Một số quy định của pháp luật về giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật người khuyết tật năm 2010 thì người khuyết tật được hiểu là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Pháp luật về giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật là những quy định pháp lý được xây dựng nhằm loại bỏ những bất công mà người khuyết tật đang phải gánh chịu, xóa bỏ các cơ chế khiến người khuyết tật bị tách biệt ra ngoài xã hội, đồng thời tăng cường cơ hội việc làm bình đẳng cho họ trong thị trường lao động. Nội dung pháp luật giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật bao gồm một số quy định cơ bản sau:
Thứ nhất, quy định về quyền được có việc làm việc của người lao động khuyết tật.
Việc làm cho người khuyết tật được cả Liên hợp quốc (UN) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đặc biệt quan tâm. UN quy định: các quốc gia phải công nhận quyền được làm việc của người khuyết tật, bằng cách thực thi những bước phù hợp, bao gồm cả các biện pháp luật pháp (…)[4, tr16]. ILO hướng dẫn thúc đẩy cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật không bao gồm việc ngăn cấm phân biệt đối xử vì lý do khuyết tật. Ngày 22/10/2007, Việt Nam đã ký Công ước Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật.
Bộ luật Lao động của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 2012 khẳng định: “Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của lao động là người khuyết tật, có chính sách khuyến khích và ưu đãi người sử dụng lao động tạo việc làm và nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc, theo quy định của Luật Người khuyết tật” (Khoản 1 Điều 176). Quyền làm việc của lao động khuyết tật là tiền đề tạo ra cơ hội và động lực cho người khuyết tật tìm kiếm việc làm, có cơ hội khẳng định bản thân, tự lập trong cuộc sống, tạo ra thu nhập để không phải dựa dẫm vào gia đình, người thân.
Thứ hai, quy định về chính sách học nghề và việc làm cho người khuyết tật
Luật Người khuyết tật năm 2010 và Nghị định số 28/2012/NĐ - CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật đã có những quy định chi tiết về dạy nghề và việc làm đối với người khuyết tật. Theo đó, Nhà nước đảm bảo, tạo điều kiện tối đa cho người khuyết tật được lựa chọn, tư vấn và học nghề, làm việc theo khả năng, sức khỏe của mình; cơ sở dạy nghề, tổ chức dạy nghề phải đảm bảo điều kiện dạy nghề; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, không được từ chối tuyển dụng những người lao động khuyết tật có đủ tiêu chuẩn…
Thứ ba, quy định về cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh
Học nghề và việc làm cho người khuyết tật luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Bộ luật Lao động tại khoản 2 Điều 176 quy định: “Chính phủ quy định chính sách cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với người sử dụng lao động sử dụng lao động là người khuyết tật”. Đối với cơ sở dạy nghề, tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật thì phải bảo đảm điều kiện dạy nghề cho người khuyết tật và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật ; cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh. [3]. Đây là những quy định ưu đãi góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện mở rộng hoạt động sản xuất, cải thiện môi trường làm việc để người khuyết tật tiếp cận với công việc.
Thứ tư, quy định về quỹ việc làm cho người khuyết tật
Với mục đích giúp đỡ người khuyết tật học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người khuyết tật; hỗ trợ các doanh nghiệp khác thuộc mọi thành phần kinh tế nhân người khuyết tật vào học nghề và làm việc đạt tỷ lệ cao thì quy định về thành lập và sử dụng quỹ việc làm cho NKT là một vấn đề quan trọng và cần thiết. Luật Người khuyết tật năm 2010, tại Điều 10 quy định về quỹ trợ giúp người khuyết tật. Theo đó, quỹ này là quỹ xã hội từ thiện nhằm huy động nguồn lực trợ giúp NKT và quỹ này được hình thành từ các nguồn như: đóng góp tự nguyện, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; các khoản thu hợp pháp khác. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện nguồn quỹ này vẫn đang còn nhiều bất cập.
