSVN liên quan đến bài học.

2.2.2. Sử dụng tư liệu lịch sử phải có địa chỉ khai thác tin cậy

Hiện nay, có nhiều mạng xã hội đăng tải TLLS dưới quan điểm và góc nhìn phản diện chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, kiểm duyệt. Giáo viên không lạm dụng, trình chiếu kéo dài thời gian trong bài giảng, giảng viên hướng dẫn cho sinh viên rõ các TLLS chính thống được kênh truyền hình VTV1 đặt hàng và công chiếu (trang web: VTV1: Phim tài liệu) hoặc Đài truyền hình Vĩnh Long (trang web: THVL/ Phim tài liệu), đồng thời giảng viên cũng nêu rõ, hiện nay lợi dụng vào sự phát triển công nghệ truyền hình, tự do báo chí, ngôn luận nhiều trang mạng lợi dụng nói xấu Đảng, chế độ, vì vậy sinh viên cần phải có nhận thức, tầm nhìn, bản lĩnh chính trị để loại trừ, không truy cập các trang mạng đó.

2.2.3. Lựa chọn những tư liệu lịch sử phù hợp, sát với nội dung, mục tiêu bài giảng

Trước hết, giảng viên phải nắm vững nội dung kiến thức bài giảng, tránh nhầm lẫn giữa giảng dạy môn lịch sử Việt Nam và ĐLCM của ĐCSVN. Đối với giảng dạy đường lối, giảng viên chỉ lựa chọn những TLLS điển hình tương ứng với nội dung phù hợp, tiêu biểu để chứng minh cho chủ trương, đường lối đúng đắn của ĐCSVN ở giai đoạn đó. Tránh sa đà, sử dụng các TLLS theo các sự kiện, diễn biến của các cuộc chiến tranh ( tập trung ở 3 chương đầu), mà không làm rõ chủ trương, đường lối của Đảng ta ở mỗi thời điểm lịch sử.

2.2.4. Hướng dẫn sinh viên tìm kiếm tư liệu lịch sử và xem ở nhà

Với mục đích kiểm tra ý thức tự giác, khả năng nhận thức và hiểu biết chủ trương, đường lối của Đảng, giảng viên hướng dẫn tìm kiếm những TLLS có liên quan đến bài học mới.

Sử dụng TLLS trong dạy học môn ĐLCM của ĐCSVN là một trong những biện pháp mang lại hiệu quả giáo dục cao. Hình ảnh, màu sắc, âm thanh, sự kiện trong đó giúp cho sinh viên có những hiểu biết cơ bản về đường lối lãnh đạo cách mạng của ĐCSVN qua các thời kỳ mà không một giáo trình nào, một bài giảng nào có thể truyền tải hết được. Đây là sự kết hợp hiệu quả nhất giữa giáo dục với khoa học, phát huy tính sáng tạo và khả năng thích ứng của sinh viên. Những TLLS sát với nội dung bài học, không chỉ giúp sinh viên nắm được bài ngay tại lớp, nhớ nhanh, nhớ sâu và nhớ lâu những nội dung của bài học mà gợi ra nhiều vấn đề để các em tự suy nghĩ và tự giải đáp. Nhờ vậy, các tiết học luôn diễn ra trong không khí sôi nổi từ đầu đến cuối giờ học, hiệu quả môn học được nâng lên rõ rệt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Giáo dục và đào tạo (2016), Giáo trình Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
  2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập (tập 3), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
  3. Nguyễn Dy Niên (2002), Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.169.
  4. Đặng Phong, Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989, Nxb Tri thức, Hà Nội.
  5. Jean Marc Dénommé et Madeleine Roy (2000), Tiến tới một phương pháp sư phạm tương tác, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
  6. com/watch.
  7. http://text. 123doc.org.document.