Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Làng tôi, mười lăm trở về

Tác giả: ThS. Đinh Tiên Hoàng - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

Tôi rời khỏi Làng của tôi đã mười lăm năm, trong khoảng thời gian ấy thì có hơn mười năm tôi đi miết gần như không quay về đó nữa, phần vì cha mẹ tôi cũng đã chuyển về quê nội tôi, phần vì tôi giờ chọn lập nghiệp ở thành phố nên không có nhiều thời gian để trở lại. Ra đi một phần tư đời người nhưng chưa bao giờ tôi quên được mảnh đất nơi tôi sinh ra và nuôi tôi lớn lên.


 

Tôi trở về Làng vào một ngày thời tiết khá đẹp, mười lăm năm nói là lâu nhưng cũng chưa đủ để làm khác lạ đi cái khuôn hình con người tôi, ấy thế mà cũng có không ít người không còn nhận ra tôi, đám trẻ con ngày tôi ra đi chúng còn lít nhít không biết đã đành, nhưng những người lớn có người cũng phải nhìn thật lâu mới nhận ra tôi, hình như tôi đã già đi rồi thì phải.

 

Tôi đi từ đầu làng đến cuối làng, vào thăm một vài nhà là những gia đình thân với cha mẹ tôi ngày xưa ở đây, và ăn một bữa cơm ở nhà hàng xóm ngay bên nhà cũ. Khung cảnh Làng tôi cũng không thay đổi nhiều lắm, chỉ có một vài thay đổi không đáng kể, là xã điểm nông thôn mới nên đường sá được chỉnh trang quy củ và sạch đẹp hơn, không có công trình nào mới từ phúc lợi công cộng cho đến tư gia. Xem chừng mọi thứ vẫn thế như lúc tôi ra đi.

 

Cũng lâu rồi tôi mới quay về làng, ngày xưa ông cụ thân sinh tôi cũng là cán bộ có tâm huyết với địa phương nên người dân ở đây cũng quý, với văn hoá có chén rượu thì ới, có hoạn nạn thì chia nên trong mâm cơm chiều đón tôi cũng có khá đông những người trong làng cùng tham gia, nếu như trước đây những bữa như thế này với tôi rất bình thường, nhưng hôm nay cảm giác vừa ấm cúng, vừa thân mật, lại như luyến tiếc một nỗi niềm gì đó.

 

Mâm cơm chào đón đứa con xa quê trở về có rất nhiều thứ, nhưng tôi để tâm lắm đến việc trên đó có những gì, vì cái tình nó đong đầy nên mình cũng không còn quá quan tâm đến cái ăn, với lại hồi này cũng không còn đói kém nữa nên cũng chẳng ai nề hà chuyện ăn uống, quan trọng là cái tình người. Những lời hỏi thăm đến các cụ nhà tôi, những câu chuyện ôn lại ngày xưa, rồi những câu chuyện xảy ra trong làng mười lăm năm qua, nghe ra tôi mới thấy làng tôi thay đổi nhiều lắm, chứ không chỉ bình yên như những gì tôi vẫn thấy. Trong đôi mắt và lời nói của người già chất chứa đầy sự buồn rầu và lo lắng, “đám trẻ lớn lên đều như anh cả, chúng đi rồi ở lại nước ngoài, ở lại thành phố, không đứa nào quay về nữa, làng giờ chỉ còn các ông bà già”; tôi bảo, “các cụ cũng đừng trách chúng con, ra thành phố tiếp cận được cuộc sống có nhiều tiện nghi hơn, với lại ở thành phố chúng con mới có cơ hội kiếm được tiền, về quê giờ cũng vất vả quá cụ à”; “ờ thì các anh lớn lên phải đi ra là đã đành, nhưng lớp trung tuổi giờ cũng dần đi, rồi cũng chẳng thấy đứa nào trở về, toàn nhà trống im ỉm cả năm, chắc rồi chúng cũng không quay về nữa”. cầm chén rượu đưa lên môi uống như để che giấu đi sự im lặng mà tôi biết có nói thế nào cũng là biện minh.

 

Làng tôi nói riêng và xã của tôi nói chung có thể nói về kinh tế thì giầu nhất huyện, về văn hoá có lẽ cũng chỉ thua thị trấn là nơi trung tâm của huyện. Tuy là xã miền núi nhưng có cơ cấu kinh tế ổn định nên đời sống vật chất lẫn dân trí đều phát triển khá cao. Ngoại trừ những người làm cán bộ và các gia đình là giáo viên của các cấp học trên địa bàn thì một trăm phần trăm hộ gia đình của xã là công nhân của nhà máy chè, với cây chè, người dân quê tôi có mức thu nhập ổn định và có cuộc sống khá tươm tất. Tôi còn nhớ những năm khi mà mới có những chiếc ti vi nội địa nhập về, ở các xã lân cận người dân phải bỏ tiền vé chỉ để được xem một chương trình phim truyện bình thường thì xã tôi gần như nhà nào cũng có vô tuyến, hồi đó mỗi cái xe máy phải có giá cả vài ba chục con bò thì xã tôi cũng đã có gần trăm chiếc, có nhà còn có hẳn cả một con xe trắng hai đầu (ô tô).

