Hội chứng nghiện điện thoại di động trong sinh viên
Điện thoại di động trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là với sinh viên. Nếu trước kia, nghiện máy tính của thanh thiếu niên là một nỗi lo ngại thì giờ bệnh “không thể rời” điện thoại còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Bởi không phải ai cũng có máy tính, laptop, hoặc không tiện mang theo khi ra ngoài. Nhưng điện thoại thì có thể mang đi bất cứ đâu, dùng bất cứ khi nào.
Trong quá trình giảng dạy chúng tôi thấy rằng vẫn có nhiều sinh viên sử dụng điện thoại trong giờ học. “Nghiện điện thoại” đã ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của sinh viên. Chúng tôi thiết nghĩ rằng: Việc sử dụng điện thoại di động như thế nào là hiệu quả nhất, nhằm tránh hội chứng “nghiện điện thoại” trong sinh viên hiện nay. Dưới đây là một số triệu chứng và những cảnh báo để sinh viên sử dụng ĐTDĐ khoa học nhất.
Các triệu chứng “nghiện” điện thoại:
Nghiện thường mang lại cảm giác bồn chồn khi không có thứ gì đó. Nếu bạn không thể đi đâu mà không có điện thoại mang theo thì nên nghĩ đến việc “cai” dần.
- Vật bất ly thân: Điện thoại trở thành vật tối quan trọng mỗi khi ra khỏi phòng của các bạn sinh viên. Bạn đã đi ra ngoài và phát hiện ra không mang theo nó thì phải trở về lấy ngay lập tức dù đang bị gấp gáp thời gian khi đi học muộn.
- Phản xạ nhìn màn hình: Đang ngồi trên giảng đường dù có tin nhắn, cuộc gọi hay không. Bạn không muốn để lỡ cuộc gọi nào hay phải trả lời tin nhắn ngay lập tức. Đôi khi, bạn mở điện thoại lên xem mà chẳng có việc gì, rồi lại cất nó đi.
- Cảm giác điện thoại rung (hội chứng điện thoại “ma”): Rất nhiều sinh viên gặp phải cảm giác này. Họ ngỡ rằng có chuông báo nào đó từ điện thoại nhưng thực ra thì đó chỉ là cảm giác. Hoặc nghe tiếng nhạc chuông của người khác cũng giật mình nghĩ là của mình.
- Bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng kiểm tra điện thoại: Việc đầu tiên khi mở mắt dậy là bạn phải kiểm tra xem có tin nhắn, cuộc gọi hay thông báo từ ứng dụng không. Trước khi đi ngủ cũng phải làm tổng kết điện thoại một lượt.
- Khó chịu khi không có điện thoại: Điện thoại hết pin, ngoài vùng phủ sóng, mạng yếu khiến bạn cảm thấy vô cùng khó chịu, bồn chồn. Bạn sẽ phải khắc phục điều đó ngay khi có thể để kiểm tra các thông báo từ điện thoại.
- Học hành giảm sút: Chưa có nghiên cứu nào cho thấy ĐTDĐ ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập của sinh viên, nhưng vừa học mà vừa sử dụng điện thoại thì chắc chắn bạn sẽ bị xao nhãn bài giảng của thầy cô, không hiểu bài thì dĩ nhiên bị điểm thấp cũng là điều dễ hiểu.
- Giảm khả năng giao tiếp: Dành quá nhiều thời gian cho điện thoại sẽ giảm thời gian cho gia đình, bạn bè, hoạt động ngoài trời và các mối quan hệ xã hội. Nhiều vấn đề sẽ bị hạn chế nói chuyện trực tiếp, thay vào đó là nhắn tin, truyền tải gián tiếp qua các ứng dụng trên điện thoại.
Nguy cơ tiềm ẩn bệnh lý
Theo các nhà nghiên cứu những người “nghiện điện thoại” có nguy cơ mắc các bệnh lý sau đây:
- Bệnh về mắt: Việc nhìn màn hình trong một thời gian sẽ gây ảnh hưởng đến thị lực. Hầu hết ánh sáng màn hình điện thoại đều không tốt, tùy mức độ. Tinh thể nhãn cầu có thể bị gây tổn hại bởi sóng điện từ, chức năng tiếp nhận thông tin của tế bào bị phá vỡ.
- Tổn thương tai: Nghe điện thoại quá lâu hoặc thường xuyên nghe nhạc bằng tai nghe có thể dẫn đến bị điếc vĩnh viễn. Tổn thương này gần như không thể khôi phục và sẽ càng nặng hơn theo tuổi tác. Không nên nghe quá 30 phút mỗi lần.
- Viêm da: Người sử dụng điện thoại nhiều có thể xuất hiện các nốt mẩn đỏ ở má, tai, ngón tay.
- Rối loạn giấc ngủ: Nhiều người có thói quen dùng điện thoại trước và sau khi ngủ, để điện thoại ngay bên người khi ngủ. Như vậy các tia bức xạ gây phiền nhiễu, kích thích căng thẳng thần kinh não khiến khó ngủ hơn, ngủ mệt hơn và khi tỉnh dậy mất thời gian để tỉnh táo hoàn toàn.
- Nguy cơ mắc u não: Một nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu mỗi ngày sử dụng 1 tiếng, trong thời gian dài, tia bức xạ di động tích lũy đủ để gây nguy cơ u não. Vì thế, hạn chế tối đa việc để điện thoại gần tai, nên sử dụng tai nghe.
- Gây vô sinh: Nam giới có thói quen để điện thoại trong túi quần hoặc dắt ở thắt lưng có nguy cơ bị vô sinh cao do sóng điện từ 'giết chết' 30% tinh trùng.
- Mất cân bằng nội tiết nữ giới nếu đeo điện thoại ở cổ ngay trước ngực. Đặc biệt là phụ nữ mang thai nên hạn chế sử dụng di động tránh ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.
- Bệnh 'ngón tay cò súng': là một bệnh xương khớp ở ngón tay do thói quen sử dụng điện thoại. Nhiều hoạt động bị vướng, cản trở do ngón tay đau, khó cử động. Bệnh có thể nặng hơn mỗi ngày, thậm chí sẽ phải làm tiểu phẫu hoặc phẫu thuật nếu không giảm thời gian sử dụng điện thoại.
Tham khảo: Suckhoedoisong.vn
Tin mới
- Sinh viên Khoa Chính trị - Luật tại Trường Đại học Hà Tĩnh được tiêm chủng Vaccin Covid-19 - 02/11/2021 00:09
- SINH VIÊN NGÀNH CHÍNH TRỊ HỌC VỚI CƠ HỘI VIỆC LÀM RỘNG MỞ - 13/09/2021 15:06
- Rộn ràng mùa kỷ yếu sinh viên khoa Chính trị - Luật - 18/07/2021 13:45
- Tìm việc làm bằng mẫu CV ấn tượng - 10/05/2020 02:34
- Khoa Chính trị - Luật triển khai kế hoạch thực tập cho sinh viên - 21/12/2019 03:21
Các tin khác
- Đợt sinh hoạt công dân ý nghĩa đầu năm học của sinh viên Khoa LLCT - 03/09/2019 03:28
- Ấn tượng buổi lễ tri ân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 của sinh viên Khoa Lý luận chính trị - 19/11/2018 03:13
- Thư Sài Gòn! - 04/06/2016 08:33
- Sinh hoạt chủ điểm tháng 5, thắm tình hữu nghị Việt - Lào - 20/05/2016 01:05
- Bobby Keovilay - Lưu học sinh Lào học giỏi và ước mơ trở thành thầy giáo - 17/05/2016 16:07