Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Sự hình thành và phát triển học thuyết của Lênin về Chủ nghĩa quốc tế

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hồng Ninh - Đăng ngày: .

Học thuyết của Lênin về chủ nghĩa đế quốc là một cống hiến vô cùng to lớn trong phong trào cách mạng thế giới. Tất cả các tác phẩm của Lênin qua các thời kỳ từ 1900 đến 1924 đã phản ánh rõ sự hệ thống lý luận của Người về quy luật ra đời, bản chất và xu hướng vận động của chủ nghĩa đế quốc. Những tác phẩm đó, cùng với nhiều tác phẩm khác của Người về triết học, về chủ nghĩa xã hội khoa học đã hợp thành một hệ thống lí luận khoa học: Chủ nghĩa Lênin. Đó là Chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa.

Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, lực lương sản xuất tư bản chủ nghĩa có sự phát triển mạnh mẽ. Công nghiệp nặng, nhất là công nghiệp sản xuất máy móc bằng máy móc phát triển nhanh chóng. Nhiều phát minh, sáng chế ra đời. Điện lực trở thành một lực lượng sản xuất mới, hùng mạnh và có tác dụng cách mạng hóa sản xuất hơn nữa. Do sự phát triển đó của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã có sự cải biến quan trọng. Cạnh tranh tự do không còn thống trị trong nền kinh tế. Các tổ chức độc quyền tư bản chủ nghĩa đã xuất hiện, trở nên phổ biến và thống trị trong trong đời sống kinh tế ở các nước tư bản phát triển. Chủ nghĩa đế quốc ra đời thay thế tự do cạnh tranh. Điều đó cũng làm xuất hiện nhiều trào lưu tư tưởng bào chữa, tô vẽ cho chủ nghĩa đế quốc. Thực tế đó đòi hỏi phải có sự phân tích hết sức khoa học về chủ nghĩa đế quốc để từ đó đề ra chiến lược, sách lược đúng đắn.

 Là nhà hoạt động lí luận kiêt xuất đồng thời là nhà lí luận cách mạng thiên tài, Lênin đã nghiên cứu, sáng tạo nên học thuyết về chủ nghĩa đế quốc, về cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc, đáp ứng yêu cầu đó của thời đại.

Sự hình thành và phát triển học thuyết của Lênin về chủ nghĩa đế quốc có thể chia thành ba thời kì:

1. Thời kì thứ nhất từ 1900 đến 1913                     

Đây là thời kì hình thành những mầm mống đầu tiên của học thuyết.

- Tháng 10 năm 1900, qua bài "Cuộc chiến tranh Trung Quốc", Người đã chỉ ra xu hướng xâm chiếm thuộc địa ở các nước tư bản có nền công nghiệp phát triển và bản chất của các cuộc chiến tranh đó sự là phân chia thuộc địa

-  Lênin đã chỉ rõ ở nước Nga cũng diễn ra quá trình tích tụ sản xuất và một nhóm nhỏ triệu phú đã thu được lợi nhuận dựa trên sự bóc lột sức lao động của hàng triệu công nhân lao động qua bài " Sự tập trung sản xuất ở nước Nga" mà Ông viết vào tháng 8 năm 1912.

- Tháng 3 năm 1913, viết "Vận mệnh lịch sử của học thuyết Mác" Lênin đã phân tích những mâu thuẫn gay gắt trong kinh tế và chính trị ở các nước tư bản chủ nghĩa ở Châu Âu mà Người gọi đó là một thứ "hòa bình" xã hội giống như một thùng thuốc nổ và sự trưởng thành của giai câp vô sản vẫn cứ tiến triển không ngừng"

- Tháng 6 năm 1913, Lênin viết bài "Sự giàu có của chủ nghĩa tư bản tăng lên" nói lên sự phát triển của công ty cổ phần, hình thức mà " tư bản vượt ra ngoài chế độ tư hữu", tư bản lớn móc túi tư bản nhỏ và thu được những tài sản khổng lồ mà không làm gì cả, xuất hiện một loại  nhà tư chỉ sống bằng cắt các ô phiếu cổ phần ăn lời.

