Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Quan điểm của Đảng ta về công tác phụ nữ trong thời kỳ đổi mới

Tác giả: Trần Thị Mai Hương - Khoa LLCT - Đăng ngày: .

 Trải qua những thăng trầm lịch sử với truyền thống yêu nước và cách mạng, phụ nữ Việt Nam  đã có những đóng góp to lớn trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước; ngày nay đang tiếp tục phát huy vai trò, vị trí quan trọng trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập phụ nữ Việt Nam 20/10/1930-20/10/2015, chúng ta cùng tìm hiểu quan điểm của Đảng về công tác phụ nữ đặc biệt trong thời kỳ đổi mới để qua đó thấy được sự quan tâm và niềm tin tưởng của Đảng đối với phụ nữ, một lực lượng xã hội to lớn trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 Quan điểm của Đảng về công tác phụ nữ một mặt dựa trên quan điểm của  Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ, mặt khác xuất phát từ đặc điểm tình hình phụ nữ Việt Nam. Đảng ta khẳng định: phụ nữ Việt Nam là một bộ phận quan trọng, lực lượng to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, phải luôn quan tâm, chăm lo đến phụ nữ, coi đó là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quan trọng.  Quan điểm đó luôn luôn được quán triệt trong các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng qua các thời kỳ.

Khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước,Nghị quyết số 04-NQ/TW về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới của Bộ Chính trị ngày 12/7/1993 đã viết: “Phụ nữ Việt Nam có truyền thống lịch sử vẻ vang, có những tiềm năng to lớn, là một động lực quan trọng của công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội”(1) và xác định:“phải xem giải phóng phụ nữ là một mục tiêu và nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(1).Vì vậy đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phụ nữ  là một yêu cầu quan trọng của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và phát triển toàn diện người phụ nữ. Nghị quyết nhấn mạnh: “Xây dựng và sửa đổi, hoàn chỉnh các pháp luật, chính sách xã hội có liên quan đến phụ nữ và lao động nữ... Có chủ trương, chính sách phù hợp đối với phụ nữ dân tộc ít người, phụ nữ tôn giáo, phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ tàn tật”(1)... .Quan điểm của Đảng trong nghị quyết 04-NQ/TW tiếp tục được Đảng ta khẳng định, nghiên cứu, mở rộng trong các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng phù hợp với sự nghiệp đổi mới đất nước.

Ngày 16/5/1994 Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới. Chỉ thị khẳng định: “Cần xây dựng Chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lao động nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng…Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ nữ làm công tác khoa học- kỹ thuật, kinh tế, pháp luật, hành chính, quản lý nhà nước,...cán bộ nữ dân tộc ít người, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa...”(3).

       Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (4/2001), trong phần  Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, Báo cáo chính trị ghi  rõ: “Đối với phụ nữ, thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn; có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em; tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt thiên chức người mẹ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”(4).

       Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (4/2006) tiếp tục khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp... Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”(4).

          Đặc biêt ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ để họ tham gia ngày càng nhiều hơn, chủ động hơn, đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển của gia đình, đất nước và thực hiện bình đẳng giới.Nghị quyết đã nêu lên những quan điểm cơ bản của Đảng ta trong công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước: “ Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới…Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Ðảng. Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình…”(2) Những quan điểm của Đảng trong nghị quyết số 11-NQ/TW đánh dấu bước chuyển biến quan trọng về tư duy nhận thức của Đảng ta đối với công tác phụ nữ,  là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình công tác vận động phụ nữ, giải phóng phụ nữ.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu giải phóng phụ nữ, công tác vận động phụ nữ tham gia thực hiện đường lối đổi mới, nghị quyết Đại hội XI của Đảng (01/2011) khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các luật pháp, chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của mình; tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào cấp ủy và bộ máy quản lý nhà nước. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”(4).

Quan điểm của Đảng về công tác phụ nữ được thể hiện qua các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng thể hiện quá trình phát triển về mặt nhận thức của Đảng ta về vấn đề phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và phấn đấu "đến năm 2020, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa".

Tài liệu tham khảo

1. Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 04-NQ/TW về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, 1993.

2. Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, 2007.

3. Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương  Chỉ thị số 37-CT/TW về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới, 1994.

4. Đảng cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, X, XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.