Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Tìm hiểu chính sách của Vua Minh Mạng trong việc quản lý Biển Đông

Tác giả: ThS. Đường Thế Anh - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

Minh Mạng là vị hoàng đế tiến hành cuộc cải cách lớn nhất triều Nguyễn. Cuộc cải cách của ông được tiến hành trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc cải tiến kỹ thuật đóng thuyền cho cư dân đi biển. Minh Mạng đã cho lực lượng thủy quân của mình tiếp tục quản lý, khẳng định chủ quyền một cách rõ ràng trên các hải đảo, nhất là tại các khu Vạn lý Hoàng Sa (tên gọi chung và phổ biến trước đây về 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).

Vua Minh Mạng (1820 - 1841)Vua Minh Mạng (1820 - 1841)

Vua Minh Mạng đã nhận thức sâu sắc được nguồn lợi của giao thông trên biển, vừa nhanh, thuận tiện lại phát huy được sở trường sông nước của quân dân như sau: ‘’Vận tải đường biển là một việc rất gian lao, nhưng nước ta phía sau tựa vào núi, phía trước trông ra biển, việc đi biển không thể không tranh thủ lấy cái nghề sở trường của mình…” . Do vậy, không ít lần Minh Mạng  đã ban Chỉ dụ cho quân lính thường xuyên phải luyện tập thủy quân, thông hiểu lạch luồng trên biển, để có thể ứng dụng trong chiến đấu cũng như vận tải trên biển: “Nước nhà ở về phương Nam, đất nhiều phần biển, thủy quân rất là quan trọng… Người lái thuyền, các thủy thủ, trước phải luyện tập kỹ càng thành thục, lại phải tập tành cho biết rõ đường sông, đường biển, chỗ sâu chỗ nông, chỗ khó, chỗ dễ và đâu có cù lao, hòn đảo, đá ngầm, ghềnh thác, phải nên kiêng tránh…’’.

Dưới triều vua Minh Mạng thủy quân nhà Nguyễn được tổ chức chặt chẽ và quy củ. Ngoài nhiệm vụ đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ thủy quân nhà Nguyễn còn phải thực thi nhiệm vụ quan trọng đó là cắm mốc, dựng bia chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lực lượng thủy quân nhà Nguyễn được vua Minh Mạng cải tiến, ông định kích thước và kiểu dáng cho từng hạng thuyền làm chuẩn mực để các xưởng thuyền theo các quy thức đó mà đóng. Minh Mạng đã cho đóng một số thuyền máy hơi nước theo kiểu phương Tây và mua một số tàu hơi nước đi biển của phương Tây để tăng cường cho lực lượng phòng thủ biển ở các vị trí then chốt.

Năm Nhâm Ngọ 1822, vua Minh Mạng cho mua một chiếc thuyền bọc đồng của Pháp đặt tên là Điện Dương tức là Sấm sét để làm mẫu cho các xưởng đóng thuyền nghiên cứu và đóng theo mẫu thuyền này. Sách Đại Nam Thực Lục có chép: “Tháng 6 năm ấy, vua sai Thống chế thủy sư Phan Văn Trường coi đóng thuyền hiệu theo kiểu Tây dương”. Chiếc thuyền bọc đồng đầu tiên hoàn thành được đặt tên là Thụy Long tức điềm lành, sau đó hàng loạt thuyền bọc đồng được đóng thêm chủ yếu là thuyền chiến, một số là thuyền dùng trong các chuyến tuần du trên Biển Đông. Ngoài thuyền bọc đồng, năm Mậu Tuất (1838) Minh Mạng cho mua một chiếc tàu máy hơi nước cũ của Pháp đem về tháo ra nghiên cứu để lấy mẫu đóng thử. Đến tháng 4 năm sau, chiếc tàu máy hơi nước đầu tiên của nước ta đóng xong và chạy thử thành công. Tháng 10 cùng năm đó, chiếc tàu máy hơi nước thứ 2 cũng được hoàn thành. Từ đó, vua xây dựng quy thức đóng tàu máy hơi vào năm Canh Tý (1840) với "thân rộng 7 thước 5 tấc, dài trên dưới 4 trượng, nhưng thân không quá sâu, khoảng 1 trượng, để dễ dàng di chuyển trên các sông, biển" (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ).

Năm 1836, vua Minh Mạng đã ra lệnh cho Bộ Công đúc 9 đỉnh đồng khổng lồ. Cửu đỉnh được đặt trước Thế miếu nơi thờ tự các nhà vua triều Nguyễn. Điều đáng nói là trên Cửu đỉnh có 153 hình ảnh được khắc đều là những địa danh nổi tiếng của đất nước. Đặc biệt trên Cao Đỉnh hình ảnh Biển Đông dậy sóng được thể hiện một cách tinh tế. Tiếp đó trên Nhân Đỉnh có biển Nam tức Nam Hải, Chương Đỉnh có biển Tây tức Tây Hải. Đây là ba đỉnh to cao nhất tượng trưng cho ba vị vua đầu tiên triều Nguyễn với tầm mắt dõi ra Biển Đông. Những hình ảnh về biển đảo trên Cửu đỉnh đã khẳng định quyền làm chủ Biển Đông và giữ vững hải phận của triều đình nhà Nguyễn thủa ấy.

Đặc biệt, bên cạnh việc khai thác, tuần phòng trên biển, vua Minh Mạng còn cho tiến hành xây dựng nơi thờ tự (chùa, miếu), trồng cây, dựng cột, bia chủ quyền tại một số đảo vào các năm Qúy Tị (1833), Ất Mùi (1835), Bính Thân (1836)…

Dưới triều vua Minh Mạng các tàu thuyền đi tuần tiễu, khảo sát đo đạc tại Vạn lý Hoàng Sa theo lệ sẽ được tiến hành vào mùa Xuân. Theo các tư liệu khác nhau thì hoạt động này được thực hiện trong vòng 6 tháng, dù có năm do mưa gió, bão lớn nên việc khởi hành phải lùi lại nhưng nhiệm vụ của các tàu thuyền vẫn không thay đổi.

Thuyền chiến, thuyền buồm, thuyền chỉ huy thời triều Nguyễn.Thuyền chiến, thuyền buồm, thuyền chỉ huy thời triều Nguyễn.

Trong khoảng hơn hai mươi năm trị vì, Minh Mệnh đã phái khoảng 40 lượt tàu thuyền đi công vụ nước ngoài, tập trung nhiều nhất vào hai năm 1838 - 1839. Kết hợp công việc Nhà nước với trao đổi hàng hóa là đặc điểm nổi bật của các sứ đoàn trong thời kỳ này. Minh Mạng chú trọng mua các vật phẩm phục vụ quốc phòng như: Súng, đá lửa của Pháp, thuốc súng nước Anh…, đồng thời cũng luôn nhắc nhở các sứ thần mua về các tàu thuyền hiện đại của phương Tây. Dưới thời vua Minh Mạng  những hùng binh nước Việt một thời vượt sóng to gió lớn vâng lệnh triều đình đi trấn thủ tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của các thế hệ người Việt Nam hôm nay.

Tài liệu tham khảo

1. TS. Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học Việt Nam), Vua Minh Mệnh với chính sách khai thác biển.

2. Website: Biendong.net

                   Kienthuc.net