Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Tìm hiểu về vai trò của Tổng thống trong bộ máy nhà nước Mỹ

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Khoa Lý Luận Chính Trị - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

Khác với các chế độ quân chủ lập hiến, cộng hòa đại nghị, cộng hòa lưỡng tính, Tổng thống Mỹ có vị trí trung tâm trong bộ máy nhà nước. Vị thế trung tâm của Tổng thống được thể hiện ở các điểm dưới đây:

Thứ nhất, đối với quyền hành pháp: Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu hành pháp. Đây là điểm rất riêng chỉ có ở chế độ cộng hòa Tổng thống. Nếu như ở Anh quốc, nguyên thủ quốc gia là Nữ hoàng, người đứng đầu chính phủ là thủ tướng Anh, thì ở Mỹ Tổng thống cùng lúc đã nắm giữ cả hai vị trí này. Tổng thống là người duy nhất quản lý đất nước và không phải chia sẻ với bất cứ cơ quan nào hay cá nhân nào quyền lực ấy kể cả Phó Tổng thống. Với vị trí là người đứng đầu hành pháp, Tổng thống có toàn quyền trong việc thi hành các chính sách, luật pháp được Quốc hội thông qua trên phạm vi toàn quốc. Tổng thống có quyền bổ nhiệm các quan chức cao cấp của nhánh hành pháp và lãnh đạo hoạt động hành pháp, nội các chỉ đóng vai trò tư vấn cho Tổng thống, còn các bộ trưởng chỉ là những thư ký giúp việc cho Tổng thống ở từng lĩnh vực cụ thể. Tổng thống điều hòa sự phối hợp hoạt động của tất cả các bộ và các cơ quan này nhằm tạo ra sự nhất quán trong việc hoạch định và thực thi chính sách. Tổng thống Mỹ cũng là tổng tư lệnh quân đội, đồng thời là nhà ngoại giao hàng đầu của quốc gia.

Như vậy, Tổng thống Mỹ vẫn tập trung quyền lực hơn thủ tướng của các nước cộng hòa đại nghị hay quân chủ lập hiến. Ví dụ, thủ tướng Anh khi thực hiện quyền hành pháp phải bàn bạc và cần đến sự nhất trí của nội các, còn ở Mỹ thì mọi vấn đề thuộc thẩm quyền hành pháp trung ương đều nằm trong tay Tổng thống.        Thứ hai, đối với quyền lập pháp: Về nguyên tắc, hành pháp không có quyền lập pháp. Nhưng theo quy định tại  Điều 1 và Điều 2 của Hiến pháp, Tổng thống Mỹ có quyền tác động đến quá trình lập pháp của Quốc hội, từ giai đoạn đầu tiên đến khi dự luật có thể thành luật. Bằng các quyền hạn đó, Tổng thống Mỹ buộc Quốc hội phải lắng nghe ý kiến của Tổng thống và thông thường các gợi ý lập pháp trong các thông điệp mà Tổng thống đưa ra đều được Quốc hội xem xét thảo luận trước. Tổng thống cũng có quyền phủ quyết bất kỳ dự luật nào được Quốc hội thông qua trừ khi có hai phần ba thành viên trong mỗi viện phủ quyết để gạt bỏ sự phủ quyết của Tổng thống. Tổng thống cũng có quyền triệu tập Quốc hội trong những trường hợp khẩn cấp hoặc Tổng thống cũng có thể triệu tập riêng từng viện của Quốc hội. Theo Điều 2 khoản 3 Hiến pháp Mỹ thì trong trường hợp hai viện của Quốc hội bất đồng ý kiến về việc nghỉ khóa họp, Tổng thống sẽ có quyền bãi khóa họp Quốc hội trong thời gian mà Tổng thống cho là thích hợp.

