Rèn luyện một số kỹ năng cho sinh viên thông qua bài tập thảo luận nhóm
Mỗi một sinh viên khi theo học một khóa học tại trường đại học, hành trang khi ra trường không chỉ là những kiến thức mà họ tiếp thu được trên giảng đường và trong quá trình học tập thông qua các kênh khác nhau mà còn phải được rèn luyện các kỹ năng để khi ra trường dù không thích nghi ngay được với công việc thì cũng dễ dàng tiếp cận được một cách thuận lợi nhất. Thảo luận nhóm là một trong những phương pháp để tạo cho sinh viên các kỹ năng cơ bản như kỹ năng khai thác dữ liệu và tài nguyên internet, kỹ năng biên tập và sắp xếp tài liệu, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng soạn thảo và trình chiếu, kỹ năng diễn thuyết, kỹ năng trao đổi và nhận xét… Sau đây tôi xin chia sẻ một vài điều về rèn luyện các kỹ năng cho sinh viên qua các lần hướng dẫn thảo luận nhóm.
1. Kỹ năng khai thác dữ liệu và tài nguyên Internet.
Mỗi bài tập thảo luận nhóm, nếu muốn đạt kết quả cao thì thông thường giáo viên cho chủ đề trước và các nhóm về nhà tìm tài liệu sau đó hoàn thiện thành bài thu hoạch, và báo cáo bằng cách thiết kế Slide trình chiếu. Trước kia, để tìm được những tài liệu hay đòi hỏi sinh viên phải miệt mài tìm kiếm trong kho tàng sách của thư viện, phải đọc và đọc rồi chép lại trích dẫn. Nhưng ngày nay với sự hỗ trợ của công nghệ, sinh viên chỉ cần ngồi ở nhà, hay bất cứ một góc nào trong trường cũng có thể tìm được mọi thứ tài liệu mà mình mong muốn, tuy nhiên không phải ai cũng có thể tận dụng triệt để được sự hỗ trợ từ mạng internet.
Nhiều bạn lên mạng mở Google và gõ từ khóa cần tìm và chỉ chú ý vào những nguồn tại những trang đầu tiên mà không chuyển qua các trang tiếp theo, và có những chủ đề khi giáo viên cho rất ít tài liệu có trên mạng, hoặc tài liệu cần phải chọn lựa. Một cách đơn giản để các bạn có thể tìm cho mình những tài liệu gần với chủ đề bằng cách để trong ngoặc nháy hoặc gõ cụm từ ngắn và chia nhỏ các ý của chủ đề ra để tìm kiếm sau đó biên tập lại nội dung theo ý của mình.
Đối với các chủ đề cần số liệu thống kê, cách nhanh nhất để có thể có số liệu thì không cần gõ chủ để cần tìm kiếm vào ô tìm kiếm, như thế nó sẽ cho rất nhiều kết quả khác nhau. Một mẹo nhỏ để khai thác tài liệu số đó là ta tìm vào website của số liệu cần tìm, là website chính thống nên ở đó sẽ có đầy đủ các thông tin là số liệu công khai mà ta cần tìm. Ví dụ: khi cần số liệu về vốn điều lệ, tỷ lệ nắm giữ cổ phần, điều lệ mẫu của các công ty cổ phần thì chúng ta không cần gõ nguyên cả cụm từ trên mà ta chỉ cần gõ “vốn điều lệ Hoàng Anh Gia Lai”, hay “bản điều lệ tập đoàn Hòa Phát” ngay lập tức chúng ta sẽ nhận được chỉ dẫn vào nguồn website của hai tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Hòa Phát, ở đó có số liệu mà ta cần tìm.
Ngoài các chuyên trang về các lĩnh vực mà chúng ta cần khai thác tài liệu thì sử dụng mạng xã hội cũng là một cách để chúng ta khai thác tài liệu rất hiệu quả, trên mạng xã hội như Facebook những người cùng đam mê hoặc hành nghề trong cùng một lĩnh vực lập ra các fanpage hay group, ở đó họ thường up lên các tài liệu và chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp như “Diễn đàn những người hành nghề Luật”, “hệ thống quản lý hành nghề y trực tuyến”,” cộng đồng dân kế toán”… . Đó cũng là một nguồn tài nguyên rất quý giá để chúng ta khai thác.
