Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Giáo dục giá trị góp phần xây dựng văn hoá học đường

Tác giả: TS. Đậu Thị Hồng - Đăng ngày: .

Văn hóa học đường đang là một vấn đề thời sự nổi cộm không chỉ trong các nhà trường mà trong cả toàn xã hội hiện nay. Việc xây dựng văn hóa học đường nhằm mục đích xây dựng, phát triển trường học thành môi trường văn hóa - giáo dục lành mạnh, trong đó các thành viên có hành vi văn hóa chuẩn mực, từ đó tạo ra môi trường thân thiện, an toàn để thực hiện mục tiêu đào tạo. Rõ ràng muốn xây dựng văn hóa học đường lành mạnh và bền vững cần có các biện pháp giáo dục văn hóa học đường, trong đó giáo dục giá trị được xem như một định hướng không thể thiếu trong tổng thể quá trình giáo dục trong nhà trường. Có thể khẳng định, ở góc độ tiếp cận này, giáo dục giá trị là một lĩnh vực rất rộng, nó bao gồm toàn bộ các họa động giáo dục hướng tới việc hình thành đời sống tinh thần, nhân cách, đạo đức và ý thức của người học.

Trong tuyển tập “Sự biến đổi, giá trị và xã hội hóa: Sự phát triển của con người trong bối cảnh giáo dục”, Branco và Oliveria khẳng định rằng giá trị luôn tiến hóa theo tiến trình thời gian. Giá trị là hệ thống năng động cao và đan cài chặt chẽ vào các phương diện khác nhau của đời sống xã hội và tiến trình tạo ra ý nghĩa của mỗi cá nhân. Giá trị tác động đến việc nhận diện con người với tư cách là thành viên của một cộng đồng…Trường học với đặc điểm là một thiết chế giáo dục trong cấu trúc xã hội đảm đương chức năng nuôi dưỡng sự phát triển trong diễn giải ý nghĩa của giá trị trong cá nhân mỗi học sinh và đây là nhiệm vụ trọng tâm mang tính văn hóa xã hội của nó trong xã hội (Branco và Oliveira, 2018, tr.215). Nhiệm vụ của ngành giáo dục là đào tạo ra những con người có sự phát triển toàn diện để bước vào cuộc đời lập thân, lập nghiệp thì việc rèn luyện đạo đức với định hướng giá trị đúng đắn lại càng trở nên quan trọng. Nếu không có sự chuẩn bị sớm về những phẩm chất, những yêu cầu về xây dựng nhân cách trong nghề nghiệp, trong ứng xử, trong các mối quan hệ xã hội thì họ có thể vào đời chỉ với một định hướng nghề nghiệp thuần túy chuyên môn mà xa lạ với trọng trách, ý thức, bổn phận của công dân với xã hội.

Xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý của học sinh sinh viên trong nhà trường. Lứa tuổi thiếu niên, thanh niên đang trong quá trình hình thành giá trị đạo đức, văn hóa để hướng tới hoàn thiện nhân cách con người. Đây cũng là lứa tuổi rất nhanh nhạy, ưa tìm tòi, hiểu biết nhưng sự hiểu biết sâu sắc về xã hội và kinh nghiệm sống còn chưa có nhiều nên dễ bị ảnh hưởng của những yếu tố bên ngoài tác động vào tâm lý, tình cảm và thái độ sống. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, sự tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, những giá trị nền tảng vốn được hình thành trong quá trình sống và giáo dục tương tác với các luồng tư tưởng, văn hóa mới hội nhập. Cho nên, để có sự định hướng giá trị đúng đắn không thể để các giá trị này hình thành một cách tự phát. Nhờ giáo dục giá trị có thể khắc phục các hiện tượng lệch lạc giá trị ở đối tượng dễ bị ảnh hưởng.

Xuất phát từ thực trạng và những bức xúc về sự xuống cấp đạo đức và văn hóa trong xã hội trong đó có môi trường nhà trường. Hiện nay, học sinh, sinh viên đang đứng trước những báo động về sự suy thoái, xuống cấp những nhận thức sai lệch của thế hệ trẻ. Chúng ta cũng không phủ nhận được một thực tế là sự bành trướng của văn hóa với những yếu tố không phù hợp với lối sống người Việt và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện đại đang góp phần truyền bá lối sống sùng bái vật chất, cá nhân, vị kỷ, thực dụng, đua đòi, ăn chơi xa hoa, lãng phí, ưa dùng bạo lực đang ảnh hưởng đến sự hình thành hệ giá trị.

Tuy nhiên, đây cũng không phải là vấn đề hoàn toàn mới. Trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta rất quan tâm và đề cao giáo dục phẩm chất đạo đức, tư tưởng cho học sinh. Vấn đề đặt ra là cách tiếp cận nội dung bảng giá trị và phương pháp giáo dục sẽ dẫn tới hiệu quả giáo dục. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng giáo dục giá trị tuy hết sức quan trọng nhưng không phải là mục tiêu duy nhất của nhiệm vụ hình thành nhân cách trong hệ thống giáo dục phổ thông. Bên cạnh giáo dục giá trị, việc nâng cao trình độ nắm vững tri thức, đặc biệt là phát triển kỹ năng đều là những mục tiêu giáo dục của nhà trường. Sự liên hệ lẫn nhau giữa các phương diện giáo dục đó sẽ tạo nên hiệu quả trong công tác giáo dục toàn diện trong nhà trường.

Tài liệu tham khảo

  1. Bùi Kim Đỉnh (2015), Giáo dục hệ giá trị trong bối cảnh hội nhập, Tạp chí Lý luận Chính trị (9), 50 – 53.
  2. Becher, T. (1987), “The cultural view”, in B.R. Clark (ed.):Perspectives on highereducation: eight disciplinary and comparativeviews, University of California Press, Berkeley, Los Angeles. London, p. 172.
  3. Phạm Minh Hạc (2014), Giá trị học, NXB Dân trí.
  4. Phạm Minh Hạc (2001), Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực: đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị quốc gia.
  5. Peterson, K.D. và Deal, T.E. (2010), Shaping school culture: pitfalls, paradoxes , mand promises , San Francisco: John Wiley và Sons, p. 9.
  6. Lưu Minh Văn - Trần Văn Kham (2016), (đồng chủ iên), Giá trị trong lối sống của sinh viên Việt Nam hiện nay – Thực trạng và xu hướng, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  7. A.Xukhomlinxki, (1981), Giáo dục con người chân chính như thế nào? / : Lời khuyên các nhà giáo dục / V. Xu-khom-lin-xki; Đỗ Bá Dung, Đặng Thị Huệ, Vũ Nhật Khải dịch; Nguyễn Dương Khư hiệu đính, , Nxb giáo dục, Hà Nội.
  8. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.