Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Từ sự chuyển hóa tư tưởng Chính trị của thanh niên trí thức tiểu tư sản trong tổ chức Tâm tâm xã đến con đường Cách mạng vô sản

Tác giả: Th.S Đường Thế Anh - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

Cách đây 90 năm,  vào năm 1923,  một  nhóm  7 thanh niên trí thức tiểu tư sản Việt Nam xuất dương sang Trung Quốc để lập ra một tổ chức yêu nước với tên gọi: Tâm Tâm xã hay Tân Việt thanh niên đoàn, “đây là nhóm đầu tiên mà tương lai  có nhóm cộng sản Phương Đông sẽ xuất hiện”1

Tôn chỉ của tổ chức là: “ Liên hiệp những người có trí lực trong toàn dân Việt Nam không phân biệt ranh giới đảng phái, miễn là có quyết tâm hy sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân đem tất cả sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người cho nhân dân Việt Nam”2.

Ảnh: Liệt sĩ Phạm Hồng Thái

Ảnh: Liệt sĩ Phạm Hồng Thái 

Qua Tôn chỉ ấy Tâm Tâm xã đã cố gắng định hình con đường cách mạng của tổ chức mình. Những người trong Tâm Tâm xã đã bước đầu có những chuyển biến trong tư tưởng của mình về con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Bản thân họ khi trước hoặc chịu ảnh hưởng tư tưởng yêu nước tư sản của Phan Bội Châu  hoặc chịu ảnh hưởng tư tưởng cải lương, bất bạo động của Phan Chu Trinh. Nhưng trước con đường cách mạng bế tắc của các vị tiền bối cách mạng, những thanh niên yêu nước này đã tự đứng ra lập riêng tổ chức. Tâm Tâm xã có nguồn gốc từ Việt Nam Quang Phục hội (1912) và có điểm tương đồng là chủ trương giành độc lập cho dân tộc nhưng có tư tưởng đi xa hơn, họ hướng tới mục tiêu giải phóng con người, giải phóng giai cấp: “liên hiệp những người có thể đích thực hoạt động để khôi phục quyền độc lập cho dân Đông Dương”3.

Có thể coi Tâm Tâm xã là bước quá độ để thành lập các tổ chức cao hơn. Đến Tâm Tâm xã tư tưởng Nho giáo đã bị quét sạch, hệ tư tưởng bao trùm là tư tưởng dân chủ tư sản. Nhưng trong nhận thức của những người sáng lập tổ chức, hệ tư tưởng tư sản đã bị phân hóa, tức là nó không thuần túy theo lập trường “ quân chủ lập hiến” của Duy Tân hội (1904), hoặc “Cộng hòa dân quốc tư sản” của Quang Phục hội (1912). Đó là bởi những người tổ chức Tâm Tâm xã đã nhìn thấy được những kinh nghiệm từ những  thất bại của đường lối cứu nước của hai nhà cách mạng họ Phan. Đó là nếu chỉ dựa vào đường lối chung chung sẽ không thể đưa cách mạng đi xa. Phải có đường lối mới, có tổ chức, có lãnh đạo phù hợp với dân tộc và thời đại thì tiền đồ cách mạng mới tươi sáng được.

Xét về nguồn gốc xuất thân của Tâm Tâm xã, từ người sáng lập đến  những hội viên về sau đều xuất thân từ  trí thức tiểu tư sản  yêu nước . Mục đích, tôn chỉ và lập trường Tâm Tâm xã có bước phát triển hơn, rõ ràng hơn nhưng nhìn chung vẫn còn mơ hồ về đấu tranh giai cấp. Từ tiếng bom Sa Diện (1924) đến sự hy sinh của Phạm Hồng Thái (1895-1924) là biểu hiện cụ thể nhất của tổ chức này. Qua sự thể hiện trên đã thể hiện tính chất manh động trong nhận thức và hành động, sự phiêu lưu mạo hiểm, hăng hái nhất thời của tầng lớp trí thức tiểu tư sản. Nhưng hành động hy sinh dũng cảm của Phạm Hồng Thái thật đáng trân trọng, bởi nó xuất phát từ lòng yêu nước nồng cháy, thiết tha với khát vọng giải phóng dân tộc: “ nó báo hiệu bắt đầu  thời đại đấu tranh dân tộc, như cánh én nhỏ báo hiệu mùa xuân”4.

Tâm Tâm xã tồn tại không lâu 1923-1924 (gần 2 năm) nhưng trong suốt thời gian đó là hướng tìm tòi con đường giải phóng dân tộc của tổ chức. Tâm Tâm xã đóng vai trò tích cực trong sự chuyển tiếp từ lập trường yêu nước chân chính sang lập trường yêu nước vô sản.

Khi Hồ Chí Minh về Quảng Châu (Trung Quốc) cuối năm 1924, Người tiếp xúc ngay với nhóm Tâm Tâm xã và hướng họ đi theo con đường cách mạng vô sản chủ nghĩa Mác-Lênin. Tháng 3 năm 1925 Người tổ chức lại Tâm Tâm xã thành nhóm Cộng sản đoàn. Trên cơ sở đó thành lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Hội thanh niên).

Tâm Tâm xã (1923-1924) là tổ chức trí thức tiểu tư sản yêu nước tiến bộ nhưng chịu ảnh hưởng của khuynh hướng yêu nước dân chủ tư sản. Đến Hội thanh niên (1925-1929) là sự chuyển biến có tính đột phá sang một hướng mới đang dần hình thành và khẳng định. Hội thanh niên chưa phải là Đảng Cộng sản mà chỉ là một tổ chức mang khuynh hướng vô sản, là tổ chức quá độ như người sáng lập đã khẳng định là “ quả trứng sẽ nở ra chim non- tức Đảng Cộng sản”.5 Trong suốt thời kỳ lịch sử từ năm 1921- 1929 gần một thập kỷ, luồng tư tưởng  dân chủ tư sản mà đại diện là các tổ chức đảng phái ra sức lối kéo quần chúng nhân dân nhưng đã tỏ ra lỗi thời và đều thất bại trước nhiệm vụ lịch sử. Trong khi đó, khuynh hướng cách mạng vô sản dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Hội cách mạng thanh niên tỏ ra có sức hấp dẫn quần chúng nhân dân và dần khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình. Hệ tư tưởng vô sản tỏ ra ưu việt và chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống chính trị tư tưởng giải phóng dân tộc. Từ Tâm Tâm xã đến sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là hiện thực của một giai đoạn vận động thành lập Đảng sôi nổi của những thế hệ thanh niên yêu nước thời bấy giờ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Trung Chính: Tâm Tâm xã là gì? Nghiên cứu lịch sử  số 134 (9-10) 1970

2. BNCLSĐ TƯ: Những sự kiện lịch sử Đảng , Nxb, Sự thật, HN, 1976

3. Trần Dân Tiên; Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch,  Nxb, Sự thật, HN,1975

4. ĐCSVN: Văn kiện của Đảng, tập 1 , Nxb. CTQG, HN 1998

5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Nxb. CTQG, HN 2000, tr 28