Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Nhận thức về quyền con người trong thời kỳ cổ đại

Tác giả: ThS. Trần Thị Bích Nga - Đăng ngày: .

Nhận thức về quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử xã hội loài người, là giá trị tinh thần quý giá nhất của nền văn minh nhân loại. Khái niệm “quyền con người” (Human Rights) xuất hiện đầu tiên ở phương Tây thế kỷ XVII - XVIII. Trong một số tác phẩm của các nhà tư tưởng như J.J. Rousseau, T. Hobbes, J. Locke.v.v.. đã đề cập đến khái niệm này. Sau đó khái niệm này đã được cụ thể hóa trong một số văn bản có tính chất pháp lý của một số quốc gia như: Tuyên ngôn độc lập ở Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn về quyền con người và quyền công dân ở Pháp năm 1789,v.v… Cuối cùng quyền con người cũng trở thành vấn đề quốc tế mà các quốc gia cùng quan tâm và bảo hộ khi hàng loạt các điều ước quốc tế ghi nhận.

Theo như quan điểm của chủ nghĩa duy vật, “quyền con người”, “quyền dân tộc” là những phạm trù lịch sử có quá trình hình thành, phát triển phản ánh những quy luật vận động khách quan của con người mà là thành quả của quá trình đấu tranh lâu dài trong lịch sử. Mỗi thời đại, nhân dân lao động và các dân tộc đều phải trải qua sự đấu tranh, hy sinh cũng vì quyền con người. Vấn đề quyền con người luôn là trung tâm của mọi cuộc cách mạng xã hội và tiến bộ của nhân loại. Trong khi lịch sử phát triển của xã hội loài người tùy thuộc vào từng hình thái kinh tế - xã hội khác nhau mà vấn đề quyền con người cũng được lý giải và thực hiện theo nhiều cấp độ khác nhau.

Trong thời kỳ này đã có sự khác nhau về tính chất xã hội, chính ở đây đã tạo ra sự khác nhau về cấu trúc nền móng, từ đó tạo ra những sự khác nhau về những quan điểm, tư tưởng sau này. Trong xã hội nguyên thủy, nguyên tắc được đặt lên hàng đầu hay còn gọi là nguyên tắc vàng, trong cuộc sống sinh hoạt con người luôn tôn trọng và hoàn toàn bình đẳng với nhau. Kéo theo, các dân tộc (theo nghĩa là thị tộc, bộ lạc) cũng tồn tại mối quan hệ bình đẳng. Mà ở đó, trong mỗi thị tộc, bộ lạc mọi người đều có quyền ngang nhau. Họ cùng sống, cùng lao động và cùng thừa hưởng mọi thành quả lao động mà tập thể làm ra. Tuy nhiên tất cả sự bình đẳng ấy đều dựa trên cơ sở đời sống vật chất còn khá thô sơ lạc hậu thấp kém sựtư hữu là nhỏ giọt.

Đến khi tất yếu của lịch sử đã tạo ra nhiều cách thức để con người đấu tranh với thiên nhiên và chinh phục thiên nhiên kéo theo sức sản xuất phát triển và lúc này của cải dư thừa càng nhiều, càng lớn. Tư hữu cũng dần dần xuất hiện với sự ra đời của một xã hội có giai cấp và nhà nước. Theo đó, những nguyên tắc vàng trước đây của xã hội nguyên thủy cũng bị xé nhỏ ra, những bình đẳng bị mất dần.

Như vậy, lịch sử loài người khi bước sang thời kỳ cổ đại đánh dấu sự mờ nhạt của tính bình đẳngđã bị xóa nhòa giữa bộ lạc này với bộ lạc khác . Thay vào đó là sự bất bình đẳng đã ngày càng được thể hiện rõ hơn.

Xã hội phương Tây cổ đại là một xã hội chiếm hữa nô lệ mang tính chất điển hình. Trong đó hai giai cấp chủ yếu là chủ nô và nô lệ. Do đó, mâu thuẫn chủ yếu giữa chủ nô và nô lệ cũng chính là mâu thuẫn giai cấp. Nô lệ là lực lượng chính sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội nhưng họ lại bị coi như súc vật và hàng hóa để trao đổi, buôn bán. Trong khi đó giới chủ nô lại nắm trong tay mọi đặc quyền đặc lợi.