2. Kỹ năng biên tập và sắp xếp tài liệu.
Tài nguyên trên mạng Internet là vô tận, mỗi một vấn đề khi gõ vào ô tìm kiếm trên trang tìm kiếm google cho ta cả triệu kết quả, nhưng điều quan trọng là biết chọn lọc và sử dụng những tài liệu có giá trị để phục vụ sát thực cho những yêu cầu của chủ đề cho bài thảo luận. Đó là cách sử dụng các nguồn tài liệu chính thống và số liệu xác thực, tiếp đến là những chia sẻ kinh nghiệm và các nguồn tài liệu khác. Có nhiều bạn sau khi gõ tìm kiếm tài liệu và nhận được quá nhiều kết quả khiến bạn không biết chọn lựa tài liệu nào, trong trường hợp này cách tốt nhất là các bạn nên sử dụng tài liệu tại nguồn dẫn từ website chính thống mà ta đang cần trích cứu thông tin, các bạn có thể tham khảo tài liệu từ các nguồn và trích cứu số liệu, tuy nhiên, cần lưu ý là khi sử dụng số liệu hay trích đoạn văn thì cần dẫn nguồn về mục tài liệu tham khảo, tuyệt đối cấm kỵ vấn đề đạo số liệu và văn phong của tác giả thành sản phẩm của mình, càng tệ hại nếu chúng ta sao y bản chính và thay đổi tên “tác giả”. Chính vì điều đó nên mới cần biên tập lại tài liệu lấy được từ Internet và sắp xếp biên soạn lại để phục vụ cho cái cốt chính của mình.
3. Kỹ năng làm việc nhóm.
Chúng ta muốn thành công trong mọi lĩnh vực đòi hỏi phải hết sức năng động và có kỹ năng làm việc nhóm, biết chia sẻ và hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất cũng như hỗ trợ đồng đội hoàn thành công việc chung. Chính vì thế, kỹ năng này cần được rèn luyện ngay từ giảng đường, đầu tiên ở những bài tập nhóm. Kỹ năng này đòi hỏi ở người đứng đầu, là nhóm trưởng, biết chia nhỏ khối lượng công việc, phân chia cho từng thành viên và phân phối thời gian để họ có thể hoàn thành. Sau đấy là ở người thư ký, biết sắp xếp các thành quả của các cá nhân và lắp ghép lại thành một bản báo cáo hoàn chỉnh và tạo ra một sản phẩm chung từ những cái riêng của các thành viên.
Dã ngoại, đi phỏng vấn, quay clip, MV, chụp ảnh, điều tra xã hội học cũng là một trong những cách nâng cao kỹ năng làm việc nhóm cũng như sự đoàn kết và gắn bó của các thành viên. Trong thực tế, sinh viên của các trường đại học địa phương nằm ở các tỉnh lẻ có rất ít việc để làm hay hoạt động xã hội, thời gian biểu của họ chỉ là ăn, ngủ, lên giảng đường khi có giờ học và thời gian còn lại là dành cho Facebook, rất ít sinh viên kiếm được việc làm thêm, hay có những hoạt động xã hội khác ngoài học tập một cách thường xuyên, điều đó dẫn tới cho sinh viên một sức ỳ nhất định. Cho nên, nếu chủ đề thảo luận với yêu cầu kết quả công việc mang tính tổng hợp, với nhiều kiến thức và các kỹ năng sẽ giúp các em năng động hơn. Ví dụ như với sinh viên chuyên ngành Luật thì có thể làm “Phiên tòa giải định”, sinh viên kinh tế có thể đi điều tra thi trường, hay như sinh viên ngành công tác xã hội thì có thể điều tra xã hội học,v.v…
4. Kỹ năng trình chiếu và diễn thuyết.
Mỗi sinh viên khi ra trường nếu muốn có một bản CV thật đẹp đi phỏng vấn tìm việc làm cần có hai chứng chỉ kỹ năng mềm đó là “Kỹ năng trình diễn trước công chúng” và “Kỹ năng diễn thuyết trước đám đông”. Phần đa sinh viên rất kém trong việc trình bày một vấn đề, ngay cả khi bảo vệ luận văn tốt nghiệp cũng có nhiều bạn rất yếu ở điểm này. Đối với yêu cầu của một bài thảo luận nhóm, khi các bạn báo cáo bằng cách trình chiếu PowerPoint các bạn không cần đưa hết nội dung lên Slide, hay thiết kế Slide quá nhiều chữ. Chính vì thế, khi thiết kế Slide, ta chỉ cần mang lên những số liệu chính để minh họa, những hình ảnh hay những ví dụ cụ thể để minh chứng cho vấn đề mà ta đang muốn nói đến. Tóm lại, trình chiều chỉ là thứ hỗ trợ minh họa cho nội dung mà ta cần truyền tải cho người nghe, còn lại muốn bài báo cáo có hiệu quả thì cơ bản vẫn ở người diễn thuyết. Kỹ năng này rất cần thiết cho các chuyên ngành thuộc sư phạm, Luật, Công tác xã hội, Quản trị, Marketing.
