Suy nghĩ về nghề giáo viên của một sinh viên Lào
Phật Giáo có câu nói rằng “Chữ pháp do nhân duyên chi khởi” tức là mọi quy luật phát triển của sự vật và bản thân sự vật đều do nhân duyên chỉ mà ra, nói như vậy thì hôm nay tôi là Buaseng - sinh viên lớp K3 GDCT - được gặp gỡ với các bạn cũng đều xuất phát từ sự thành tâm và duyên nghiệp mà ra.
Là một sinh viên Lào sang Việt Nam du học, tôi đã tham gia học tập và sinh sống tại Trường Đại học Hà Tĩnh gần được 5 năm. Trong thời gian qua, tôi đã được các cô giáo, thầy giáo và các bạn Việt Nam giúp đỡ rất nhiệt tình. Điều đó để lại trong tôi những kỉ niệm tốt đẹp, những ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời mà tôi không thể quên được.
Khi bước vào học chuyên ngành thông thường chúng ta sẽ có sự lựa chọn trước, nhưng đối với tôi đó là do cái duyên. Khi đến Việt Nam tôi không biết sẽ được học những gì, được làm những gì trong tương lai? Quãng thời gian học ở Khoa Lý luận chính trị, tôi đã tiếp xúc gặp gỡ với những giảng viên. Chính sự giúp đỡ của giảng viên trong Khoa Lý luận chính trị làm cho tôi cảm nhận được nghề giáo viên là nghề cao quý, người giáo viên như người Việt Nam thường nói - “Người giáo viên nhân dân”.
Khi tôi là sinh viên năm thứ 3, tôi được đến thực tập tại Trường THPT Hàm Nghi ở Hương Khê. Dù thời tiết chưa nóng lắm, nhưng tự nhiên trong tôi cảm thấy nóng lên khi tôi nghe thầy Hiệu trưởng bảo “Tuần sau em phải phụ trách một tiết giảng dạy, có gì nhờ các bạn Việt Nam giúp đỡ nhé”. Lúc đó tôi trả lời thầy Hiệu trưởng bằng một câu ngắn gọn: “Dạ, em hiểu rồi thầy ạ!”. Nhưng khi ra khỏi phòng thầy, tôi cảm thấy sợ, hồi hộp, tim tôi càng đập mạnh dần khi tôi nghĩ đến việc tôi phải lên giảng dạy. Tôi phải thức rất khuya, bỏ cả nghỉ trưa để tập trung vào việc soạn giáo án, thuộc giáo án, chuẩn bị bảng phụ, chuẩn bị câu ca dao tục ngữ, tập viết bảng cho đẹp…Tôi không nghĩ rằng làm một người thầy giáo lại vất vả như vậy.
Đến ngày tôi lên giảng dạy, tiết giảng của tôi kết thúc trọn vẹn, học sinh cả lớp đứng dậy vỗ tay khích lệ tôi. Lúc tôi nghe thấy tiếng vỗ tay và nhìn thấy nụ cười của các em học sinh, thực sự tôi bắt đầu cảm thấy nghề giáo viên là nghề chân chính, nghề giáo viên là nghề rất có ý nghĩa trong xã hội. Dù nghề giáo viên không mang lại cho cuộc sống giàu sang về vật chất tiền bạc nhưng nghề giáo viên mang lại những giá trị về tinh thần, khiến cho cuộc sống luôn tươi đẹp. Tôi cảm thấy rất yêu nghề giáo viên.
Như tôi đã nói, tôi vào học chuyên ngành này đó không phải là sự lựa chọn và ý muốn của tôi, đó là do cái “duyên” nên khi tôi về bên Lào bạn bè, họ hàng hỏi tôi là “Bạn đang theo học nghề gì?”.Tôi xấu hổ không dám trả lời vì tôi sợ họ chê trách tôi là tại sao đi rất xa, đi nước ngoài mà lại chọn nghề giáo viên để học. Tôi chỉ trả lời với họ “Tôi đang theo học nghề chính trị học để về Lào làm cán bộ.”. Nhưng sau khi tôi đã học tại Khoa Lý luận chính trị của Trường Đại học Hà Tĩnh, qua đợt thực tập thứ nhất, nghề giáo viên đã làm cho những suy nghĩ, tư tưởng của tôi thay đổi đi.
Đến bây giờ có ai đó hỏi tôi “Bạn đang theo học nghề gì?”, tôi sẽ trả lời bằng một niềm tự tin tự hào với nghề của mình đang học: “Tôi đã và đang theo học nghề sư phạm”.
Tin mới
- Liên chi đoàn khoa Lý luận chính trị tổ chức vui Tết Lào - Lễ té nước - 07/11/2014 01:07
- Cảm xúc của những ngày thực tập - 07/11/2014 01:02
- Một vài kinh nghiệm trong thực tập sư phạm - 07/11/2014 01:00
- Rèn luyện một số kỹ năng cho sinh viên thông qua bài tập thảo luận nhóm - 07/11/2014 00:55
- Đức tính vị tha của người phụ nữ Việt Nam - 07/11/2014 00:52
Các tin khác
- Các nhà hảo tâm trao học bổng cho sinh viên Khoa Lý luận chính trị - 07/11/2014 00:41
- Vai trò của Đoàn Trường trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên - 07/11/2014 00:34
- Lời tri ân Thầy Cô nhân ngày nhà giáo Việt Nam! - 07/11/2014 00:32
- Về chức năng thế giới quan và phương pháp luận của các khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật trong môn học giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông - 07/11/2014 00:29
- Tri ân Thầy Cô nhân ngày nhà giáo Việt Nam! - 07/11/2014 00:27