Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO TRONG BỐI CẢNH CUỘC CÁCH MẠNG 4.0

Tác giả: Đậu Thị Hồng - Đăng ngày: .

Khoa học - công nghệ đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống nhân loại, mà kết quả quan trọng nhất là đã tạo ra bước ngoặt phát triển về chất của lực lượng sản xuất. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển các mặt khác của đời sống nhân loại. Điều đó đã minh chứng và làm sâu sắc thêm cho luận điểm được nêu ra ngay từ những năm giữa thế kỷ XIX của C.Mác: Khoa học - kỹ thuật đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp: đến một trình độ phát triển nào đó thì “tri thức xã hội phổ biến” (khoa học) biến thành “lực lượng sản xuất trực tiếp”. Trình độ phát triển của nguồn nhân lực là một thước đo chủ yếu sự phát triển của các quốc gia. Vì vậy, các quốc gia trên thế giới đều rất coi trọng phát triển nguồn nhân lực. Ở nước ta cũng không ngoại lệ, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định quan điểm coi con người là trung tâm của sự phát triển, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá và hội nhập quốc tế, phát triển nhân lực được coi là một trong ba khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng ta. Để thực hiện được các mục tiêu chiến lược đó, đào tạo có vai trò quan trọng trong việc định hướng, hình thành và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu mới của đất nước trong bối cảnh hiện nay.

  1. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cách mạng 4.0

Nhân lực chất lượng cao

Nguồn nhân lực là nguồn lực con người, nguồn lực đó được xem xét ở hai khía cạnh. Trước hết, với ý nghĩa là nguồn gốc, là nơi phát sinh ra nguồn lực, nguồn nhân lực nằm ngay trong bản thân con người, đó cũng là sự khác nhau cơ bản giữa nguồn lực con người và các nguồn lực khác. Thứ hai, nguồn nhân lực được hiểu là tổng thể nguồn lực của từng cá nhân con người. Với tư cách là một nguồn lực của quá trình phát triển, nguồn nhân lực là nguồn lực con người có khả năng sáng tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội được biểu hiện ra là số lượng và chất lượng nhất định tại một thời điểm nhất định. Liên Hiệp Quốc cho rằng nguồn lực con người là tất cả những kiến thức kỹ năng và năng lực con người có quan hệ tới sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngày nay, nguồn nhân lực còn bao hàm khía cạnh về số lượng, không chỉ những người trong độ tuổi mà cả những người ngoài độ tuổi lao động [Trần Xuân Cầu và Mai Quốc Chánh,  2009]. Nguồn nhân lực là tổng hòa các yếu tố về thể chất, trí tuệ, trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng, đạo đức; trình độ chuyên môn, kỹ thuật; kỹ năng, kinh nghiệm, đang và sẵn sàng th1am gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là là bộ phận ưu việt nhất của nguồn nhân lực, kết tinh những gì tinh túy nhất, chất lượng nhất của nguồn nhân lực. Đây là bộ phận lao động có phẩm chất thái độ đúng; có sức khỏe; có trình độ học vấn có trình độ chuyên môn cao hoặc có kỹ năng lao động giỏi tương ứng với một nghề nghiệp cụ thể; có năng lực sáng tạo; biết vận dụng những tri thức, kỹ năng đã được đào tạo vào trong quá trình lao động sản xuất; nhằm đem lại năng suất và hiệu quả cao.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển với các nội dung liên quan đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và các điều khiển mềm thông qua các máy tính và mạng máy tính để liên kết hầu hết các lĩnh vực liên quan đến đời sống con người, như kinh tế, ngân hàng, xây dựng, nông nghiệp, giao thông, giáo dục, giải trí, thiết bị gia dụng, công nghệ thông tin truyền thông, v.v.. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang gây chú ý với những ứng dụng đã và đang hình thành mang tính đột phá trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, rô bốt, Internet vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3D, và công nghệ nano thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức, bởi nguồn lực phát triển quan trọng nhất của nó là nhân lực có năng lực sáng tạo công nghệ. Theo đó, quốc gia nào sở hữu nhiều tri thức, nhân lực chất lượng cao sẽ giành ưu thế cạnh tranh toàn cầu. Các nước đang phát triển có cơ hội rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển nếu biết tiếp cận nhanh  cuộc Cách  mạng công nghiệp 4.0 nhưng có thể sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu không tận dụng tốt những lợi thế và cơ hội từ cuộc cách mạng này.