Giai cấp nô lệ đã đứng lên để giành lại sự tự do và đòi lại phẩm giá của họ. Sự uất hận đóđã bùng lên thành các cuộc khởi nghĩa. Một trong những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu diễn ra vào năm 74 - 71 TCN do Xpacstacút lãnh đạo đòi xóa bỏ áp bức và nô dịch. Song cuộc khởi nghĩa đã bị thất bại do không đề ra được cương lĩnh, không tuyên bố được mục đích, chưa vượt qua giới hạn của giai cấp nên họđã bị đàn áp rất dã man. Tuy nhiên, mọi thứ đều không trở thành vô nghĩa, và phong trào đấu tranh dù thất bại nhưng đã ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển nhận thức về quyền con người.

Đáng chú ý trong thời kỳ Hy Lạp - La Mã cổ đại. Trước hết, có thể nói bước đi ban đầu về  quyền con người ở đây đầu tiên xuất hiện trong các tư tưởng, học thuyết triết học, chính trị - xã hội. Đặc biệt,quyền con người gắn chặt với những tư tưởng, học thuyết về con người, về giải phóng, về mối quan hệ giữa con người với con người, con người và xã hội, con người và nhà nước, v.v… Đây có thể coi là những tiền đề, mầm mống đầu tiên trong các tư tưởng về quyền con người. Quyền con người ở đây đã được đề cập đến trong các học thuyết của Platon, Aristotelos, Protagore, v.v.. Tuy nhiên, lúc này quyền con người mới chỉ là những tư tưởng manh nha, chưa được quan tâm nghiên cứu và chưa được thừa nhận như một giá trị phổ biến của con người. Xã hội thời kỳ Hy Lạp - La Mã cổ đại có sự phân hóa giai tầng sâu sắc giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, giữa tầng lớp chủ nô và tầng lớp nô lệ, do vậy quyền con người lúc này cũng mang tính giai cấp sâu sắc, chỉ những tầng lớp quý tộc trong xã hội mới có các quyền cơ bản, còn nô lệ thì không hề có quyền chút nào. Aristotelos cho rằng, chỉ những công dân (nam giới từ 18 tuổi trở lên) mới có quyền công dân, còn phụ nữ, trẻ em, nô lệ, v.v… không có các quyền con người như các công dân khác. Lúc này, các tầng lớp dưới của xã hội, như tầng lớp nô lệ thậm chí được xem như công cụ biết nói, chứ không phải là con người. Chẳng hạn, Platon coi nông dân và thợ thủ công là hạng người thấp nhất. Trong “Nhà nước lý tưởng của ông”. Platon cho rằng: “Trong xã hội cần phải duy trì các hạng người khác nhau và do đó không thể có sự hoàn toàn bình đẳng giữa mọi người được”.

Do phần lớn các nhà tư tưởng thời kỳ Hy Lạp - La Mã cổ đại xuất thân từ tầng lớp quý tộc, do vậy họ ra sức bảo vệ quý tộc và nhà nước của giai cấp đó. Bên cạnh thực tế lịch sử như trình bày ở trên, trong thời kỳ Hy Lạp - La Mã cổ đại, thậm chí trước đó cũng đã xuất hiện những tư tưởng đấu tranh đòi quyền con người phải trở thành những quyền phổ biến cho tất cả mọi người. Những tư tưởng đó gắn liền với cuộc đấu tranh cho sự tự do, bình đẳng của các tầng lớp tận cùng của xã hội - tầng lớp nô lệ.

Trong thời kỳ diễn ra sự tàn bạo khủng khiếp của chế độ ở La Mã cổ đại, thời kỳ mà quyền con người là một thứ rất xa lạ, người ta đã đề cập đến quyền không vâng lời và quyền chống lại áp bức của những người nô lệ như là một số nỗ lực bảo vệ tầng lớp nô lệ. Đến thế kỷ thứ V TCN, Protagore (490- 420) và các nhà triết học thuộc trường phái ngụy biện Sophism đã đưa ra quan điểm về sự bình đẳng và tự do giữa các cá nhân trong xã hội: “Thượng đế tạo ra mọi người đều là tự do, không ai biến thành nô lệ cả”. Cùng với câu nói nổi tiếng của Socrate, nhà triết học Hy Lạp cổ đại cho rằng: “Con người hãy nhận thức lấy chính mình” thì đây có thể được xem như là mầm mống đầu tiên về quyền con người và đấu tranh cho quyền con người. Rõ ràng, tư tưởng quyền con người trước hết phải xuất phát từ việc đề cao con người, tôn trọng giá trị con người.

