Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Một số chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ năm 2019

Tác giả: ThS.Trần Thị Tú Anh - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

Trong năm 2019, tiền lương, mức hưởng cũng như mức đóng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức và người lao động (NLĐ) sẽ có những sự thay đổi.


Thứ nhất, về mức lương tối thiệu vùng.

Từ ngày 1/1/2019, Nghị định 157/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động chính thức có hiệu lực. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh như sau:

Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng;

Vùng II: 3.710.000 đồng/tháng;

Vùng III: 3.250.000 đồng/tháng;

Vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng.

Một số địa phương thuộc các tỉnh, thành phố như Tiền Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Dương cũng có sự điều chỉnh khi áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới.

Thứ hai, tăng mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Nghị quyết 70/2018/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 thì từ ngày 1/7/2019 mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng thêm 100.000 đồng so với năm 2018 (tăng từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng).

Đây cũng chính là căn cứ để tính bảng lương, mức phụ cấp, lương hưu và các khoản trợ cấp dành cho cán bộ, công chức, viên chức. Do mức lương cơ sở thay đổi tăng lên nên các loại trợ cấp bảo hiểm xã hội được tính dựa trên mức lương cơ sở cũng tăng. Theo đó: Tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh; Tăng trợ cấp một lần sau khi sinh con; Tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh; Tăng mức lương hưu tối thiểu hàng tháng; Tăng mức trợ cấp mai táng; Tăng mức trợ cấp tuất hàng tháng; Tăng trợ cấp tai nạn lao động.

Thứ ba, quy định về việc người lao động được ý kiến sửa đổi, bổ sung thang bảng lương.

Nghị định 149/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Theo Nghị định này, người lao động được quyền nêu rõ quyền được tham gia ý kiến đối với các nội dung như:

- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động;

- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể;

- Đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ;

- Các nội dung khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, tăng mức lương tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định: "Mức lương tính đóng BHXH của NLĐ làm việc trong doanh nghiệp không thấp hơn mức LTT vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường".

Theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng năm 2019 có thay đổi, vì vậy sẽ kéo theo sự thay đổi mức lương để tính BHXH.

Bên cạnh đó, tiền lương đóng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tính trên mức lương cơ sở, do đó khi mức lương cơ sở năm 2019 (từ 1/7/2019 tăng thêm 100.000 đồng) thì mức đóng BHXH của CBCCVC cũng tăng theo.

Thứ tư, doanh nghiệp phải công khai việc đóng BHXH, BHYT.

Nghị định 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc có hiệu lực từ 01/01/2019. Theo Nghị định này, nội dung người sử dụng lao động phải công khai gồm: Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh; nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia; nghị quyết Hội nghị người lao động; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Thứ năm, tăng giá khám bệnh bảo hiểm y tế.

Theo Thông tư 39/2018/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khá, bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp thì từ 15/01/2019, giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ được áp dụng.

Theo đó, giá khám bệnh được quy định như sau:

- Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: 37.000 đồng/lượt (tăng 3.900 đồng);

- Bệnh viện hạng II: 33.000 đồng/lượt (tăng 3.400 đồng);

- Bệnh viện hạng III: 29.000 đồng/lượt (tăng 2.800 đồng);

- Bệnh viện hạng IV, Trạm y tế xã: 26.000 đồng/lượt (tăng 2.700 đồng).

Giá hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca; chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh) là 200.000 đồng.

Thứ sáu, giảm giá khám bệnh cho bệnh nhân không có BHYT.

Theo Thông tư 37/2018/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp thì từ ngày 15/01/2018 giá tối đa của dịch vụ khám bệnh sẽ được giảm so với trước đây. Cụ thể như sau:

- Bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện hạng I: 37.000 đồng/lượt (giảm 2.000 đồng/lượt);

- Bệnh viện hạng II: 33.000 đồng/lượt (giảm 2.000 đồng/lượt);

- Bệnh viện hạng III: 29.000 đồng/lượt (giảm 2.000 đồng/lượt);

- Bệnh viện hạng IV và trạm y tế xã: 26.000 đồng/lượt (giảm 3.000 đồng/lượt).

Giá khám sức khỏe toàn diện người lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ (không kể xét nghiệm, X-quang) có mức giá tối đa là 145.000 đồng.

Trên đây là một số chính sách nổi bật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có hiệu lực từ năm 2019.

Tài liệu tham khảo

[1]. Nghị định 157/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

[2]. Nghị quyết 70/2018/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

[3]. Nghị định 149/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

[4]. Thông tư 39/2018/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khá, bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

[5]. Thông tư 37/2018/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp.