Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Tập huấn Đổi mới phương pháp giảng dạy Môn Giáo dục chính trị

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hồng Ninh Khoa Lý luận chính trị - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

Đổi mới phương pháp giảng dạy môn Giáo dục chính trị ở hệ Trung cấp chuyên nghiệp là việc làm cần thiết nhằm thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng. Thực hiện công văn số 7085/BGDĐT-VP của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triệu tập giáo viên tập huấn đổi mới phương pháp giảng dạy môn Giáo dục chính trị năm 2014, và kế hoạch của nhà trường, các giảng viêncủa Khoa Lý luận chính trị Trường Đại học Hà Tĩnh đã tham dự lớp tập huấn tại Hà Nội, tháng 12 năm 2014.

 Tham gia lớp tập huấn, các giáo viên một lần nữa được quán triệt chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo của Đảng. Trong đó nhấn mạnh chủ trương: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thong trong dạy học”

Thực chất đổi mới phương pháp dạy và học môn Giáo dục chính trị hệ trung cấp chuyên nghiệp là đổi mới quá trình dạy học, gắn liền với đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình, giáo trình, phương tiện dạy học, môi trường dạy học, kiểm tra đánh giá, trong đó, phương pháp dạy học là yếu tố cơ bản có vai trò quan trọng nhất trong quá trình dạy học. Trong hoạt động dạy học, hoạt động của người dạy và hoạt động của người học tạo ra phương pháp dạy học.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, giảng dạy môn Giáo dục chính trị ở hệ Trung cấp chuyên nghiệp phải được đổi mới theo hướng định hướng năng lực và phát triển năng lực người học. Tức là dạy học định hướng kết quả đầu ra, nhằm phát triển năng lực người học, chú trọng vận dụng tri thức trong giải quyết các tình huống thực tiễn của cuộc sống và nghề nghiệp. Thực chất của vấn đề này là nhấn mạnh vai trò của người học với tư cách là chủ thể  của quá trình nhận thức, chú trọng vào mục tiêu không chỉ giúp người học biết được cái gì mà còn giúp người học làm được gì.

Trong đợt tập huấn, các giáo viên giảng dạy môn Giáo dục chính trị được nghe triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đề án “ Đổi mới Chương trình môn Giáo dục chính trị trung cấp chuyên nghiệp”. Các giáo viên đã dự giờ giảng minh họa về đổi mới phương pháp giảng dạy môn Giáo dục chính trị. Một trong những phương pháp thể hiện rõ tinh thần đổi mới cách dạy, cách học, giảm tải giờ lý thuyết, chú trọng đặt và giải quyết vấn đề, tăng cường tranh luận, vừa đào sâu vừa mở rộng kiến thức đang học mà giáo viên giảng dạy minh họa sử dụng, đó là phương pháp dạy học cùng tham gia. Có thể nói đây là phương pháp kết hợp một cách hiệu quả các phương pháp dạy học truyền thống và hiện đại, vừa phát huy được ưu điểm, vừa khắc phục được các nhược điểm của các phương pháp dạy học. Phương pháp này không những có hiệu quả cao trong giảng dạy môn Giáo dục chính trị mà còn có thể phát huy ưu thế của nó trong giảng dạy những môn học khác. Đó là phương pháp dạy học hiện đại và đang được sử dụng khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn Giáo dục chính trị ở hệ Trung cấp chuyên nghiệp cần phải được tiến hành với việc đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Đó là đánh giá theo năng lực người học. Đánh giá theo năng lực là đánh giá kiến thức, kỹ năng và thái độ trong bối cảnh có ý nghĩa. Đánh giá người học không chỉ đánh giá kết quả mà chú ý cả quá trình học tập, không giới hạn vào khả năng tái hiện tri thức mà chú trọng khả năng vận dụng tri thức trong giải quyết các nhiệm vụ phức hợp.

Tại diễn đàn này, những giáo viên giảng dạy môn Giáo dục chính trị và những người làm công tác quản lý ở các trường và cơ sở có đào tạo hệ Trung cấp chuyên nghiệp có dịp trao đổi về thực tiễn tình hình dạy và học môn Giáo dục chính trị của trường mình, đồng thời tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, nêu lên những khó khăn, thuận lợi  và thảo luận đưa ra các giải pháp cùng giải quyết.

Với tinh thần tập huấn nghiêm túc và hiệu quả, sau khi kết thúc đợt tập huấn, các giảng viên tham gia tập huấn của Khoa Lý luận chính trị của Trường Đại học Hà Tĩnh sẽ tổ chức báo cáo nội dung chương trình tập huấn đến từng giảng viên của khoa và nhanh chóng triển khai áp dụng vào giảng dạy môn Giáo dục chính trị hệ Trung cấp chuyên nghiệp cũng như trong giảng dạy các môn Lý luận chính trị nói chung.