Như vậy, đây là thời kì Lênin viết những tác phẩm vạch ra những hiện tượng mới trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản - đặc trưng của thời kì đế quốc chủ nghĩa. Đó là sự tích tụ sản xuất và sự phát triển của các công ti cổ phần, sự xâm chiếm thuộc địa, phân chia đất đai trên thế giới, sự ăn bám thối nát của giai cấp tư bản và đại tư bản. Người cũng vạch rõ mâu thuẫn giữa giai cấp tư bản và giai cấp vô sản ngày càng gay gắt sẽ tạo tiền đề vật chất để quá độ lên chủ nghĩa xã hội bằng cách mạng.

2. Thời kì thứ hai từ 1914 đến 1917

 Đây là thời kì diễn ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Bọn phản động trong nước và quốc tế, cũng như chính phủ Sa Hoàng ráo riết tấn công Đảng. Để tập trung sức lãnh đạo Đảng và phản công lại kẻ thù Lênin đã viết nhiều tác phẩm, chính vì vậy thời kì này, học thuyết về chủ nghĩa đế quốc của Lênin được hoàn thiện dần.

- Tháng 8 năm 1914: Lênin đã xác định tính chất đế quốc chủ nghĩa của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đó là giành giật thị trường và cướp bóc những nước khác, xúi giục những người nô lệ làm thuê của nước này chống lại những người nô lệ làm thuê ở nước khác trong tác phẩm "Nhiệm vụ của các Đảng xã hội dân chủ cách mạng trong cuộc chiến tranh Châu Âu". Từ đó Người chỉ ra nhiệm vụ của Đảng Xã hội và dân chủ Nga là phải tuyên truyền chống chính phủ phản động, tuyên truyền cách mạng xã hội chủ nghĩa và đề cao xây dựng các tổ chức bí mật

- Tháng 9 năm 1914, Người viết "Chiến tranh Châu Âu và chủ nghĩa xã hội quốc tế " tiếp tục phê phán chủ nghĩa cơ hội ở Pháp, Đức.

- Tháng 10 năm 1914, trong tác phẩm "Chiến tranh và phong trào dân chủ - xã hội Nga", Người tiếp tục vạch trần bản chất của cuộc chiến tranh, vạch trần bản chất phản động của Quốc tế II và nêu ra khẩu hiệu có tính chất nguyên lí "Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng"

- Tháng 6 năm 1915, Người viết tác phẩm "Sự phá sản của Quốc tế II" lên án sự phản bội của các lãnh tụ Quốc tế II, đứng về phía chính phủ nước họ, chống lại giai cấp vô sản. Người vạch rõ nguyên nhân của chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc, vạch rõ bản chất của chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa xã hội sô vanh. Đồng thời Người cũng chỉ rõ ba dấu hiệu của tình thế cách mạng và điều kiện nổ ra cách mạng khi có tình thế cách mạng. Người khẳng định, phần lớn các nước Châu Âu lúc đó đều có tình thế cách mạng.  

- Tháng 8 năm 1915, trong tác phẩm " Chủ nghĩa xã hội và chiến tranh", Lênin đã phân biệt rõ các loại hình lịch sử của chiến tranh, chỉ rõ " chiến tranh là sự kế tục của chín trị bằng những thủ đoạn khác". Một lần nữa Người khẳng định sự phá sản của Quốc tế II và sự cần thiết phải lập Quốc tế mới. Cũng trong tác phẩm này, Người đã đề ra những ý kiến có tính chất cương lĩnh về quyền dân tộc tự quyết.

- Tháng 8 năm 1915, Lênin viết tác phẩm "Bàn về khẩu hiệu liên bang Châu Âu". Người chỉ rõ, xét về mặt kinh tế thì khẩu hiệu đó sai. Vì trong điều kiện kinh tế đế quốc chủ nghĩa, khẩu hiệu đó "hoặc là không thực hiện được, hoặc là phản động". Theo người, không thể đề ra khẩu hiệu Liên bang Châu Âu, vì Liên bang Châu Âu trong chủ nghĩa tư bản là một hiệp nghị phân chia thuộc địa dựa trên sức mạnh luôn thay đổi giữa các đế quốc; đó chẳng qua là một khối thực dân tập thể và Liên bang Châu Âu sẽ chỉ là việc tổ chức thế lực phản động chống chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu và kìm hãm sự phát triển nhanh chóng của nước Mĩ. Như vậy, trong tác phẩm này, Lênin đã đem lại cho chúng ta cơ sở lí luận để xem xét các khối kinh tế và quân sự của chủ nghĩa đế quốc và vạch ra tư tưởng cách mạng vô sản không thắng lợi đồng thời ở các nước tư bản phát triển mà "có thể và tất yếu thắng lợi trước tiên ở một số nước, thậm chí ở một nước". 