  1. Những cơ hội và thách thức của cách mạng 4.0 đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Những cơ hội:

Nhân lực chất lượng cao có vai trò quyết định trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, giúp đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước, góp phần quyết định thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Với tác động của cuộc cách mạng 4.0, nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều cơ hội để phát triển:

Trước hết, nhân lực chất lượng cao có điều kiện nâng cao trình độ học vấn cao, liên tục tích lũy làm giàu tri thức, khả năng thích ứng và tính linh hoạt cao với những thay đổi về công việc, nghề nghiệp, nơi làm việc, về sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ mới. Trong bối cảnh hiện nay, sự sáng tạo ra tri thức diễn ra với quy mô lớn, việc sử dụng kiến thức khoa học công nghệ vào sản xuất trở thành nhu cầu thường nhật của xã hội, đồng thời, việc xử lý, chuyển giao kiến thức và thông tin diễn ra hết sức nhanh chóng, rộng khắp, nhờ vào các thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin.

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của thời  kỳ  công  nghiệp  hóa,  hiện  đại  hóa (CNH, HĐH) đất nước, khi thế giới đang tiến hành cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ các nhà trí thức khoa học, công nghệ đóng vai trò động lực, đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Người làm công tác khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp trên các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, triển khai công nghệ tiên  tiến và các  dịch  vụ khoa học, công nghệ khác. Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tiếp tục khẳng định được vai trò động lực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của ngành  thông  qua  việc tập trung xây dựng nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quy mô lớn, theo cụm nhiệm vụ để giải  quyết  những  vấn  đề  cấp  thiết,  trọng tâm, trọng điểm.

Nhờ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà nguồn nhân lực chất lượng cao cũng có điều kiện được học tập, trao đổi, chuyển giao công nghệ ra nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, mà còn tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam

Một số thách thức

Thứ nhất, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, kỹ năng mềm tốt trong khi chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam còn nhiều hạn chế về kỹ năng mềm. Sự phát triển của nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi cách thức kết nối cung - cầu lao động, biên giới về lao động giữa các quốc gia trở nên mờ nhạt làm cho hiện tượng chảy chất xám ở nước ta diễn ra nhiều hơn trong khi nước ta lại rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao đó.

Thứ ba, sự dịch chuyển sang nền kinh tế số, công nghệ số dẫn tới nhiều ngành nghề chứa hàm lượng tri thức cao. Đây là thời kỳ mới để chính người lao động Việt Nam phải tăng cường học hỏi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhưng mặt khác, nó cũng tạo ra tình trạng bất bình đẳng về cơ hội việc làm, bất bình đẳng giới, chênh lệch thu nhập dẫn đến khoảng cách giàu - nghèo lớn và các hệ quả xã hội khác.

Thế giới đang chứng kiến và chịu sự tác động mạnh mẽ từ cuộc cách mạng 4.0. Như một xu thế tất yếu không thể đảo ngược, sự phát triển thần kỳ như vũ bão của khoa học, kỹ thuật, công nghệ và những ứng dụng của nó làm nên cuộc cách mạng trong công nghiệp đã và đang mang lại một diện mạo hết sức mới mẻ cho các quốc gia đặc biệt đối với sự phát triển nguồn nhân lực. Các cơ sở đào tạo trong đó có các trường đại học có nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong quá trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều quan trọng là phải thay đổi nội dung, phương thức đào tạo, tạo ra văn hóa nhân lực để đi tắt, đón đầu tận dụng những cơ hội cũng như thách thức của cuộc cách mạng 4.0 tạo ra những đột phá mới trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh (2008). Giáo trình kinh tế nguồn nhân lực. Trường đại học kinh tế quốc dân. Nhà xuất bản đại học kinh tế quốc dân.

  1. ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I,  Nxb CTQGST, H. 2021

3.Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc (2001), Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực trong thời kì CNH – HĐH, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4.Nguyễn Tiệp (2005). Giáo trình nguồn nhân lực. Trường đại học lao động xã hội, nhà xuất bản lao động-xã hội.

5.TS. Nguyễn Thanh Mai, Chất lượng nguồn nhân lực, địa chỉ: http://voer.edu.vn/m/chat-luong-nguon-nhan-luc//758c8b47 25.

  1. PGS.TS. Phạm Văn Sơn (2015), 7 giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực Việt Nam, địa chỉ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/7-giai-phapnang-cao-chat-luong-nhan-luc-viet-nam-602980.html