 

Ngoài chè ra thì gỗ cũng là một nguồn thu nhập lớn cho người dân, cứ ngày lăn lóc với cây chè thì đêm đến là như mở hội với từng đoàn người rồng rắn dắt trâu bò vào rừng để kéo gỗ ra. Có tiền, ngoài sắm sanh vật dụng thì người ta xây dựng nhà cửa, rồi nhờ đó mà nghề thợ xây cũng kiếm ra không ít tiền. Nói chung, với cây chè, với gỗ rừng, ký ức trong tôi làng mình là một vùng quê xanh tươi và trù phú, đó cũng là cơ sở để tất cả đám trẻ con chúng tôi đều được cho ăn học tử tế và rồi thoát ly ra ở thành phố.

 

Mười lăm năm rồi, ấy vậy mà quê tôi vẫn thế, có lẽ vì tôi yêu cái Làng của tôi ngày xưa mà quên mất rằng đất nước mình trong mười lăm năm qua có rất nhiều thành tựu, đáng lẽ ra với nền tảng kinh tế như thế thì Làng tôi bây giờ phải như phố mới đúng, ấy vậy mà không, vẫn yên bình và chung thuỷ đến như thế. Trầm ngâm hồi lâu tôi mới chợt nhận ra bên mâm cơm đa số là người già, chỉ có vài người anh lớn tuổi chứ không phải chật sân như một đội bóng của ngày xưa, lớp thanh niên thì hẳn nhiên là không có rồi, vì chúng giờ đều đang ở thành phố cả. Tôi hỏi ông cụ bên cạnh, “cụ ơi sao các anh trong làng của mình đi đâu vậy ạ”, ông cụ lắc đầu “gỗ hết, chè không ăn thua nữa, không đi ra mà kiếm tiền thì chỉ có ở nhà rượu chè rồi sinh chuyện thôi”; “thế cây chè của mình giờ không còn ăn thua hả cụ”; “đã mười năm nay rồi vẫn thế, gói mỳ tôm đã lên từ năm trăm đồng thành ba nghìn mà chè vẫn một cân hai nghìn, làm không đủ trả công thuê hái với tiền thuốc sâu, phân bón”; một cụ khác thêm vào “ mà anh thấy đấy, đã lâu lắm rồi có một cái chương trình nông nghiệp nào đâu, dân mình mạnh ai làm gì thì làm, đến cây cam trồng đến mùa cũng hái cho bò ăn chứ có ai hỗ trợ cho đầu ra, đầu vào nào, con gà con ngoé nuôi lớn được thì ăn, dịch thì vứt, tự sinh tự diệt thế thôi”.

 

Không ai nói thêm câu gì về câu chuyện này nữa, rượu cũng ngà ngà, các cụ hăng hơn khi nghe nói đến đất nước Nhật Bản, một vài người cũng có nhắc đến nước Đức, anh chủ nhà thì bảo là thằng cu đang học năm nay cuối phổ thông, sang năm chắc sẽ cho đi Canada du học theo diện tìm việc, khuyến khích nó ở lại bển, không thì ở lại càng lâu càng tốt, ông cụ một bên thì lắc đầu nguầy nguậy, “đất nhà anh lắm thế không bảo nó ở nhà mà tiếp quản, đi đâu bên kia cho xa xôi”; “đất nhiều nhưng không cày ra ăn cụ ạ”. Cứ thế, một vài người thêm những câu chuyện về con cái họ, có cụ còn lấy điện thoại gọi video hẳn cho cả gia đình con trai đang đi làm công nhân tận Bắc Ninh, nơi mỗi tháng hai vợ chồng chúng nó làm bằng lương làm chè nửa năm.

 

Tôi lại lên chuyến xe trở lại thành phố, trong tâm trí tôi vẫn văng vẳng lời dặn dò trước khi ra đi “lần này đi nhớ về thăm làng thường xuyên nha con, mày mà cứ đi lâu thế, mười lăm năm nữa đừng nói là không còn thấy các cụ, mà có khi đến Làng mình cũng chỉ còn những ngôi nhà hoang và mồ mả thôi con ạ”.  Có lẽ không chỉ mỗi làng tôi mới như thế, trong khi thành phố đang không ngừng phình ra và chật chội, chen lấn, thì những ngôi làng đang ngày càng thưa đi bóng người. cứ thế này, có khi tất cả rồi chỉ còn là ký ức. Ai cũng đổ cho vì mưu sinh, nhưng không ai trả lời được câu hỏi tại sao không thể mưu sinh được nơi mình sinh ra và lớn lên, cứ thế này nông thôn, đồng ruộng rồi sẽ về đâu, trách nhiệm tại xã hội phát triển hay tại bởi con người, có lẽ không ít người đang nghĩ giống tôi, nhưng có khi họ cũng chẳng buồn nói, tất cả có lẽ là tại “thời cuộc”.