Thứ năm, quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
Trước đây, Bộ luật Lao động quy định về thời gian làm việc của người khuyết tật không quá 7 giờ một ngày hoặc 42 giờ một tuần với mục đích tạo điều kiện cho người khuyết tật làm việc trong giới hạn phù hợp với khả năng và sức khoẻ của mình, giúp họ phục hồi sức khoẻ một cách nhanh chóng, có khả năng làm việc lâu dài và đạt năng suất. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, quy định đã thể hiện sự bất cập, tạo ra sự phân biệt giữa lao động khuyết tật và lao động không khuyết tật. Người sử dụng lao động dựa vào quy định này để từ chối nhận NKT vào làm việc vì họ không đáp ứng được thời gian làm việc như các lao động khác. Tuy nhiên, NKT lại khẳng định, họ có thể làm tốt công việc như những người lao động không khuyết tật. Chính vì vây, Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012 không quy định về thời giờ làm việc của người khuyết tật như trước để góp phần tạo ra môi trường làm việc công bằng giữa NKT và người không khuyết tật.
Thứ sáu, quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với người khuyết tật
Điều 177 Bộ luật lao động 2012 quy định, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm về điều kiện lao động, vệ sinh lao động phù hợp với người khuyết tật và thường xuyên chăm sóc sức khỏe cho họ. Pháp luật nhấn mạnh đến việc đảm bảo các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người tàn tật; cấm làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm đối với lao động khuyết tật bị suy giảm khả năng lao động từ 51% ; cấm sử dụng người lao động khuyết tật làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành. Như vậy, người sử dụng lao động không được vì lợi ích trước mắt của mình để thỏa thuận làm thêm giờ, làm việc ban đêm, hoặc trường hợp chủ sử dụng lao động lợi dụng người lao động khuyết tật vào làm những công việc nặng nhọc độc hại cho sức khỏe của họ.
Như vậy, giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ trông chờ vào tinh thần nhân đạo của các tổ chức, doanh nghiệp hoặc theo chương trình hợp tác dự án với các tổ chức nhân đạo ngước ngoài. Về phía người khuyết tật cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng để khẳng định được mình là những người “tàn mà không phế”. Đã đến lúc, cần phải có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn về trách nhiệm của người quản lý. Có như vậy, người khuyết tật mới được hưởng đầy đủ quyền và nghĩa vụ pháp lý như những người lao động bình thường khác, góp phần đưa ước nguyện “hãy đưa chúng tôi hòa nhập với cộng đồng” của người khuyết tật trở thành hiện thực.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012.
2. Luật Người khuyết tật, số 51/2010/QH12.
3. Nghị định 28/2012/NĐ - CP của Chính phủ ngày 10 tháng 4 năm 2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật 2010.
4. Hướng tới cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật thông qua hệ thống pháp luật (Cơ quan hợp tác phát triển Ailen - Tổ chức lao động Quốc tế ILO).
Tin mới
- LÊNIN bàn về nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên - 31/10/2014 07:20
- Bàn về vai trò của truyền thông và truyền thông đại chúng với việc quảng bá thương hiệu các trường Đại học - 31/10/2014 07:16
- Lời chia tay mùa hạ - 31/10/2014 03:02
- Hội nghị Cán bộ viên chức Khoa Lý luận chính trị: Dân chủ, trách nhiệm - 30/10/2014 07:56
- Từ sự chuyển hóa tư tưởng Chính trị của thanh niên trí thức tiểu tư sản trong tổ chức Tâm tâm xã đến con đường Cách mạng vô sản - 30/10/2014 07:44
Các tin khác
- Hội nghị tập huấn giáo viên giảng dạy môn Pháp luật trong các trường trung cấp chuyên nghiệp năm 2014 - 30/10/2014 07:03
- Sự nghịch lý trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam - 30/10/2014 06:55
- Tìm hiểu khái niệm “quyền con người” - 30/11/-0001 00:00
- Vai trò của Chủ nghĩa tư bản trong nông nghiệp Nga qua tác phẩm "Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga" của V. Lênin - 30/11/-0001 00:00