Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Suy nghĩ về từ "Đoàn kết" được lặp lại nhiều lần trong Di chúc của Bác

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Bích Hằng - Đăng ngày: .

 Trường Đại học Hà Tĩnh cùng với các trường đại học trong cả nước hồ hởi, phấn khởi bước vào năm học mới (2019- 2020). Một năm nhiều triển vọng song, cũng nhiều thách thức đối với thầy trò trường ta. Cùng thời gian này, toàn Đảng, toàn dân ta đang long trọng kỷ niệm 50 năm Di chúc của Bác (1969-2019).


Di chúc của Bác, tài sản vô cùng quý báu của Đảng ta, dân tộc ta có ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, giá trị thực tiễn sâu sắc, không chỉ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ mà cả trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Có rất nhiều tư tưởng mang tính chỉ đạo trong Di chúc của Bác đang là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng ta. Nếu chỉ xem xét riêng tư tưởng chỉ đạo của Bác về vấn đề đoàn kết cũng thấy quan điểm chỉ đạo này đúng đắn và có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong thời đại ngày nay. Bài viết bộc bạch những suy nghĩ về từ “đoàn kết” được lặp lại nhiều lần trong Di chúc của Bác.

 

1.Từ đoàn kết được lặp lại nhiều lần trong Di chúc của Bác

 

Đoàn kết là tư tưởng lớn, xuyên suốt trong cuộc đời cách mạng của Bác Hồ. Lời giáo huấn nổi tiếng của Bác: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết -Thành công, thành công, đại thành công đã trở thành phương châm hành động của toàn Đảng, toàn dân ta và thực sự đã phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để giành thắng lợi trong mọi thời kỳ lịch sử. Theo tư tưởng của Bác, đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của mọi chiến thắng, của mọi thành công. Trước khi vĩnh biệt thế giới này để về cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho Đảng ta, dân ta và cho hậu thế muôn đời, Bác căn dặn nhiều điều, trong đó Người đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế.

 

Trong quá tình dẫn dắt Cách mạng Việt Nam, Bác đã dùng rất nhiều lần từ đoàn kết trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh, mọi giai đoạn cách mạng để nhắc nhở mọi người dân, mọi Đảng viên. Trong lời dặn dò cuối đời với Đảng và dân, Bác đã nhắc lại nhiều lần từ đoàn kết. Thống kê trong Bản Di chúc, Bác đã nhắc đi nhắc lại từ đoàn kết tới 8 lần, một tần suất từ được lặp lại nhiều nhất trong các từ lặp lại của Bản Di chúc ngắn gọn, súc tích của Bác. Điều đó nói lên rằng, Bác đã quan tâm và coi trọng  giá trị lớn lao của đoàn kết tới nhường nào.

 

Trong Di chúc, có ba đối tượng được Bác dặn dò trong 8 từ đoàn kết là toàn Đàng, toàn  dân và  quốc tế.  Đó là, những đối tượng chủ lực có tính chất quyết định cho thắng lợi của cuộc cách mạng trước đây và cả sau này.

 

Về đoàn kết trong Đảng

 

Chỉ trong 10 dòng nói về Đảng, Bác đã nhắc đi nhắc lại tới 5 lần từ đoàn kết để nhấn mạnh sự đoàn kết trong Đảng: “Nhờ đoàn kết (1) chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết (2), tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác… Đoàn kết (3) là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết (4) nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình… Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết (5) và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” [4 ].

 

Về đoàn kết toàn dân

Chốt lại toàn bộ ước nguyện của Bác ở cuối bản Di chúc, Bác dùng 1 từ đoàn kết nhưng bao hàm rất nhiều ý tứ sâu sắc: “ Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết (6) phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” [4].

 

Về đoàn kết quốc tế

 

Bác rất đau lòng về sự bất hòa và những suy thoái của phong trào Cộng sản quốc tế vào thời đó. Bác dặn dò Đảng ta phải ra sức góp phần khôi phục lại khối đoàn kết quốc tế và Bác tin tưởng về sự đoàn kết của phong trào Cộng sản quốc tế. Bác dùng 2 từ đoàn kết trong câu: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết (7) giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết (8) lại” [4].


 2. Suy nghĩ về tư tưởng của từ đoàn kết  trong di chúc của Bác   

       

Về đoàn kết trong Đảng

 

Tư tưởng đoàn kết trong Đảng của Bác phải được hiểu là sự đoàn kết nhất trí, thống nhất trong Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng. Đoàn kết nhất trí trong Đảng phải được xây dựng, bồi đắp trên nền tảng chủ nghĩa Marx-Lênin. Đồng thời, đoàn kết trong Đảng phải dựa trên cơ sở đường lối, chính sách  theo đúng những nguyên tắc của Đảng. Muốn có sự đoàn kết, nhất trí vững chắc, trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi; Đảng viên phải nêu cao kỷ luật tự giác, phải thực hiện tự phê bình và phê bình. Trong đó, tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sống còn trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Theo tư tưởng của Bác, phê bình và tự phê bình cần có lý, có tình; phê bình một cách chân thành, thẳng thắn, trung thực, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ, trên cơ sở cùng phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng chung của Đảng và dân tộc.

 

Về đoàn kết toàn dân

 

Theo tư tưởng của Bác, đoàn kết toàn dân là sức mạnh, là cội nguồn của chiến thắng, của thành công. Tư tưởng của Bác đã thể hiện thành hành động cụ thể trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, nhằm phát huy cao độ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng của nhân dân, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Cụ thể, chúng ta đã giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên, các tầng lớp trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của cách mạng trước đây và công cuộc hội nhập ngày nay.

 

Về đoàn kết quốc tế

 

Tư tưởng của Bác về đoàn kết quốc tế là định hướng quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, để Việt Nam luôn đóng góp xứng đáng vào nền hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Đoàn kết quốc tế trở thành một chân lý, một phương châm hành động tất yếu, phù hợp với quy luật và sự phát triển của cách mạng. Nhân dân Việt Nam có nghĩa vụ đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân thế giới. Thành quả của cách mạng trước đây và công cuộc hội nhập ngày nay là tổng hợp sức mạnh nội lực của toàn Đảng, toàn dân ta và ngoại lực là  sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế.

 

Tóm lại, tư tưởng lớn về sức mạnh đoàn kết, trong đó có đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân đoàn kết quốc tế trong Di chúc của Bác là kim chỉ nam cho mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Thấm nhuần và thực hiện đúng theo tư tưởng chỉ đạo này, cuộc chống xâm lược trước đây của chúng ta đã thắng lợi vẻ vang thì, trong công cuộc xây dựng phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập chắc chắn chúng ta sẽ đạt được những thành quả vĩ đại.

                                            Tài liệu tham khảo

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[2]. Émile Durkheim (2012), Các quy tắc của phương pháp xã hội học, Tủ sách Tinh Hoa, Nxb Tri thức, Hà Nội.

[3]. Hồ Chí Minh (1969), Hồ Chí Minh tuyển tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[4]. Hồ Chí Minh (1969), Bản Di chúc. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.