Sự bất lực của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh với bọn bóc lột đã dẫn tới sự gia tăng tâm lý tín ngưỡng, họđã tìm kiếm “niềm an ủi tinh thần” trong tôn giáo. Vào thế kỷ I, từ sự xáo trộn tín ngưỡng cổ xưa với triết học Hy Lạp, được thị dân hoá làm xuất hiện Thiên chúa giáo như Ph. Ănghen nhận xét rằng: “Thiên chúa giáo như một phong trào của quần chúng bị áp bức: ban đầu nó như là tôn giáo của người nô lệ và người được trả tự do, nghèo khổ và các dân tộc không có quyền, bị chinh phục hoặc ở rải rác khắp La Mã”.

Trong các tác phẩm sơ khai của giáo lý Thiên chúa giáo, đã nói lên sự căm hờn lũ “hoàng đế thú vật, bọn quan chức nhà giàu, thương nhân. Những tín đồ Thiên chúa giáo buổi bình minh đã mơ ước tiêu diệt đế chế La Mã chủ nô thiết lập “vương quốc ngàn năm”. Trong khi chờ đợi “sứ giả giáng trần”, các tín đồ đã hướng tới “sự cam chịu”. Dần dần, Thiên chúa giáo đã bị giai cấp thống trị lợi dụng và biến thành công cụ cai trị tinh thần đối với quần chúng nhân dân. PGS. TS Trần Khánh có đánh giá rất hay. Theo ông, ban đầu Thiên chúa giáo thể nguyện như tất cả mọi người đều bình đẳng trước Chúa. Và rõ ràng sự “bình đẳng” ấy thể hiện qua quyền con người như mọi tầng lớp, giai cấp, giới tính, … Sự bình đẳng ấy mọi người đều được hưởng ngang nhau và đây là giá trị nhân đạo ban đầu của Thiên chúa giáo. Nó có ảnh hưởng rất lớn đến các học thuyết, tư tưởng của quyền con người ở phương Tây thời cổ đại.

Ở xã hội phương Đông cổ đại cũng bao gồm hai giai cấp chủ yếu. Thứ nhất là giai cấp thống trị bao gồm vua, quan lại, tăng nữ chủ yếu đi bóc lột. Thứ hai là giai cấp bị trị gồm nông dân công xã và một ít nô lệ thì lại bị bóc lột. Việc này đồng nghĩa với việc diễn ra sự kì thị, mang đến sự bất bình đẳng giữa con người với con người.

Một trong những biểu hiện rõ nét nhất của sự bất bình đẳng chính là chế độ phân biệt chủng tộc Vácna trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Đây là chế độ phân biệt đẳng cấp nghiêm ngặt, hà khắc, là sự bất bình đẳng giữa tộc người Arian và tộc người Đravitđa bản địa. Còn ở Trung Quốc cổ đại, cũng chia xã hội thành hai hạng người “quân tử” và “tiểu nhân”. Người phụ nữ thì bị coi thường và đối xử hà khắc. Tầng lớp nô lệ ở phương Đông cổ đại mặc dù không điển hình như phương Tây nhưng cũng không có đặc quyền, đặc lợi nào thậm chí được coi như tài sản của tầng lớp quý tộc.

Nhận thấy được những mâu thuẫn xã hội, giai cấp gay gắt như vậy nên điều tất yếu sẽ nảy sinh ra những cuộc đấu tranh ở những quy mô, cách thức khác nhau. Đặc biệt trong nhận thức đã xuất hiện những tư tưởng tiến bộ thể hiện được quyền con người, muốn vươn lên để được có quyền cơ bản cho mình. Nổi bật đó là sự ra đời của Phật giáo, Nho giáo hay những tư tưởng của Lão Tử, Mặc Tử..Tất cả đều mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp, không có áp bức giai cấp, dân tộc, đó là một thế giới đại đồng, được hưởng quyền con người một cách đúng nghĩa.

Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những hạn chế về điều kiện lịch sửxã hội mang lại,quyền con người chỉ dành cho tầng lớp giàu có, có học thức, địa vị. Đó là tầng lớp quý tộc, quan lại, tăng lữ… Còn đại đa số nông dân công xã, nô lệ lại không được hưởng điều đó. Mặt khác, những quan điểm trên đều phủ nhận đấu tranh giai cấp, đề cao tư tưởng cam chịu, an phận, vô vi. Tức chủ trương đi tìm sự bình đẳng ở thế giới bên kia - Tây phương cực lạc hay cõi Niết bàn… Ngoài ra, họ coi sự áp bức, bóc lột giai cấp, dân tộc và nguồn gốc của mọi sự khổ đau là do thiên ý - tức mệnh trời.