Những tác phẩm trên đã đề cập đến từng mặt, từng đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa đế quốc. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho sự ra đời của tác phẩm "Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản" thì phải kể đến tập "Bút kí về chủ nghĩa đế quốc". Tập bút kí này gồm những ghi chép trong quá trình nghiên cứu sách báo về chủ nghĩa đế quốc, từ giai đoạn 1915 đến 1916 của Người. Tập bút kí gồm 20 quyển vở trong đó ghi ý kiến của nhiều tác giả khác nhau và những nhận xét của Lênin về những ý kiến đó.

- Tháng 6 năm 1916, Lênin viết tác phẩm "Chủ nghĩa đế quốc giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản". Đây là tác phẩm tập trung nhất nội dung học thuyết của Lênin về chủ nghĩa đế quốc. Nội dung chính của tác phẩm gồm 10 chương. Sáu chương đầu nói về các đặc điểm kinh tế cơ bản của bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa đế quốc. Bốn chương sau tổng kết các chương đầu, xác định bản chất kinh tế của chủ nghĩa đế quốc từ đó rút ra bản chất chính trị và địa vị lịch sử của nó. "Chủ nghĩa đế quốc giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản" đã kế thừa phát triển lí luận của Mác về chủ nghĩa tư bản. Nó vừa có tính phổ thông, hợp pháp trong thời kì bấy giờ đồng thời vừa mang tính chiến đấu cách mạng triệt để.

3. Thời kì thứ 3 từ 1917 đến 1924

Đây là thời kì học thuyết của Lênin về chủ nghĩa đế quốc được hoàn chỉnh thêm với những tác phẩm như: "Tai họa sắp đến và cách đề phòng tai họa đó", viết tháng 9 năm 1917; "Thư gửi công nhân Mĩ" viết tháng 8 năm 1918, "Báo cáo về tình hình quốc tế và những nhiệm vụ cơ bản của quốc tế cộng sản" viết tháng 7 năm 1920; "Báo cáo trước Đại hội III Quốc tế cộng sản" ngày 5 tháng 7 năm 1921... Qua những tác phẩm này Lênin đã nêu lên những ý kiến nổi tiếng về chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, về sự khủng hoảng cách mạng thế giới, về mối liên hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản.

Tất cả các tác phẩm trên của Lênin, cùng với nhiều tác phẩm khác của Người về triết học, về chủ nghĩa xã hội khoa học đã hợp thành một hệ thống lí luận khoa học: Chủ nghĩa Lênin. Đó là Chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa.

Ngày nay, chủ nghĩa tư bản đã có nhiều biểu hiện mới. Nổi bật nhất là sự phát triển của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, hội nhập kinh tế quốc tế...Mặc dầu vậy, bản chất của nó vẫn không thay đổi. Chủ nghĩa tư bản độc quyền vẫn vận động và phát triển theo những quy luật mà Lênin đã phát hiện ra cách đây gần một thế kỉ.  

Tài liệu tham khảo:

- Lênin toàn tập, tập 27, NXB Tiến bộ. M. 1980

- Học thuyết của Lênin về chủ nghĩa đế quốc - Bùi Ngọc Chưởng, NXB sách giáo khoa Mác - Lênin, HN - 1983 

- Chủ nghĩa tư bản hiện đại - Viện Kinh tế thế giới - Chủ biên: Lê Văn Sang - Đào Lê Minh - Trần Quanh Lâm, NXB Chính trị Quốc gia, HN - 1995

- Tập bài giảng về chủ nghĩa tư bản hiện đại - Nguyễn Khắc Thân, NXB Chính trị Quốc gia, HN - 2002