Thứ ba, đối với quyền tư pháp, tất cả các thẩm phán liên bang đều do Tổng thống bổ nhiệm và thượng viện phê chuẩn. Tổng thống còn có quyền ban bố lệnh ân xá hoàn toàn hay có điều kiện cho bất kỳ ai đã bị kết tội vi phạm luật pháp liên bang, quyền ân xá của Tổng thống còn bao hàm cả quyền rút ngắn thời gian chấp hành hình phạt tù và giảm bớt tiền phạt do tòa án áp dụng. Ví dụ Tổng thống Gerald R.Ford đã ra lệnh ân xá cho cựu Tổng thống Nixon: "Tháng 9 năm 1974 Tổng thống kế nhiệm Gerald R.Ford đã ra lệnh xá tội toàn bộ, miễn trách nhiệm hoàn toàn đối với tất cả các hành động phạm pháp mà ngài cựu Tổng thống đã phạm phải hoặc có tham gia trong thời gian làm Tổng thống" [5, tr. 1158].

Những quyền hạn to lớn trên đây đã tạo nên một vị thế quan trọng của Tổng thống trong bộ máy nhà nước Mỹ và nổi trội hơn nguyên thủ hay thủ tướng của một số nước. Nếu chính phủ được Lênin đánh giá: "Mọi cuộc cách mạng đều xoay quanh vấn đề lật đổ chính phủ cũ thành lập chính phủ mới" [1, tr. 230] thì ở chính thể cộng hòa Tổng thống: "Chính phủ hoàn toàn nằm trong tay Tổng thống" [1, tr. 233].

Như vậy ở Mỹ, Tổng thống là trung tâm quyền lực của nhà nước, là nhà chính trị duy nhất được bầu trên phạm vi toàn quốc, đại diện cho toàn thể Hợp chủng quốc cả về đối nội lẫn đối ngoại. Bởi vậy, chức vụ Tổng thống có vị trí trung tâm trong hệ thống chính trị Mỹ.

Vấn đề đặt ra là tại sao Tổng thống Mỹ lại có thực quyền và quan trọng như vậy? Các nhà khoa học pháp lý đã giải thích vấn đề này dựa vào một số căn cứ sau:

- Tổng thống Mỹ thực quyền bởi vì Tổng thống gắn liền với bộ máy hành pháp, là người đứng đầu bộ máy hành pháp - một trung tâm quyền lực trong một nhà nước gồm quân đội, cảnh sát, và đội ngũ công chức hùng hậu.

- Tổng thống có quyền lực lớn bởi vì quyền lực của ông ta lấy từ nhân dân thông qua con đường bầu cử chứ không phải tự phong hay do thừa kế truyền ngôi và cũng không phải lấy từ Quốc hội như một số nước khác. Chính vì điểm này mà Tổng thống không phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, các thành viên nội các của Tổng thống cũng không phải là thành viên của Quốc hội và cũng không chịu trách nhiệm trước Quốc hội mà chỉ chịu trách nhiệm trước Tổng thống.

- Xuất phát từ nhận thức của các nhà lập pháp Mỹ về bản tính của hành pháp là phải tập trung quyền, là chế độ thủ trưởng quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Cho nên hành pháp càng ít người càng tốt, càng ít trung gian càng tốt, càng ít nhũng nhiễu càng tốt. Nếu lập pháp là làm luật thì hành pháp là ra lệnh và để ra lệnh thì phải có quyền uy nghĩa là phải có quyền lực.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. PGS.TS Nguyễn Đăng Dung - PGS.TS Bùi Xuân Đức (2000), Giáo trình hiến pháp các nước tư bản. Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

2. Lê Minh Đức - Nguyễn Nghị (1994), Lịch sử nước Mỹ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

3. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Chính trị (2012), Tập bài giảng Chính trị học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. GS.TS Nguyễn Văn Huyên (chủ biên) (2007), Hệ thống chính trị Anh, Pháp, Mỹ, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.

5. William A. Degregorio (1998), Bốn hai đời Tổng thống Hoa Kỳ, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức dịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.