Đáng chú ý trong thời kỳ cổ đại khi nhắc đến những thành tựu chủ yếu về tư tưởng ở Trung Quốc, Ấn Độ thì nhất thiết không thể bỏ qua được nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại.

Vào khoảng thế kỷ XX TCN tại nước Etnuna ở Đông Bắc Babylon, từ thời Vương triều III của thành bang Ua. Nhà vua Hammurabi đã ban hành một bộ luật mang tên mình là bộ luật Hammurabi (ban hành khoảng năm 1780 TCN) được viết trên hai tấm đất sét rất đặc biệt. Đây là bộ luật cổ sớm nhất hầu như còn nguyên vẹn đến ngày nay với câu tuyên bố nổi tiếngtheo đó, mục đích của đức vua khi thiết lập ra đạo này là để: “ngăn ngừa các kẻ mạnh áp bức kẻ yếu,… làm cho người cô quả có nơi nương tựa ở thành Babylon,… đem lại hạnh phúc chân chính và đặt nền thống trị nhân từ”. Có thể xem như đây là một trong những bộ luật sớm nhất đề cập đến quyền con người.

Năm 1902, phái đoàn khảo cổ học Pháp phát hiện ở Sura một cây trụ đá hoa cương khắc toàn bộ văn bản bộ luật Hammurabi. Toàn bộ cây trụ đá ghi lại 282 điều luật cùng một lời nói đầu và lời bạt đề cập tới hầu hết các vấn đề từ kinh tế - xã hội đến mối quan hệ giữa người với người. Người dân có ruộng đất, phụ nữ được đối xử bình đẳng, đồng thời các quyền khác cũng được nới lỏng rất nhiều. Rõ ràng, trong những điều khoản của bộ luật Hammurabi đã phần nào thể hiện được ý thức về các quyền cơ bản cho nhân dân Babylon cũng như toàn nhân loại.

Như vậy, có thể khẳng định trong thời kỳ cổ đại đã xuất hiện những tư tưởng đầu tiên về quyền con người.Đó là sự đấu tranh đòi quyền tự do, bình đẳng - những quyền cơ bản nhất của con người. Vì thế, có thể thấy quyền con người ngay từ đầu đã mang tính giai cấp sâu sắc, nó cũng liên quan chặt chẽ đến việc giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân cộng đồng, đặc biệt là mối quan hệ giữa cá nhân và nhà nước. Quan niệm chủ yếu trong thời kỳ này là quyền con người không phải là một giá trị phổ biến, hay nói cách khác, quyền con người chỉ được dành cho một bộ phận người trong xã hội. Do đó, con người thời kỳ này cũng phản ánh cuộc sống đấu tranh giữa haixu hướng: xu hướng đấu tranh đòi quyền giai cấp, nô lệ và xu hướng bảo vệ của giai cấp chủ nô, phủ nhận quyền của giai cấp nô lệ.       

            Rõ ràng, một bức tranh chungtrong thời kỳ cổ đại có thể thấy được sự chuyển biến của quyền con người. Mặc dù còn sơ khai và nhiều hạn chế nhưng những quan điểm về quyền con người ở các quốc gia cổ đại được xem như những quan điểm, những viên gạch đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Mặt khác đây cũng được coi như phương thức để đưa ra tiếng nói của mình và phần nào xoa dịu được ách áp bức, bóc lột mà từ trước họ phải chịu đựng.Đ cũng là tiền đề quan trọng không thể thiếu cho tư tưởng quyền con người, quyền dân tộc trong những giai đoạn sau của lịch sử nhân loại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đậu Đức Anh, (2004), Sự kế thừa và phát triển tư tưởng quyền con người, quyền dân tộc trong “Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh", Luận văn thạc sỹ, Khoa Lịch sử  -  Đại học Vinh.
  2. Hoàng Công, (1996), Quyền con người – Nhìn từ góc độ Triết học, Tạp chí Triết học, số 3, Trang 41 – 44.

 Gs. Võ Khánh Vinh,(2010), Quyền con người, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.