5. Kỹ năng trao đổi và nhận xét.
Mỗi một lớp học khi thảo luận nhóm giáo viên thường chia lớp thành nhiều nhóm và mỗi nhóm sẽ đảm nhận một chủ đề. Nói như thế không có nghĩa các nhóm chỉ tập trung làm mỗi chủ đề của mình mà không quan tâm đến chủ đề của các nhóm khác. Mỗi một chủ đề, nếu muốn thảo luận có hiệu quả thì phải có sự tương tác, phản biện của các thành viên khác, vì thế nó mới làm phong phú thêm kiến thức, bổ sung cho nhau, nhiều khi không khí tranh cãi mới làm cho sinh viên hứng thú hơn với môn học. Một buổi thảo luận có hiệu quả cần rất nhiều ở sự nhiệt tình từ các bạn trong lớp, và cần hơn nữa sự đóng góp một cách tích cực bằng việc đưa ra các nhận xét và trao đổi. Thực tế cho thấy mỗi lần sinh viên nhận xét báo cáo của các nhóm thì đều rất thẳng thắn, tuy nhiên phần lớn đều không biết cách nhận xét theo một sự ứng xử đúng mực, hầu hết các bạn khi nhận xét đều bộp ngay và điểm yếu, hạn chế hay những gì chưa làm được của nhóm vừa báo cáo. Điều này tất nhiên là điều quan trọng nhất của việc nhận xét và trao đổi, nhưng như thế thì sẽ khiến cho nhóm được nhận xét có cảm giác khó chịu. Do đó, để nhận xét một vấn đề trước hết chúng ta phải nêu những ưu điểm, những thành công của nhóm báo cáo, sau đó mới nói đến nhược điểm, hạn chế, những điều chưa làm được rồi góp kiến, bổ sung. Đó chính là những kỹ năng ứng xử tối thiểu đối với việc trao đổi trong một buổi thảo luận nhóm.
Trên đây là một vài chia sẻ của cá nhân tôi về việc rèn luyện kỹ năng cho sinh viên thông qua bài tập thảo luận nhóm, có thể chưa thật sự được hoàn hảo lắm nhưng đó là kinh nghiệp của tôi qua những năm ngồi dưới giảng đường và đứng trên bục giảng trường đại học. Tôi rất mong được sự bổ sung và trao đổi thêm từ các thầy cô giáo đồng nghiệp và các bạn sinh viên để chúng ta có thêm nhiều kinh nghiệm cho việc rèn luyện kỹ năng cho sinh viên, giúp sinh viên thích nghi với mọi môi trường công việc, và có một hành trang thật tự tin sau khi ra trường.
Tin mới
- Vấn đề giảng dạy các khái niệm, phạm trù trong môn giáo dục công dân ở trường Trung học phổ thông - 07/11/2014 01:22
- Mô hình cấu trúc nhân cách con người của S.FREUD - 07/11/2014 01:16
- Liên chi đoàn khoa Lý luận chính trị tổ chức vui Tết Lào - Lễ té nước - 07/11/2014 01:07
- Cảm xúc của những ngày thực tập - 07/11/2014 01:02
- Một vài kinh nghiệm trong thực tập sư phạm - 07/11/2014 01:00
Các tin khác
- Đức tính vị tha của người phụ nữ Việt Nam - 07/11/2014 00:52
- Suy nghĩ về nghề giáo viên của một sinh viên Lào - 07/11/2014 00:50
- Các nhà hảo tâm trao học bổng cho sinh viên Khoa Lý luận chính trị - 07/11/2014 00:41
- Vai trò của Đoàn Trường trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên - 07/11/2014 00:34
- Lời tri ân Thầy Cô nhân ngày nhà giáo Việt Nam! - 07/11/2014 00:32